Bức tranh sáng nửa đầu năm
Theo Tổng cục Du lịch, tổng số khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt khách (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021; tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19). Tổng thu từ khách du lịch đạt 265 nghìn tỷ đồng.
Trong báo cáo 6 tháng, ngành du lịch cũng dẫn số lượt khách đến các địa phương và doanh thu.
Cụ thể như: Hà Nội đón 8.610.000 lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 211.300 lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 8.400.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.200 nghìn tỷ đồng.
Thành phố Hồ Chí Minh ước đón 477.982 lượt khách quốc tế (tăng 100%), khách nội địa đạt 11.089.304 lượt khách (tăng 43,1%), tổng thu từ khách du lịch đạt 49.681 tỷ đồng (tăng 29,9%).
Ninh Bình đón 1.780.000 lượt khách (tăng 107,9%) trong đó khách nội địa đạt 1.760.000 lượt khách (tăng 105,9%), khách quốc tế đạt hơn 18.000 lượt (tăng 39,31%), tổng thu từ khách du lịch đạt 1.054 tỷ đồng (tăng 88,71%).
Khánh Hòa đón 1.046.268 lượt khách lưu trú (tăng 128,64%), trong đó khách quốc tế đạt 42.507 lượt khách (tăng 122,51%), khách nội địa đạt 1.003.761 lượt khách (tăng 128,7%), tổng thu từ du lịch đạt 5.550 tỷ đồng (tăng 209,44%)…
Bảo tàng Quảng Ninh (tỉnh Quảng Ninh) là một trong những điểm thu hút khách du lịch tham quan trong dịp hè 2022.
Bình Thuận đón 1.380.124 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 11.542 lượt khách, khách nội địa đạt 1.368.582 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 2.704 tỷ đồng.
Thanh Hóa đón 6.820.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 44.550 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 11.557 tỷ đồng.
Từ số lượng và doanh thu, có thể tính ra chi tiêu trung bình mỗi du khách, cụ thể trung bình mỗi khách đến Khánh Hòa chi tới 5,3 triệu đồng, đứng top đầu cả nước; còn Tp.Hồ Chí Minh gần 4,52 triệu đồng/khách; Hà Nội trung bình mỗi khách chi khoảng 2,93 triệu đồng; Bình Thuận khoảng 1,88 triệu đồng/khách; Thanh Hóa trung bình khoảng 1,7 triệu đồng/khách; Ninh Bình chỉ đạt khoảng 592.000 đồng/khách….
Chi tiêu bình quân của khách phần nào cho thấy phần nào về dịch vụ đi kèm, sản phẩm mua sắm, dịch vụ lưu trú….
Sẵn sàng cho mục tiêu dài hơi
Đánh giá cao những nỗ lực của ngành du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, đến giờ phút này, có thể khẳng định những nỗ lực, cố gắng của Tổng cục Du lịch đã góp phần xứng đáng vào quá trình phục hồi, phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Theo Báo Dân tộc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn gặp phải nhiều khó khăn như điều kiện để triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến còn hạn chế. Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến vấn đề về hạ tầng, đội ngũ, đào tạo gặp nhiều khó khăn nhưng chưa có những giải pháp giải quyết cụ thể. Bên cạnh đó, chất lượng du lịch, chất lượng phục vụ còn chưa cao…
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, ngành du lịch cần tập trung cho một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết, cần tập trung chuẩn bị cho Hội nghị Du lịch toàn quốc dự kiến diễn ra đầu năm 2023. Đây là Hội nghị rất quan trọng, mang tính chất quyết định những định hướng lớn, chiến lược cho ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới.
Việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022 là dấu mốc hết sức quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch tập trung phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để triển khai, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Nghiên cứu xây dựng các mô hình mới về phát triển du lịch như mô hình liên kết phát triển vùng, phát triển du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng…, làm tốt công tác quy hoạch hệ thống phát triển du lịch. Quy hoạch hệ thống du lịch được xác định là một trong những nhiệm vụ mang tầm quốc gia phải hoàn thành trong năm 2022.
Hương Anh (tổng hợp)