Chùa Song Ngư tọa lạc trên đảo Ngư, ngoài cửa biển Đan Nhai thuộc huyện Chân lộc, nay là Thị xã Cửa Lò. Chùa xây dựng ở vị trí cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, trên núi, dưới biển, phong cảnh non nước hữu tình. Nơi đây trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thi sỹ khi đi qua biển đảo, nên đã có nhiều bài thơ cơ ngợi vẻ đẹp nơi đây. Đặc biệt, vua Lê Thánh Tông trên đường mang quân đia đánh Chiêm Thành qua vùng biển này đã sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng ca ngợi cảnh đẹp đảo Song Ngư, trong đó có câu:
“ Đoạn tục Song Ngư tử thủy điên”
Nghĩa là: Màu xanh biếc trên đảo Song Ngư chỗ đứt chỗ nối
Chùa Song Ngư được xây dựng khoảng thế kỷ XIV, trãi qua nhiều thế kỷ, ngôi chùa chịu nhiều tác động bởi chiến tranh, thiên tai. Tuy chùa không còn nguyên vẹn, nhưng còn lưu lại những dấu tích xưa như nền chùa cũ với cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, giếng chùa và tài liệu thư tịch ghi chép về quả chuông chùa Song Ngư. Đặc biệt là các hiện vật khảo cổ học liên quan đến Chùa được phát hiện ngay tại nền chùa cũ như tháp gạch đất nung, đĩa men ngọc, ngói âm dương. Từ những hiện vật đào được trên nền đất chùa cũ, các nhà khảo cổ học thuộc Viện khảo cổ học Việt Nam đã nghiên cứu đánh giá đây là hiện vật thời Lý – Trần. Năm 2005 chùa Song Ngư được phục hồi, tôn tạo trên nền cũ nhưng vẫn mang được kiểu dáng kiến trúc ngôi chùa cổ truyền. Đây là minh chứng cho sự hình thành và phát triển của chùa Song Ngư. Những hiện vật và những dấu tích còn lại là nguồn tài liệu lịch sử quý báu giúp chúng ta hiểu thêm về sự thăng trầm lịch sử ngôi chùa trên vùng biển đảo này.
Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Song Ngư thờ phật theo phái đại thừa và phối thờ một vị thần triều Trần là Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn. Qua việc bài trí thờ tự cho chúng ta hiểu thêm về tục tín ngưỡng của ngư dân nơi đây. Về tín ngưỡng đạo phật cho ta hiểu được giáo lý đạo phật hướng con người làm những điều tốt. Về việc thờ thần Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn là một nhân vật có công lớn trong công cuộc chống giặc Nguyên Mông và trấn giữ các cửa biển của nước ta là đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời thông qua đó để hiểu thêm lịch sử đấu tranh bảo vệ dân tộc ở thế kỷ XIII-XIV.
Chùa Song Ngư là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử. Chùa là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của ngư dân vùng biển. Trước đây các tàu buôn nước ngoài khi đi qua vùng đảo này thường dừng lại lên chùa để cầu mong chuyến đi được an toàn may mắn. Người dân nơi đây sống bằng nghề buôn bán và đánh bắt hải sản trên vùng biển, nhiều khi cũng bất lực trước thiên tai địch họa, mỗi lần ra biển ngư dân thường lên chùa cầu yên, cầu may, cầu thần phật phù hộ độ trì giúp họ thoát khỏi tai ương, đánh bắt được nhiều hải sản.
