Sau gần một năm triển khai thực hiện với mục tiêu giúp cho các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết các mối nguy hiểm xung quang nhà và trong nhà có thể gây ra tai nạn thương tích ( TNTT ) cho trẻ; biết cách loại bỏ các mối hiểm hoạ xung quanh nhà và trong nhà có nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em, giảm đến mức thấp nhất các loại tai nạn thương tích ở trẻ em tại cộng đồng và gia đình do các nguyên nhân do sinh hoạt hàng ngày gây ra, góp phần nâng cao ý thức của người dân về an toàn cộng đồng, đặc biệt là lấy sự an toàn của trẻ em làm trọng tâm cho công tác này. Phương Nghi Thuỷ đã gặt hái được nhiều thành công khi xây dựng mô hình “ cộng đồng an toàn ”, “ Ngôi nhà an toàn “
Trước đó, ở phường Nghi Thuỷ là đơn vị thường xảy ra nhiều trường hợp TNTT không đáng có, gây thiệt hại về người và của cho các hộ gia đình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do chết đuối, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, bỏng hay thương tích do các vật nhọn, sắc gây ra. Đáng lo ngại là tỷ lệ TNTT xảy ra ở trẻ em rất cao.
Trước những nguy cơ tiềm ẩn luôn đe dọa sức khỏe cộng đồng và tính mạng người dân, phường Nghi thuỷ đã khởi động dự án phòng chống TNTT ở trẻ em. Đến nay, mạng lưới Phòng chống TNTT đã bao phủ toàn phường, gõ cửa từng gia đình.
Ông Dương Văn Xô, Chủ tịch UBND phường cho biết, đến nay phường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống TNTT, có kế hoạch xây dựng “ Ngôi nhà an toàn “ với sự tham gia của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân; tổ chức thường xuyên và hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục cho người dân về nguyên nhân và cách phòng chống tai nạn; tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho các ban ngành, đoàn thể, các bí thư, khối trưởng và cộng tác viên về xây dựng kế hoạch, báo cáo, giám sát, sơ cấp cứu… Triển khai can thiệp các yếu tố nguy cơ gây TNTT như làm nắp giếng khơi, nắp bể, rào chắn ao, tủ thuốc gia đình, giá để phích nước, giá để dao trong gia đình hay làm tường bao, lan can, cải tạo sân chơi cho học sinh ở trường học. Bởi vậy, trường hợp TNTT tại địa phương đã giảm đáng kể, đặc biệt là các bậc phụ huynh rất phấn khởi , hưởng ứng tham gia.
Cũng theo ông Xô, phường xây dựng quy chế và nội dung hoạt động, BCĐ Phòng chống TNTT đã phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, mỗi thành viên phụ trách một nhóm hoạt động chuyên đề phòng chống một lĩnh vực TNTT. Theo đó, hiệu trưởng trường THCS, tiểu học, mầm non làm tổ trưởng nhóm hoạt động phòng chống TNTT cùng xây dựng trường học an toàn; Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phối hợp với trưởng khối, các đoàn thể khác thành lập hội đồng hòa giải nhằm giảm bạo lực, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn kết tình làng nghĩa xóm, đoàn tụ vợ chồng; Hội Nông dân phụ trách đảm bảo an toàn lao động trong nông nghiệp, hạn chế tối đa ngộ độc hóa chất. Ban chỉ đạo cũng giao nhiệm vụ cho đội ngũ cộng tác viên đến từng gia đình, đặc biệt là những hộ có trẻ dưới 10 tuổi tư vấn về các yếu tố gây TNTT và các biện pháp can thiệp tránh xảy ra tai nạn cho trẻ. Thường xuyên giám sát, tư vấn, hỗ trợ từng hộ thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn như để vật sắc nhọn xa tầm tay trẻ em, nồi canh nóng phải che chắn cẩn thận. Ban chỉ đạo còn đưa ra nhiều sáng kiến xây dựng và phát triển các trang thiết bị an toàn để phòng chống tai nạn cho trẻ em như làm cũi giữ trẻ, làm giá để dao, chắn bậc cầu thang, dây điện và ổ điện, hàng rào quanh ao… Đoàn Thanh niên phối hợp với Công an phường, trưởng các khối và các gia đình phát quang cây che khuất, mở rộng và đổ bê-tông các đường liên thôn, liên khối; thực hiện tuyên truyền các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. Nhờ vậy, đã góp phần nâng cao sự hiểu biết của người dân về an toàn giao thông, cách phòng tránh và khống chế tai nạn giao thông.
Anh: Nguyễn Quang Dũng, Chuyên trách Lao động, Thương binh và xã hội phường cho biết thêm: Khi có kế hoạch chỉ đạo điểm về xây dựng “ Ngôi nhà an toàn “, toàn phường đã triển khai chương trình phòng chống TNTT ở trẻ em, trong đó chú trọng công tác truyền thông trong cộng đồng, gia đình. Riêng năm 2010, phường đã tổ chức ký cam kết 100% gia đình có trẻ em trong năm không có trẻ em TNTT tại nhà, tổ chức 12 buổi tuyên truyền ở 9 khối, 9 buổi truyền thông tại các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn về phòng chống TNTT. Với rất nhiều hoạt động nói trên, công tác đảm bảo an toàn, hạn chế xảy ra TNTT thực sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm ở phường ngày càng được nâng cao. Đây thực sự là mô hình cần được nhân rộng, đặc biệt là ở vùng ven biển, đời sông còn nhiều khó khăn.
Nghi Thuỷ đang có kế hoạch xây dựng những khu vui chơi giải trí an toàn cho các em. Hiện nay, khu vui chơi giải trí ở phường không nhiều, điều này góp phần làm cho tai nạn trẻ em tăng lên. Do đó, việc tạo ra một môi trường xóm làng bình yên là rất cần thiết. Đó là, đường đi không bị ổ gà, không có gạch đá, ve chai vứt bừa bãi, trang bị đủ ánh sáng vào ban đêm. Những đoạn đường có sông, suối phải có cầu, kiểm tra ao hồ, các đường dây điện cao thế… Đây được xem là trách nhiệm thuộc về người lớn chúng ta, đặc biệt, kiến thức về phòng chống TNTT cho trẻ thì tất cả mọi người ai cũng phải biết để xử lý những sơ cứu ban đầu và giúp giảm tối đa những tổn thương cho trẻ…
Theo: Phùng Đức Thuật( Phòng LĐTB và XH)