P.V: Trong làn sóng thứ tư, dịch Covid-19 ở Nghệ An đã bùng phát một cách mạnh mẽ với nhiều ca mắc, nhiều điểm nóng xuất hiện. Ông có thể cho biết rõ hơn về tình hình dịch hiện nay?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Từ ngày 13/6 tới nay, trong làn sóng dịch Covid-19 thứ tư cùng biến chủng Delta, ở Nghệ An đã xuất hiện rất nhiều ca nhiễm Covid-19. Toàn tỉnh đã ghi nhận 1.244 bệnh nhân, ở 21 địa phương. Các ca bệnh tăng lên mỗi ngày, đe dọa cuộc sống an bình người dân. Nhiều địa phương trong tỉnh đã phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch. Ngành Y tế đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho hàng trăm ngàn người, đưa nhiều bệnh nhân vào điều trị.
Ở thời điểm này, tình hình dịch ở Nghệ An vẫn đang ở trong giai đoạn rất phức tạp. Trên địa bàn có rất nhiều điểm nóng. Điểm nóng số 1 là thành phố Vinh, thứ 2 là huyện Yên Thành, ngoài ra còn các địa phương như TX Cửa Lò, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn… Ở những huyện, thị khác, về cơ bản, các ổ dịch đã được khống chế.
P.V: Mới đây, thành phố Vinh đã hoàn thành chiến dịch lấy mẫu sàng lọc cộng đồng trên diện rộng nhằm tìm kiếm, tách các F0 ra khỏi cộng đồng. Kết quả của chiến dịch này đã đảm bảo giúp cho thành phố khống chế, dập dịch hay chưa?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Đây là lần thứ 2 thành phố Vinh thực hiện chiến dịch lấy mẫu sàng lọc cộng đồng trên diện rộng. So với lần đầu, lần này, ngành Y tế và thành phố Vinh lấy mẫu với số lượng nhiều gấp 3 lần (gần 290.000 người, đạt tỷ lệ 84%. Còn lại là do nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau như người dân đã tự đi lấy ở nơi khác trong cùng thời gian, hoặc lo sợ lây nhiễm nên đã gọi các đơn vị dịch vụ đến nhà để lấy…). Và trước đây chỉ lấy mẫu đại diện hộ gia đình, thì lần này lấy mẫu toàn dân…
Chiến dịch được gấp rút triển khai song ngành Y tế và thành phố Vinh đã có kế hoạch chuẩn bị tương đối tốt, nên đã hoàn thành trong một thời gian rất ngắn là 2,5 ngày (từ chiều ngày 23/8 – hết ngày 25/8). Riêng ngành Y tế đã điều tới 1.152 cán bộ (trong đó có 152 cán bộ y tế tỉnh Hà Tĩnh) tham gia trực tiếp lấy mẫu, ngoài ra còn có thêm 500 cán bộ chi viện giám sát và tiếp tế cho đội ngũ lấy mẫu.
Rút kinh nghiệm từ lần đầu triển khai, lần này, công tác tổ chức lấy mẫu đã khắc phục được các tồn tại. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt; việc phối kết hợp được đảm bảo. Có thể nói rằng, chiến dịch rất thành công và đã đạt được mục tiêu đề ra.
Tiếp đây, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế và thành phố Vinh sẽ thực hiện đánh giá lại kết quả chiến dịch, từ đó nhìn nhận rõ những “vùng xanh”, “vùng đỏ” và tính toán bước tiếp theo cụ thể.
Ví dụ như qua chiến dịch, chúng ta đã biết phường Vinh Tân là địa bàn “nóng” nhất của thành phố Vinh với một số ca nhiễm được phát hiện; tiếp theo đó là phường Hồng Sơn, Hưng Bình, Nghi Phú… Ở những địa bàn “nóng” thì chúng ta phải tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng để sàng lọc tiếp. Như ở thành phố Đà Nẵng đã thực hiện 3 lần xét nghiệm sàng lọc liên tiếp. Những “vùng xanh” hoàn toàn không có dịch thì không cần phải làm lại nữa; những vùng có nguy cơ vừa thì có thể làm mẫu đại diện ở hộ gia đình.
P.V: Được biết, công tác điều trị có vai trò đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch. Nghệ An đã đề ra kế hoạch điều trị tới 5.000 bệnh nhân và bắt tay vào việc xây dựng các bệnh viện dã chiến, thu dung điều trị bệnh nhân. Ông có thể cho biết thêm về việc này?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Nghệ An đã chuẩn bị cho kịch bản 5.000 giường bệnh điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Song phải nói rằng để xây dựng nên một bệnh viện dã chiến thì không hề đơn giản, không đơn thuần là lấy một địa điểm nào đó rồi lắp ghép vào mà cần có yếu tố con người và trang thiết bị.
Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ về mặt nhân lực, giao cho các bệnh viện, trung tâm y tế đảm trách các bệnh viện dã chiến. Như Bệnh viện dã chiến số 1 thì nhân lực chủ yếu là của Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên, có tăng cường bổ sung thêm; Bệnh viện dã chiến số 2 giao cho Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn; Bệnh viện dã chiến số 3 giao cho Bệnh viện Phục hồi Chức năng; Bệnh viện dã chiến số 4 giao cho Bệnh viện Nội tiết; Bệnh viện dã chiến số 5 và số 6 tới đây thì giao cho Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Ung bướu…
Các bệnh viện được giao đảm trách hoàn toàn chủ động bố trí xây dựng, nhân lực phù hợp. Ngành Y tế thực hiện bổ sung các trang thiết bị tối cần thiết… Phải nói rằng: Các bệnh viện dã chiến của Nghệ An được xây dựng rất bài bản, đảm bảo quy mô và các điều kiện an toàn phòng, chống nhiễm khuẩn, đầy đủ các điều kiện thiết yếu để điều trị cho bệnh nhân. Rất mừng là hiện nay công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 ở các bệnh viện đều đạt hiệu quả cao, chưa có trường hợp cán bộ y tế bị lây nhiễm chéo.
Trong kế hoạch xây dựng 5.000 giường bệnh của Nghệ An hiện tại, thì nhân lực đã bố trí, đào tạo một cách đầy đủ; còn khó khăn và lo nhất vẫn là việc chuẩn bị các giường cấp cứu. Hiện tại, chúng ta có 500 máy thở, trong đó có 200 máy chức năng cao có thể đặt nội khí quản. Với bệnh nhân nặng thì mỗi người cần có 1 máy thở. Tuy nhiên, những máy thở này không thể chỉ dành riêng bệnh nhân Covid-19 mà còn phải dành cho bệnh nhân các bệnh khác. Rõ ràng, chúng ta đang thiếu trang thiết bị, như toàn tỉnh mới chỉ có 3 máy lọc máu. Từ mùa dịch bắt đầu, chúng ta cũng chưa mua sắm được gì nhiều. Nguồn lực của chúng ta hiện đang tập trung lớn cho hóa chất, xét nghiệm và trong bối cảnh dịch này thì có nguồn lực cũng rất khó mua. Trong điều kiện đó, chúng ta đang kêu gọi sự hỗ trợ từ Bộ Y tế và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Hiện tại, Nghệ An đang tập trung xây dựng 2 trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở Khu B của Bệnh viện HNĐK Nghệ An và Bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh. Ngành Y tế đã giao cho 2 đơn vị tập trung đào tạo nhân lực; khi có số lượng lớn bệnh nhân (vượt khả năng điều trị bệnh nhân nặng của các bệnh viện hiện nay), ngành sẽ huy động máy móc, trang thiết bị đưa trung tâm đi vào hoạt động. 2 trung tâm đi vào hoạt động thì Nghệ An có 1.000 giường cấp cứu.
P.V: Thời gian gần đây, Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã tích cực huy động cả hệ thống chính trị – xã hội cùng tích cực vào cuộc, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ông có thể cho biết những biến chuyển cụ thể ở Nghệ An, đặc biệt là ở đội ngũ thực thi nhiệm vụ?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có những chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch. Sau những giải pháp như tăng cường thanh tra, kiểm tra, chúng ta đã phát hiện rất nhiều lỗ hổng để từ đó có giải pháp khắc phục tồn tại. Một lỗ hổng lớn nhất đó là biểu hiện “trên bảo, dưới không nghe”, “trên nóng, dưới lạnh”, “chống dịch trên văn bản”…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã liên tục chỉ đạo qua các cuộc gọi điện thoại, qua các cuộc họp; nhắc nhở các huyện, thành, thị phải thực hiện nghiêm công tác chống dịch, đặc biệt làm tốt công tác “4 tại chỗ”; các địa phương và các ngành phải tích cực phối hợp để chống dịch hiệu quả.
Từ sự chỉ đạo này, các huyện, thành, thị trong tỉnh đã xử lý nghiêm một số lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp xã để làm gương và tập trung khắc phục các hạn chế đã nêu. Các ngành, địa phương, đơn vị đã có mối quan hệ khăng khít và thật sự trách nhiệm hơn… Đặc biệt, khi Chỉ thị số 07-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới” được ban hành và người đứng đầu cấp ủy là trưởng ban chỉ đạo chống dịch thì ở từng khối, xóm, phường, xã, huyện thị đều đã có sự chuyển biến lớn, rõ nét trong nhận thức và hành động. Tất cả đều tập trung lo cho nhiệm vụ chống dịch. Người dân hiện nay hoàn toàn tin tưởng, đồng hành, ủng hộ và tuân thủ tốt các quy định phòng, chống dịch đề ra. Với những chuyển biến này, chúng ta có lòng tin để vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.
P.V: Xin cảm ơn ông!