Dưới triều đại nhà Trần, chùa Song Ngư là nơi công chúa Huyền Trân và thể tử Đa Đa được Trần Khăc Chung cứu từ nước Chàm về, khi đi qua đây đã vào chùa làm lễ phật. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu lịch sử thì đảo Song ngư lúc bấy giờ là nơi an toàn của nước Đại Việt, vì trên đảo có chùa,cảnh quan lại đẹp nên Trần Khắc Chung cho dùng thuyền để cùng công chúa vào chùa cầu lễ phật. Sau bao nhiêu năm tù túng trong lòng ấm ức do vua gả cho chúa Chiêm để đổi lấy đất hai Châu Ô và Châu Lý về cho nước Đại Việt, nay được giải thoát. Chính vì lẽ đó nên về sau một vị tướng nhà Trần có tên là Lý Cửu, chức là Ninh vệ tướng quân đưa quả chuông từ biển Đan Nhai – Cửa lò về nhờ trạng nguyên Hồ Tông Thốc cho một bài văn khắc lên chuông. Qua việc lấy chuông ở chùa đưa về quê hương đất tổ họ Trần ( Nam Định ) để nơi chùa Chiêu Quang Tự là để ghi nhớ sự kiện công chúa Huyền Trân được giải thoát và nghỉ lại chùa Song Ngư. Qua đây chúng ta càng hiểu thêm về mối quan hệ bang giao giữa hai nước Đại Việt và nước Chiêm Thành ngay từ buổi ban đầu, hiểu thêm về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đảo Song Ngư là địa điểm trung chuyển hàng hoá của nước ngoài viện trợ cho nước ta để tiếp tế vào chiến trường miền Nam. Nhằm đảm bảo bí mật, an toàn, tàu chở hàng phải đậu ngoài đảo Song ngư. Từ đây đội quân du kích và bộ đội đảo Ngư cho hàng vào bao ni lông kín thả trôi trên mặt biển theo chiều gió để trôi vào bờ. Tuy nhiên, sau một thời gian mật thám của đế quốc Mỹ đã phát hiện địa điểm trung chuyển hàng hóa này. Do vậy chúng trút hàng loạt tấn bom và thả nhiều thủy lôi xuống vùng biển đảo Song Ngư, đặc biệt là trong nhừng năm 1968-1972. Với sức tàn phá khủng khiếp của hàng loạt tấn bom đạn trút xuống đảo Ngư, chùa Song Ngư cũng không tránh khỏi sự tàn phá, chỉ còn lại dấu tích xưa như nền chùa, một số cây cổ thụ, giếng chùa.
Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của nhân dân, ngày 03 tháng 3 năm 2003 dự án phục dựng chùa đảo ngư được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 7370/QĐ-UBCN do UBND Thị xã Cửa Lò làm chủ đầu tư. Ngày 30/4/2005 việc phục dựng, tôn tạo chùa Song Ngư hoàn thành. Kể từ đó đến nay, chùa Song Ngư là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của ngư dân trên biển đảo Đan Nhai – Cửa Lò, đồng thời cũng trở thành một địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của du khách gần xa mỗi dịp về thưởng ngoạn cảnh đẹp của vùng biển Cửa Lò.
Chùa Song Ngư được phục hồi, tôn tạo trên nền cũ. Chùa mang kiểu dáng kiến trúc cổ truyền, bộ khung bằng gỗ, mái ngói âm dương, nền lát gạch đất nung, diện tích là 11.665m2, với các hạng mục công trình; Bến chùa, đường, vườn, nhà ban quản lý, tam quan, sân, nhà Tả vu, Hữu vu và hai tòa chính là Bái đường, Thượng điện.
Từ bãi tắm Cửa Lò xuất phát ra chùa Song Ngư khoảng 4km là tới bến chùa. Nơi đón du khách trên tàu, thuyền xuống để lên chùa. Bến chùa là một bãi đá cuội trãi dài 500m, nơi đây có hàng triệu triệu viên đá cuội tròn nhẵn được ngâm rửa qua nhiều năm tháng trong sóng biển, trông thật hấp dẫn. Du khách tiếp tục sải bước trên đường vào chùa, đến vườn chùa, rồi tiếp đến là sân chùa. Sân chùa được phân thành ba khoảng, tạo theo độ dốc của núi thành ba cấp giống như ruộng bậc thang. Điều đặc biệt là khoảng sân thứ hai có hai cây lộc vừng, cây dưới cổ thụ có hàng trăm năm tuổi quý hiếm và rất đẹp. Giữa sân có giếng chùa, đây là chứng tích về bề dày của ngôi chùa cổ. Giếng chùa còn được gọi là giếng tiên, bởi giếng nổi tiếng từ xưa, nước rất ngọt, trong mát và không bao giờ cạn. Trước đây dân vạn chài đi biển thường vào đây lấy nước không chỉ để uống mà còn để cầu may, cầu được thần phật phù hộ cho họ đi biển gặp nhiếu may mắn…
Chùa Song Ngư có vị thế đẹp, nơi non nước kỳ thú, là địa điểm hấp dẫn du khách, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, nơi đây vào những ngày sóc, ngày vọng ngư dân đi biển thường lên chùa cầu may, cầu làm những việc tốt lành cho mình, đồng thời để vơi đi nỗi lo âu đứng trước sóng biển mênh mông. Là nơi giáo dục lòng yêu quê hương xứ sở về tình người. Là địa điểm du lịch lý tưởng cho du khách mỗi lần về với biển Cửa Lò, họ đi thuyền ra đảo vãn cảnh chùa, lễ thần phật nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh, cho tâm hồn thanh thản, để giảm bớt mọi sự mệt mỏi sau những ngày học tập và lao động vất vả. Chùa Song Ngư trong qúa khứ và hiện tại không chỉ Là điểm sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa đối với ngư dân, mà còn là địa điểm có giá trị văn hóa du lịch đối với du khách về với biển Cửa Lò./.
Nguyễn Thị Quỳnh Ngân