Bão số 3 – Sơn Tinh giảm cường độ và tan dần trên đất liền. Ảnh: NCHMF.
Trong đêm 18/7, bão đổ bộ vào Nghệ An và tan dần. Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa lớn (70-130 mm). Ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; riêng đảo Hòn Ngư có gió giật cấp 9; Tĩnh Gia, Ngọc Trà (Thanh Hóa) có gió giật cấp 9.
Ảnh hưởng của bão, các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20/7. Lượng mưa phổ biến 100-300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh kiểm tra phòng tránh bão tại huyện Quỳnh Lưu và đề nghị người dân tuyệt đối không trú ẩn trên tàu, thuyền khi bão đổ bộ. Ảnh: Thu Huyền.
Trước khi bão số 3 đổ bộ, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, các cơ quan chức năng đã chỉ đạo người dân các địa phương chủ động ứng phó với bão. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh trực tiếp kiểm tra các khu vực xung yếu ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn trực tiếp có mặt tại vùng biển Nghi Lộc chỉ đạo việc phòng chống bão; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường trực tiếp kiểm tra việc ứng phó với bão tại thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng chỉ đạo việc phòng, chống bão tại Thị xã Hoàng Mai.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại Tổng kho xăng dầu DKC. Ảnh: Nhật Tuấn
Trong chiều 18/7, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát đi 2 công điện khẩn chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động phương án tại chỗ phòng, chống bão số 3.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường kiểm tra tại huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Quang An.
Trước khi bão đổ bộ, các địa phương ven biển gồm Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò đã hoàn thành việc di dời gần 3500 hộ dân với hơn 15.000 người đến nơi an toàn; hơn 3800 tàu, thuyền với hơn 18.000 lao động nghề biển của tỉnh đã tìm nơi trú ẩn an toàn trước bão.
Tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ di chuyển đến địa điểm tránh trú bão an toàn. Ảnh: Hải Thượng.
Các lực lượng chức năng như quân đội, công an, biên phòng và các địa phương đã chủ động các phương án giúp dân phòng, chống bão. Đặc biệt, ngay trước khi bão đổ bộ, lực lượng biên phòng Nghệ An đã lai dắt thành công tàu cá mang biển số QB 93532 TS của ngư dân tỉnh Quảng Bình bị hỏng máy, không thể di chuyển đi tránh bão tại biển Cửa Hội…
Lắp đặt máy bơm dã chiến trong đêm để tiêu nước cho vùng chợ Vinh. Ảnh: Quang An.
Trong đêm 18/7, lực lượng chức năng cũng đã lắp đặt nhiều máy bơm dã chiến quanh khu vực chợ Vinh để sẵn sàng tiêu nước nếu xảy ra ngập lụt do mưa lớn trước và sau khi bão đổ bộ.
Theo ghi nhận, sáng 19/7, trên địa bàn Nghệ An có mưa lớn, nhiều vùng bị ngập. Bản tin của Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ cho biết, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 04 giờ ngày 19/07, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8-9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 19/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 102,0 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, trong sáng sớm nay ở vịnh Bắc Bộ còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-4m; biển động mạnh.
Hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ngoài khơi đảo Luzon (Philippines) ngày 16/7 và tiến rất nhanh vào Biển Đông, bão số 3 (tên quốc tế Sơn Tinh) di chuyển gần như thẳng hướng tây. Bão vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) và nhắm vào khu vực Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh nhất đạt cấp 9, giật cấp 11.