Công điện số 26/CĐ-UBND, ngày 09/11/2013 về phòng chống cơn bão số 14/2013:Bão HaiYan

Đăng ngày 25/03/2014

 

 

Bão số 14 là một siêu bão mạnh nhất từ trước đến nay đổ bộ vào biển Đông, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, đổ bộ vào miền Trung nước ta, sức tàn phá rất nặng nề; bão có xu hướng đi dọc ven biển các tỉnh Trung bộ sau ra Bắc Trung bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Nghệ An. Qua thời gian hơn một ngày triển khai các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ an về tập trung đối phó với bão số 14, thấy rằng tình hình nhân dân ở một số phường, một số cơ quan, đơn vị còn có tư tưởng chủ quan, chưa thực sự quyết liệt vì vậy sơ tán di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm chưa thực sự triệt để, chằng chống nhà cửa chưa chắc chắn, cây cối chưa được chặt tỉa một cách an toàn. Thời gian từ nay đến khi bão đổ bộ vào còn rất ngắn. Để tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động đối phó với siêu bão, Chủ tịch UBND Thị xã – Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn Thị xã yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, các cơ quan, đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

1 – Thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt, có hiệu quả nội dung công điện số 25/CĐ – UBND ngày 08/11/2013 của Chủ tịch UBND Thị xã.

2 – Tích cực tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của cơn bão cho người dân biết để chủ động phòng chống, tránh tư tưởng chủ quan, bất cẩn, coi thường gây hậu quả đáng tiếc, thiệt hại đến tính mạng và tài sản.

3 – Chủ tịch UBND các phường phối hợp Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Bến Thủy – Cửa Lò, Hải đội 2 Biên phòng, Trung tâm cứu hộ và PCTT Thị xã tiếp tục kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển tìm nơi trú ẩn; kiểm đếm chặt chẽ số lượng tàu thuyền, hướng dẫn tổ chức neo đậu an toàn, không để người ở lại trên tàu, thuyền khi có bão.

4 – Tiếp tục khẩn trương tổ chức di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, kiên quyết cưỡng chế đối với các trường hợp không chịu chấp hành.

5 – Kiểm tra việc chằng chống, cắt tỉa cành cây để hạn chế thiệt hại khi bão, mưa lũ xảy ra; nếu cây đổ thì phải khẩn trương giải phóng để đảm bảo giao thông, dựng hoặc trồng lại cây ngay sau bão.

6 – Ban chỉ huy quân sự, Công an Thị xã, Đoàn thanh niên các cấp tổ chức giúp dân sơ tán, chằng chống nhà cửa.

7 – Công an Thị xã chỉ đạo các lực lượng bảo vệ tài sản, đảm bảo an ninh trật tự những nơi sơ tán dân.

8 – Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão, chủ động chỉ đạo đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Báo cáo kịp thời tình hình mưa, bão, lũ lụt và sự cố về Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thị xã biết để xử lý kịp thời (điện thoại: 0383.955.874)./.

.
Theo: Vp HĐND-UBND thị xã Cửa Lò