Bão Conson khả năng đi vào Biển Đông sáng 9/9 và có cường độ mạnh nhất đạt cấp 10-11, giật cấp 13. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận được yêu cầu lên phương án ứng phó với bão.
Chiều 7/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin về diễn biến cơn bão Conson hoạt động gần Biển Đông. Lúc 13h, bão đang di chuyển trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây bắc với vận tốc 10-15 km/h. Chiều 8/9, tâm bão nằm trên khu vực phía nam đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.
Sau đó, hình thái này giữ nguyên hướng đi, tăng tốc lên 15-20 km/h để đi vào Biển Đông và khả năng mạnh thêm. Chiều 9/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11.
Như vậy, sau khi vượt đất liền Philippines để tiến vào đảo Luzon, bão có xu hướng giảm đi 1 cấp, nhưng khi vào Biển Đông thì mạnh trở lại.
Dự báo đường đi của bão Conson sắp vào Biển Đông. Ảnh: NCHMF. |
Bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc trong những giờ sau và khả năng mạnh thêm. Chiều 10/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13.
Ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm 9/9, vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11. Sóng biển cao 3-5 m, biển động mạnh.
Cơ quan khí tượng cho biết bão có khả năng gây ra một đợt mưa lớn diện rộng cho các tỉnh miền Bắc vào cuối tuần này (11-12/9).
Hình ảnh vệ tinh của bão Conson quần thảo trên đất liền miền Trung Philippines chiều 7/9. Ảnh: NICT. |
Theo cơ quan khí tượng Hong Kong, tâm bão Conson khả năng quét qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào chiều 12/9 với sức gió mạnh nhất 110 km/h, tương đương cấp 11, giật cấp 13.
Sau đó, bão tiếp tục di chuyển hướng vào vịnh Bắc Bộ, vùng ảnh hưởng rộng khắp các tỉnh phía nam Đồng bằng Bắc Bộ trải dọc xuống khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ.
Cùng nhận định này, cơ quan khí tượng Nhật Bản cho rằng hoàn lưu gây mưa của cơn bão này rất rộng. Chiều 12/9, thời điểm tâm bão nằm gần đảo Hải Nam (Trung Quốc), vùng ảnh hưởng của nó mở rộng khắp vịnh Bắc Bộ và khu vực đất liền các tỉnh miền Bắc, miền Trung nước ta.
Để sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão và mưa lớn trong những ngày tới trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành cùng đơn vị liên quan tại các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và các tỉnh Bắc Bộ rà soát phương án ứng phó.
Theo đó, các địa phương được yêu cầu lên phương án triển khai công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng, đặc biệt là phương án sơ tán đảm bảo an toàn trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa, lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và phải đảm bảo phòng, chống dịch tại các địa điểm sơ tán.
Mỗi địa phương cần có phương án hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa, thông báo cho tàu thuyền, vận hành công trình tiêu úng… phù hợp với từng địa hình, khu vực như vùng biển, ven bờ, miền núi, đồng bằng, theo hướng dẫn có sẵn.