Thị xã Cửa Lò được thành lập ngày 29 tháng 8 năm 1994 theo Nghị định 113/NĐ – CP của Chính phủ trên cơ sở tách thị trấn Cửa Lò và 4 xã huyện Nghi Lộc với diện tích 28,2 km2, 7 phường xã, dân số 37.712 người.
Trải qua chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, ngày nay thị xã Cửa Lò đang trở thành một đô thị du lịch biển xanh, sạch, đẹp, khẳng định được thương hiệu, vị thế vững chắc, là niềm tự hào của tỉnh Nghệ An.
Thời kỳ đầu mới thành lập, Thị xã gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu, kinh tế kém phát triển, năng suất lao động thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự quan tâm, định hướng và chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Tỉnh, cùng sự đoàn kết, hợp lực của Đảng bộ và nhân dân Thị xã, Cửa Lò đã có những bước phát triển vượt bậc, với những kết quả nổi bật
– Năm 2009, Bộ Xây dựng công nhận Thị xã đạt đô thị loại III.
– Năm 2009, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng Ba.
– Năm 2014, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng Nhất. Được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị du lịch biển đầu tiên của cả nước.
– Cửa Lò trở thành cực tăng trưởng của tỉnh Nghệ An, trung tâm du lịch của Tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ.
Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực
* Về kinh tế
Kinh tế thị xã có bước phát triển nhảy vọt, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, hàng năm đều tăng từ 12% – 15%, tổng giá trị sản xuất năm 1994 đạt 277,7 tỷ đồng đến năm 2019 dự kiến đạt 9.455 tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, lấy dịch vụ là trọng tâm và đòn bẩy quá trình phát triển của Thị xã. Năm 1994, nông lâm ngư nghiệp chiếm 41,1%, công nghiệp – xây dựng: 15,2%, dịch vụ chiếm 43,7%; đến năm 2019 nông lâm ngư nghiệp chiếm 4,6%, công nghiệp – xây dựng chiếm 32,8%, dịch vụ chiếm: 62,6%.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển khá; toàn Thị xã có 350 doanh nghiệp; có 7 chợ và nhiều siêu thị, nhiều hộ gia đình kinh doanh khá giỏi. Hoạt động vận tải biển phát triển, doanh thu hàng năm tăng 10 -13%, có Cảng nước sâu Cửa Lò đến nay đã có tàu hơn 2 vạn tấn ra vào thuận lợi. Khai thác thủy hải sản và chế biến, kho đông lạnh phát triển nhanh.
Thu ngân sách: Năm 1994 đạt 1,5 tỷ đồng, đến năm 2019 dự kiến thu ngân sách thị xã đạt trên 400 tỷ đồng, tăng gần 300 lần. Thị xã là 1 trong 2 đơn vị của tỉnh Nghệ An có số thu ngân sách lớn nhất và thị xã từng bước tự cân đối ngân sách. Thu nhập bình quân đầu người tăng cao, năm 1994: đạt 1,7 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2019 đạt hơn 110 triệu đồng/người/năm, tăng 65 lần.
* Về du lịch dịch vụ
Du lịch dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã; năm 1994 toàn thị xã có 8 nhà nghỉ với 400 phòng, 900 giường, đến năm 2019 có 304 cơ sở lưu trú có khả năng phục vụ 25.000 ngàn lượt khách lưu trú/ ngày đêm (trong đó có 53 cơ sở lưu trú 1 – 5 sao đáp ứng hoạt động và tổ chức được các sự kiện mang tầm Quốc tế); có hơn 300 nhà hàng dọc khu lâm viên bãi tắm.
Lượng khách và doanh thu tăng nhanh, năm 1995 khách du lịch đến Cửa Lò mới đạt 85.000 lượt khách, đến năm 2019 dự kiến đạt hơn 3,1 triệu lượt khách; doanh thu du lịch đạt 19,4 tỷ đồng, đến năm 2019 dự kiến đạt 3.449 nghìn tỷ đồng. Tổng lao động trong lĩnh vực du lịch hơn 10.000 người.
Thiết lập được các tuyến du lịch trong và ngoài nước như: Cửa Lò – Đảo ngư, Cửa Lò – Vinh – Nam Đàn, Cửa Lò – Pùmat, Cửa Lò – Đảo Chè Thanh Chương, Cửa Lò – Tiên Điền (Hà Tĩnh), Cửa Lò – Lacxao (Lào), Cửa Lò – Cửa khẩu cầu Treo – Thanh Thủy, Cửa Lò – Nghĩa Đàn – Yên thành – Diễn châu, Cửa Lò – Đảo Yến (Vũng chùa). Nhiều đơn vị lữ hành, nhiều sự kiện mang tính quốc gia, khu vực đã chọn Cửa Lò là nơi tổ chức, tham quan, nghĩ dưỡng.
Thị xã trở thành trung tâm du lịch của tỉnh, khu vực Bắc Trung Bộ, là đô thị du lịch biển đầu tiên của cả nước.
