Cửa Lò là đô thị du lịch biển, mặc dù sản xuất nông nghiệp không nhiều nhưng cũng đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển chung của thị xã. Những năm gần đây tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi gia tăng, nhiều bệnh mới phát sinh gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi, trong đó dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò. Mặc dù cả 2 bệnh này không lây nhiễm sang người nhưng đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi. Riêng đối với dịch tả lợn Châu Phi đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh.
1- Bệnh dịch tả lơn Châu phi:
Dịch tả lợn châu phi xuất hiện tại thị xã vào năm 2019. Năm 2020 đã có 6 hộ có lợn nuôi nhiễm bệnh, số lợn phải tiêu hủy là 18 con với trọng lượng 1.556kg. Đến cuối năm 2020, dịch bệnh đã được dập tắt, thị xã đã công bố hết dịch trên địa bàn các phường. Đến tháng 5 năm 2021 tại thị xã lại ghi nhận 3 hộ có lợn nuôi dương tính với DTLCP buộc tiêu hủy 5 con lợn với trọng lượng 603kg.
Để chủ động phòng chống dịch và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan phòng kinh tế, trung tâm DVNN đã tham mưu cho UBND thị xã các văn bản chỉ đạo. Trung tâm DVNN đã cử cán bộ trực tiếp các hộ chăn nuôi lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn bà con tiêu độc khử trùng chuồng trại và giám sát tiêu hủy lợn bệnh. Trong thời gian tới, đề nghị bà con nông dân, UBND các phường thực hiện tốt các nội dung sau:
* Đối với các phường có dịch
– Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung các nguồn lực triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch, trong đó:
– Họp Ban chỉ đạo phường phân công nhiệm vụ từng thành viên. Lập các tổ phản ứng nhanh.
– Lập ngay các điểm chốt tại các ổ dịch, ngăn chặn lợn và sản phẩm của lợn từ vùng dịch ra ngoài.
– Nghiêm cấm kinh doanh, vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn và sản phẩm của lợn trong vùng dịch.
– Khoanh vùng ổ dịch, tiêu độc khử trùng: tại ổ dịch và vùng uy hiếp tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng 1 lần/1 ngày trong 1 tuần đầu; 2 lần /1 ngày trong 2-3 tuần tiếp theo.
– Đối với lợn khỏe mạnh tại các hộ, cơ sở có lợn chưa mắc bệnh DTLCP nằm trong vùng dịch khi có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP được vận chuyển, giết mổ lưu thông trên địa bàn Thị xã.
– Thực hiện nghiêm “06 không” trong phòng, chống DTLCP và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học theo Quyết định số 3385/QĐ-UBND ngày 01/10/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020-2025.
– Chỉ cho phép tái đàn lợn tại các hộ chăn nuôi đảm bảo điều kiện về chuồng trại và kê khai các hoạt động chăn nuôi, đã được UBND cấp phường, UBND cấp Thị xã kiểm tra, xác nhận. Tuyệt đối không hỗ trợ các hộ có vật nuôi bị bệnh chết buộc tiêu hủy do không chấp hành đầy đủ việc tiêm phòng các loại vắc xin bắt buộc cho đàn vật nuôi theo quy định của Luật Thú y
– Vận động người chăn nuôi mua vôi bột, hóa chất để thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại và khu vực chăn nuôi.
– Tiếp tục tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm Vụ Xuân năm 2021 đảm bảo đạt 100% diện tiêm.
* Đối với các phường chưa có dịch: vùng uy hiếp
– Tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thực hiện nghiêm “06 không” trong phòng, chống DTLCP và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
– Chỉ đạo người chăn nuôi, thú y cơ sở, khối trưởng giám sát chặt chẽ đàn lợn nuôi trên địa bàn, báo cáo về Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã, nếu phát hiện có lợn ốm, chết, nghi ngờ bị dịch tả lợn Châu Phi để lấy mẫu, chuẩn đoán bệnh kịp thời.
– Tiến hành tiêu hủy lợn chết đúng kỹ thuật kể cả khi chưa có kết quả xét nghiệm bệnh.
– Khi phát hiện lợn chết ở phường nào (lợn có chủ hay không có chủ) thì tiến hành chỉ đạo tiêu hủy ngay tại phường đó, sau khi tiêu hủy thực hiện tiêu độc khử trùng theo quy định.
– Thực hiện phun tiêu độc khử trùng; chỉ đạo người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, mua vôi khử trùng khu vực chăn nuôi của gia đình mình.
– Trong điều kiện dịch bệnh đang chuyển biến phức tạp, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không tái đàn, nhập mới đàn lợn.
– Kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh, giết mổ, mua bán, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm soát giết mổ vào địa bàn thì xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
-Thành lập các tổ giám sát cộng đông tại các khu dân cư để kịp thời phát hiện, báo cáo sớm các trường hợp lợn ốm, thu gom lợn không rõ nguồn gốc; Nhưng thông tin sai sự thật về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để ép giá, gây hoang mang dư luận.
2. Bệnh viêm da nổi cục trâu bò (VDNC)
Từ tháng 10 năm 2020 đến nay bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Tính đến nay, cả nước có 675 ổ dịch tại 119 huyện thuộc 20 tỉnh chưa qua 21 ngày. Tổng số gia súc mắc bệnh là 17.684 con, trong đó số gia súc đã tiêu hủy là 1.223 con. Tại tỉnh Nghệ An tính đến ngày 10/4/2021 bệnh VDNC đã xẩy ra tại 19 huyện trên địa bàn 125 xã phường với 675 con trâu bò mắc bệnh, trong đó có 25 con đã tiêu hủy. Tại thị xã ngày 15/3/2021 đã ghi nhận trường hợp đầu tiên hộ chăn nuôi có bò nhiễm bệnh tại phường Nghi Hòa. Tính đến ngày 10/5/2021 toàn thị xã có 56 con trâu bò bị nhiễm bệnh, trong đó có 4 con đã chết buộc tiêu hủy. Ngay sau khi dịch bệnh xây ra, UBND thị xã đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phường tập trung phòng, chống dịch. Trung tâm DVNN thị xã đã phân công cán bộ chuyên môn lấy mẫu bệnh phẩm, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiêu độc khử trùng chuồng trại, hướng dẫn phác đồ điều trị, chăm sóc cho trâu bò nhiễm bệnh. Tổ chức tiêm phòng vắc xin VDNC cho đàn trâu bò khỏe mạnh. Để làm tốt công tác phòng trị bệnh đề nghị UBND các phường, bà con nông dân thực hiện tốt các nội dung sau:
* Đối với UBND các phường: Thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo tại các văn bản của UBND thị xã.
* Đối với các hộ chăn nuôi:
– Để phòng ngừa hiệu quả bệnh VDNC bà con cần nâng cao nhận thức về bệnh đồng thời thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe vật nuôi và phát hiện sớm các triệu chứng lâm sàng của bệnh.
– Tiến hành cách ly trâu bò nhiễm bệnh, không chăn thả, không bán chạy, không giết mổ, chăm sóc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Trường hợp trâu bò bị chết do bệnh VDNC thì tiến hành các biện pháp tiêu hủy theo đúng hướng dẫn.
– Tiến hành xử lý đối với chất thải của bò, thức ăn hoặc chất độn chuồng nhiễm bệnh hoặc có khả năng nhiễm bệnh. Khử trùng tiêu độc nghiêm ngặt đối với vật phẩm, phương tiện giao thông, khu vực để dụng cụ, nền chuồng… người, xe và các thiết bị liên quan.
– Tổ chức vệ sinh sát trùng tiêu độc môi trường thường xuyên (bao gồm; các thuốc đặc hiệu để tiêu diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng như Deltox, Hantox, thuốc diệt côn trùng …), đặc biệt tại các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn có gia súc bệnh, nghi mắc bệnh. Ở bãi chăn thả và quanh khu vực chuồng nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thoát nước ở chỗ có vũng nước tù để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên.
– Tiêm phòng khẩn cấp đối với các xã có dịch bệnh và các xã lân cận có nguy cơ cao, sử dụng vác xin Viêm da nổi cục (VDNC) đã được cơ quan nhà nước cấp đăng ký lưu hành để tạo miễn dịch khẩn cấp cho toàn bộ đàn bò.
– Khi phát hiện thấy trâu bò nhiễm bệnh, bà con không nên tự ý điều trị mà phải báo ngay cán bộ thú y để họ có phác đồ điều trị thích hợp. Đồng thời bà con cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ chuyên môn về chăm sóc trâu bò nhiễm bệnh.
Trung tâm DVNN thị xã Cửa Lò là cơ quan chuyên môn đồng thời là trung tâm đầu mối tiếp nhận thông tin về dịch bệnh. Trung tâm đã phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách các phường và phân công trực phòng dịch kể cả ngày nghỉ và ngày lễ.
Mọi thông tin về dịch bệnh cũng như yêu cầu về sự trợ giúp bà con nông dân có thể liên lạc trực tiếp với lãnh đạo trung tâm qua đường dây nóng 0919533747 của đồng chí Tú – Giám đốc, 0919187889 của đồng chí Ngọc – Cán bộ thú y để được hỗ trợ kịp thời.
Trần Anh Tú – GĐ Trung tâm DVNN thị xã