Đền Vạn Lộc

Đăng ngày 23/03/2014

Đền được nhân dân xây dựng lên để thờ Phó mã Thái úy Quận công Đô đốc trấn thủ thập nhị hải môn Nguyễn Sư Hồi – Người có công chiêu dân, lập ấp, xây dựng nên làng Vạn Lộc (Nguyễn Sư Hồi đặt tên làng Vạn Lộc với ý nghĩa “Muôn lộc đổ về đây”, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa và trở thành một vùng đất văn hiến của xứ Nghệ).
denvanloc

Nguyễn Sư Hồi sinh ngày 26/5/1444 ở làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc (nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc). Ông sinh ra trong một gia đình làm quan to, trong bối cảnh đất nước hòa bình, gia đình có nhiều thuận lợi nên Nguyễn Sư Hồi đã bộc lộ tư chất thông minh, nhanh nhẹn. Hơn thế ông lại được dạy dỗ đến nơi đến chốn nên sớm trưởng thành và biểu lộ nhiều tài năng văn võ. Ở tuổi đến trường, ông đã nổi tiếng với những món võ như tay không đấu kiếm, lăn chiêng, cưỡi ngựa, phi lao cũng như các môn thực hành bày binh bố trận… chuẩn bị đánh giặc ở đất Thăng Long thời bấy giờ và được làm Đô đốc khi còn rất trẻ (năm ông 19 tuổi).

Nguyễn Sư Hồi vì có công cùng với cha (là Cương Quốc công Nguyễn Xí) và các quan trung thành đã có nhiều kế sách để diệt trừ bọn gian thần hại dân, hại nước và ông đã được phong chức “Nhập nội Thái úy, tham dự triều chính, Phó mã Đô úy” đồng thời cấp cho ông 130 mẫu ruộng thế nghiệp.

denvanloc1
Năm 1465, Nguyễn Xí mất. Thương tiếc vô hạn con người trung quân ái quốc, sống hết mình vì nghĩa cả, vua Lê Thánh Tông cho Nguyễn Sư Hồi đưa thi hài cha về quê an táng và lập đền thờ tại quê nhà. Thực hiện theo kế sách của triều đình và di huấn của cha, sau mãn tang cha, Nguyễn Sư Hồi vâng lệnh Vua đi trấn thủ vùng ven biển Nghệ An, lấy Cửa Xá làm trung tâm xây dựng đồn lũy, khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập ấp lập nên làng xóm và đồng thời ông chiêu mộ binh lính lập nên được một đội quân hùng mạnh tại vùng Cửa Xá này. Với lòng trung quân ái quốc và tài thao lược về quân sự, Nguyễn Sư Hồi đã cùng binh lính giữ vững cả vùng biển Nghệ An yên ổn. Sau khi Chiêu trưng vương Lê Khôi mất, ông được phong làm “Trấn thủ thập nhị hải môn” (trấn thủ 12 cửa biển từ Sầm Sơn cho đến Cửa Tùng). Do làm việc nhiều, dãi nắng dầm sương nên năm 1506, Nguyễn Sư Hồi lâm bệnh nặng và mất tại Cửa Xá. Tuy ông mất đi nhưng tư tưởng và công lao của ông còn sống mãi với quê hương, đất nước.

Dẹp giặc, yên dân, nghĩa khí ngàn năm ghi nhớ

Khai cơ, lập nghiệp, công ơn muôn thuở lưu truyền

denvanloc2
Nguyên xưa đền Vạn Lộc đặt ở Lum Cò (nay là bến cảng số 1) đền được xây trên một mặt bằng kiểu “Tiền miếu hậu mộ” (tức là đền phía trước mộ phía sau). Đền lúc đó gồm ba tòa: Hạ – Trung – Thượng. Đền nằm giữa vườn cây rậm rạp, có nhiều cò, vạc, quạ… đến đây trú ngụ và làm tổ. Đến thời Nguyễn do mưa gió, bão lụt, do biến động lịch sử nên Đền bị hư hỏng mất nhà Thượng điện. Hai ngôi nhà còn lại với nhiều đồ thờ được chuyền về vị trí mới gần đền cha con đức Quận công cho đến ngày nay. Nay đền Vạn Lộc được xây dựng trên một diện tích 270m2, ở vị trí đẹp, Đền nằm sát phía Nam hạ lưu sông Xá hay còn gọi là Cửa Xá. Đứng trên sân Đền nhìn ra phía trước là dòng sông trong xanh với những con thuyền ra khơi, xa hơn một chút là dãy núi Lô Sơn, chếch về phía Đông có núi Long Sơn, phía Tây là núi Kiếm, phía Đông Nam là khu nghỉ mát Cửa Lò. Nhìn tổng thể Đền được bao bọc bởi núi, sông, biển nên có một vị trí cảnh quan thật lý tưởng “nhân sơn quy tụ” vừa hợp với thuyết phong thủy, vừa linh thiêng.