Một trong những yếu tố quyết định trong việc khoanh vùng dập dịch bệnh chính là công tác điều tra, truy vết. Để công tác này thực sự hiệu quả thì phải đảm bảo hai yếu tố, đó là “thần tốc” và “thận trọng”, từ đó mới có cơ sở để có thể “chặn đứng” các nguồn lây nhiễm.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác điều tra, truy vết, trong thời gian qua và đặc biệt là từ khi thị xã Cửa Lò thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Công an thị xã Cửa Lò đã thành lập các tổ truy vết do 01 đồng chí Lãnh đạo Công an thị xã trực tiếp chỉ đạo.
Nhìn qua tưởng là dễ, nhưng đi vào thực tế triển khai thực tế thì công tác điều tra truy vết thực sự là cả một quá trình vất vả, không ngưng nghỉ, chạy đua với thời gian. Việc truy vết giống như một cuộc rượt đuổi, nếu chậm trễ một chút thì khó khăn sẽ nhân đôi, nhân ba, mạng lưới ca bệnh sẽ tiếp tục lan nhanh từng giờ…
Việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch trong thời gian qua ở địa bàn thị xã Cửa Lò ít nhiều gặp khó khăn, vất vả. Nếu người dân không phối hợp với lực lượng chức năng thì khi dịch lan rộng sẽ không thể đủ người làm công tác phòng, chống dịch. Bởi ngay cả bản thân các lực lượng tuyến đầu cũng phải giữ sức khỏe để có thể chiến đấu lâu dài, nhất là trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay.
Bên cạnh đó, công tác truy vết trong thời gian qua cũng có rất nhiều khó khăn khi không phải người dân nào họ cũng nhớ và biết về đối tượng nguy cơ và kiến thức y khoa. Hơn lúc nào, mỗi cán bộ truy vết phải vừa là cán bộ chuyên môn vừa là cán bộ tuyên truyền, vừa làm vừa giải thích, vừa động viên để người dân phối hợp trong phòng, chống dịch.
Khó khăn nữa trong công tác truy vết là khi nắm bắt được thông tin về ca bệnh, cán bộ truy vết phải ngay lập tức xuống địa bàn thực tế để triển khai các biện pháp, vì chỉ cần muộn một chút thôi thì ngay lập tức “vết” sẽ lan rộng và khó truy tìm được hơn.
Vì vậy, bất kể một thông tin nào liên quan đến trường hợp tiếp xúc là lực lượng truy vết sẽ đều cố gắng tiến hành khoanh vùng luôn. Trường hợp có số điện thoại, sẽ gọi luôn cho người dân yêu cầu họ ở đâu ngồi yên ở đó. Nếu không có số điện thoại thì đến tận nơi để khoanh vùng, phun khử khuẩn…; ra quyết định cách ly, trường hợp nào phải đi, trường hợp nào cần cách ly tại nhà.
Việc phân bổ các công việc này phải được làm khẩn trương, nhanh chóng, chỉ như vậy mới kịp “bắt dấu” ca bệnh và các F liên quan. Công việc này là nhiệm vụ xuyên suốt, không quản ngày đêm hay nắng mưa, mỗi CBCS đều dốc sức để hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh nhất, tốt nhất.
Nhất là trong tuần vừa rồi, các cán bộ truy vết phải làm cả ngày, cả đêm, cứ có thông tin là đi ngay địa bàn và trong vài tiếng đồng hồ phải điều tra xong việc truy vết để đưa các F đi cách ly. Việc truy vết hết sức khó khăn.
Nhiều khi thông tin cung cấp về cho phường nhưng chưa nắm được hết và “có trường hợp có tên nhưng không rõ địa chỉ, số điện thoại, rất khó khăn trong việc điều tra. Có những đêm khi đến truy vết nhưng người dân không tiếp cán bộ điều tra; có trường hợp nhận được thông báo của thị xã rồi nhưng khi điều tra thì công dân lại chưa về đến nhà do vẫn đang ở các địa phương khác. Có trường hợp không nắm được thông tin ca bệnh nên phải triệu tập cả Tổ dân phố, cảnh sát khu vực đến để giao nhiệm vụ cho các lực lượng chức năng, khi đó gia đình mới hợp tác khai báo dịch.
