Tiềm năng phát triển làng nghề ở TX. Cửa Lò
Cửa Lò là một trong những bãi tắm đẹp nhất của cả nước, là lợi thế để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, trong đó có du lịch làng nghề. Du khách đến Cửa Lò ngoài lý do bãi biển sạch, đẹp còn vì các loại hải sản ở đây tươi ngon, giá hợp lý và những đặc sản từ các làng nghề truyền thống, đã góp phần làm cho Cửa Lò thu hút du khách ngày càng đông…
Đến nay, TX. Cửa Lò có 4 làng nghề, trong đó có 3 làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể là: Làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 ở phường Nghi Hải; Làng nghề bảo quản, chế biến hải sản ở phường Nghi Tân; Làng nghề đánh bắt và chế biến hải sản ở phường Nghi Thủy. Năm 2017, Hiệp hội Cá thu nướng Cửa Lò ra đời và cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đặc sản này là thương hiệu tập thể của Cửa Lò. Du khách đến Cửa Lò không chỉ mua cá thu nướng đem về, mà khách hàng khắp mọi miền đất nước chỉ cần gọi điện thoại là các cửa hàng gửi cá đến tận tay trong vòng một vài ngày.
Trên địa bàn phường Nghi Hải, ngoài làng nghề nước mắm Hải Giang 1 còn có 3 công ty chế biến nước mắm, hàng chục cơ sở chế biến cá thu nướng, chả mực, tôm nõn.
Đặc biệt, phường đã có 3 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 3 sao, gồm: nước mắm Tân Hội; nước mắm Hải Giang 1; nước mắm Ngư Hải. Dự kiến giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng thêm 5 sản phẩm gắn sao OCOP và nâng sao cho các sản phẩm đã đạt.
Làng nghề ở Cửa Lò đa số đều gắn với chế biến hải sản với nguồn gốc từ hàng trăm năm, xuất phát từ những hộ gia đình ngư dân ở các làng chài ven biển.
Cùng với sự phát triển của ngành du lịch thị xã, làng nghề ngày càng lớn mạnh, dần xây dựng và định hình thương hiệu của mình. Nhiều hộ gia đình trong làng nghề Nghi Thủy đã tìm tòi, học hỏi, chế biến nhiều sản phẩm ngon và đẹp như cá cơm rang vừng lạc, cá bống chiên giòn, mực rim me, mực xé chiên giòn… Nhiều sản phẩm đã được đóng hộp, đăng ký nhãn mác, cấp giấy phép an toàn thực phẩm…
Những hạn chế của du lịch làng nghề Cửa Lò
Du lịch làng nghề Cửa Lò phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Các làng nghề còn mang tính tự phát, chỉ dừng lại ở việc bày bán các sản phẩm hiện có cho du khách, một số hộ gia đình trong làng nghề còn chưa dán nhãn mác sản phẩm, chưa thật sự quan tâm đến nhu cầu sau cùng của khách du lịch, việc tiếp thị vùng, miền còn thiếu tính sáng tạo…
Việc sản xuất hàng hóa du lịch ở Cửa Lò vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Tác phong làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, sản phẩm lưu niệm chủ yếu là vỏ sò, vỏ ốc, ngọc trai, san hô… nhập từ nơi khác về nên không thể hiện nét đặc trưng riêng về Cửa Lò nói riêng, xứ Nghệ nói chung.
Phần lớn các làng nghề lại chưa được tiếp xúc và phát triển theo hướng kết hợp với du lịch. Hoạt động du lịch ở các làng nghề chưa có đầu tư, khai thác theo hướng cộng đồng tham gia làm du lịch, nhận thức về du lịch còn hạn chế, chỉ tập trung các hoạt động sản xuất, thương mại.
Thị xã Cửa Lò cũng đã đầu tư xây dựng chợ đêm, chợ ẩm thực tại khối 8, phường Nghi Thủy gồm 74 gian hàng, trên diện tích 5.000 m². Mục đích hoạt động về đêm để thu hút khách du lịch nhưng sau một thời gian đi vào hoạt động, nay chợ chỉ diễn ra vài tiếng đồng hồ mỗi buổi sáng cho số ít cư dân trong vùng.
Giải pháp phát triển làng nghề gắn với du lịch biển
Để phát triển làng nghề gắn với du lịch ở Cửa Lò, trước hết cần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương trong việc quản lý, tổ chức hoạt động du lịch; thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng để tìm đầu ra cho sản phẩm; tìm hiểu nhu cầu của khách du lịch khi tham gia du lịch làng nghề; tạo điều kiện về cơ chế, kinh phí, cơ sở vật chất cho việc xây dựng điển hình thí điểm tại làng nghề phù hợp.
Trong quy hoạch xây dựng, tổ chức không gian phường, xã cần tích hợp cả không gian làng nghề du lịch.
Chính quyền địa phương cần nỗ lực nâng cao nhận thức và tạo động lực về nguồn vốn ban đầu cho người dân để họ có đủ năng lực trở thành chủ thể trong chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm.
Để các nghề và làng nghề truyền thống phát triển cần có các chính sách hỗ trợ trong việc đăng ký thương hiệu sản phẩm. Các làng nghề cần phải cải tiến, đổi mới mẫu mã, tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng, chất lượng. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để tìm kiếm và mở rộng thị trường. Lựa chọn một số làng nghề có tiềm năng, lợi thế để tiến hành xúc tiến, quảng bá, giới thiệu – trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch.
Các đơn vị du lịch lữ hành cần chú ý tới việc kết nối các sản phẩm du lịch của làng nghề truyền thống bằng các tour farmtrip, tour du lịch để du khách tham quan trải nghiệm hoạt động ở làng nghề và mua sắm sản phẩm…
Hy vọng trong tương lai không xa, loại hình du lịch làng nghề gắn với du lịch biển ở Cửa Lò sẽ được đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn, trở thành một địa chỉ hấp dẫn du khách về hình ảnh thiên nhiên và con người Cửa Lò thân thiện, mến khách, giàu truyền thống văn hóa./.
(Trường Đại học Kinh tế Nghệ An)