Đáng chú ý, cũng có không ít người mắc COVID-19, hay thuộc diện F1, F2 không chủ động khai báo thông tin, thậm chí không hợp tác với cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Cá biệt có ca mắc COVID-19 nhưng hàng trăm F1 lại không chủ động khai báo. Trong đợt dịch này, lượng người dân là F1 khai báo (trực tiếp liên hệ y tế hoặc qua các phần mềm khai báo) hiện rất ít, chỉ chiếm khoảng 1% trong số các trường hợp F1 đã truy vết được. Cùng đó, vẫn còn khoảng 20% bệnh nhân COVID-19 không hợp tác trong khai báo dịch tễ, không chỉ thông tin “nhỏ giọt” thậm chí còn “tắt máy, chặn số”.
Trao đổi với nhiều cán bộ trong tổ truy vết mới hiểu, để truy vết các ca tiếp xúc của F0, cán bộ trong tổ truy vết của Công an thị xã Cửa Lò có khi phải hóa thân thành cán bộ điều tra, hay có khi lại là nhà tâm lý, quá trình điều tra truy vết tốn rất nhiều thời gian, vì đa phần các F0, F1… thường không thành thật khai báo hoặc khai báo không đầy đủ…
Một điều đáng chú ý nữa là khi cán bộ truy vết của Công an thị xã Cửa Lò đã đảm bảo sẽ bảo mật thông tin thì có nhiều người dân vẫn không phối hợp, có khi phải gọi điện tâm sự để cố gắng khai thác được thông tin. Có những ngày, cán bộ trong tổ truy vết đến tại hiện trường truy vết cả đêm khuya mới xong.
Cũng có những lần điều tra truy vết, có người chỉ khai là gặp nhau uống trà một chút trong khi đó lại có tụ tập với nhau ăn, uống rượu bia. Cho đến khi bệnh tình diễn tiến nặng phải thở máy và phát sinh thêm nhiều ca bệnh khác thì người dân mới khai báo ồ ạt và bàng hoàng nhận ra các thành viên trong xóm của ca bệnh từng tụ họp ăn uống với nhau nên đa phần đều nhiễm bệnh.
Khi trao đổi với lực lượng chức năng, cán bộ truy vết của Công an thị xã Cửa Lò cũng có chia sẻ rằng, công việc khai thác lịch trình di chuyển của F0 có lúc còn phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của họ. Nếu F0 khỏe thì mình mới điện thoại truy vết được. Bên cạnh đó, tâm lý của F0 cũng sẽ không được ổn định khi biết mình bị nhiễm bệnh nên khó mà khai thác được triệt để.
Trong quá trình truy vết, có trường hợp F1 còn có biểu hiện khai không trung thực để trốn cách ly, điều đó sẽ rất khó trong việc truy vết. Người điều tra cần phải có kỹ năng quan sát và khả năng nắm bắt tâm lý để hỏi đúng thông tin. Bên cạnh đó, cần tạo sự thoải mái cho họ, nếu chưa nhớ ra thì sẽ cung cấp thông tin sau qua điện thoại.
Trong quá trình làm người điều tra, truy vết, khó khăn nhất là khi gặp các ca bệnh làm nghề bán hàng tự do. Vì khách hàng thân thiết mua hàng chỉ 1 vài người thôi, trong khi đó khách vãng lai lại rất nhiều, do đó, không thể thống kê được hết số lượng người liên quan, có trường hợp F0 khai báo là không đi đâu, nhưng khi nghe xong có ca nhiễm bệnh, cuối cùng thì họ mới khai thông tin. Ngoài ra, có những trường hợp phải đến khi truy xuất thêm camera thì đối tượng mới chịu khai báo.
Có thể nói, công tác điều tra, truy vết trong thời gian qua không chỉ đối với CBCS trong tổ truy vết Công an thị xã Cửa Lò nói riêng mà lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ truy vết nói chung đều gặp không ít khó khăn. Nghĩ thì đơn giản, chỉ cần lấy thông tin ngày, giờ, địa điểm đi, đến, nhưng thực ra ngay cả bản thân mình chỉ ngồi để nhớ trong thời gian 14 ngày qua đi đâu làm gì cũng thực sự cần không ít thời gian.
Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm chung, mỗi CBCS trong tổ truy vết của Công an thị xã Cửa Lò luôn cố gắng để chạy đua với thời gian nhằm góp phần sớm “chặn đứng” các nguồn lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng càng sớm càng tốt./.
N.V.Q – CATX Cửa Lò.