* Về quy hoạch và kết cấu hạ tầng
Thị xã đã chủ động quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế – xã hội, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020; quy hoạch phân khu chức năng các phường, quy hoạch phía Đông đường Bình Minh, quy hoạch các ngành nghề, quy hoạch hệ thống cây xanh trên các trục đường nội thị, quy hoạch các khu ẩm thực phục vụ du lịch, quy hoạch Cảng Cửa Lò, quy hoạch hai bên Đại lộ Vinh – Cửa Lò, khu vui chơi giải trí Cửa Hội… để làm cơ sở tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Hệ thống cơ sở hạ tầng thị xã được đầu tư và cơ bản đồng bộ, kết nối giữa Thị xã với vùng, miền khác nhau bằng đường bộ, đường thủy; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, dân sinh ngày càng được đầu tư, từng bước hoàn thiện
* Công tác thu hút đầu tư
Một trong điểm sáng của thị xã trong 25 năm qua chính là việc thu hút đầu tư nhiều dự án được thu hút với tổng đầu tư lớn như: Nhà máy sữa Vinamilk và hiện nay đang tiếp tục được mở rộng, Nhà máy bánh kẹo Tràng An, dự án Vinpearl Cửa Hội, khu vui chơi giải trí Cửa Hội, cầu Cửa Hội, cảng nước sâu Cửa Lò, Sân golfd 18 lỗ, quần thể du lịch sinh thái Đảo Lan Châu, khu resot Bắc Đảo Lan Châu, Khách sạn Mường Thanh…. nhiều dự án cơ sở lưu trú hiện đại với quy mô 4 – 5 sao được đầu tư….. nhờ thu hút được nhiều dự án đầu tư đã tạo nhiều công ăn việc làm và làm thay đổi bộ mặt đô thị Thị xã ngày càng khang trang, hiện đại.
* Về Văn hóa – Xã hội
Trong những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ. Dân số Thị xã tăng nhanh, từ 3,8 vạn năm 1994 đến nay 5,6 vạn người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 35% năm 1994 xuống 2% năm 2018 (hiện nay toàn thị xã còn 265 hộ nghèo) và một trong đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo có nhiều tiến bộ, quy mô, mạng lưới trường lớp các cấp học, bậc học mở rộng, có 22/22 trường học đạt chuẩn quốc gia trong đó 12/22 trường đạt chuẩn mức độ 2; giáo dục thị xã luôn ở trong tốp đầu của tỉnh. Thị xã là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch: Trường Đại học Vạn Xuân, Trường Cao đẳng nghề du lịch thương mại Nghệ An.
Y tế thị xã có bước chuyển biến tích cực, có 7/7 phường đạt chuẩn quốc gia về y tế với 15 cơ sở khám chữa bệnh, kết hợp khám chữa bệnh với nghỉ dưỡng, trên địa bàn 76 bác sỹ và nhân viên y tế.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều khởi sắc, 93% số hộ đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”, 100% số khối có nhà văn hóa, 91,5% số khối đạt văn hóa (65/71 khối), 5/7 phường có nhà văn hóa, 100% hộ gia đình xem truyền hình, 02 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
* Về Quốc phòng, An ninh
Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, diễn tập tác chiến trị an, chiến đấu phòng thủ, cứu hộ cứu nạn hàng năm đạt kết quả giỏi; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển rộng khắp và có chiều sâu; ngăn ngừa, phòng, chống kịp thời, nhanh chóng các âm mưu chống phá của thế lực thù dịch xảy ra trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác đấu tranh, truy quét tội phạm, phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo vệ an toàn tuyệt đối các đoàn cấp cao, bảo đảm an ninh trật tự trong cả mùa du lịch hàng năm. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biển đảo, vùng đặc thù.
* Về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị
Luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ đảng viên, cán bộ thị xã có lập trường tư tưởng vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Công tác tổ chức xây dựng Đảng được quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bố trí cán bộ đúng sở trường, năng lực. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng tiến hành thường xuyên, nghiêm minh, hiệu quả. Công tác dân vận, xây dựng chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể nhân dân hoạt động hiệu quả, đoàn kết, thống nhất cao.
Về những hạn chế, khuyết điểm
Sau 25 năm thành lập, Thị xã có bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên hiện nay cơ chế chính sách, mô hình phát triển đối với thị xã chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, thị xã đang mặc “chiếc áo quá chật” so với yêu cầu phát triển, diện tích và dân số thị xã quá nhỏ, thiếu quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư công trình, dự án lớn. Quản lý du lịch có mặt còn lúng túng, chưa hiệu qủa.
Kinh tế thị xã phát triển chưa đa dạng, loại hình ngành nghề, phát triển hợp tác xã, làng nghề còn hạn chế, số lượng doanh nghiệp còn ít và nhỏ lẻ, chưa thu hút nhiều doanh nghiệp khác ngoài lĩnh vực du lịch.
Quy hoạch chưa đồng bộ, thống nhất, chưa có nhiều điểm nhấn quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng có mặt còn yếu kém, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng đòi hỏi phát triển và gây hiện tượng quá tải đối với hạ tầng du lịch trong tháng cao điểm. Chưa có công trình kiến trúc, dự án, công trình, khu vui chơi giải trí mang tầm quốc gia, khu vực.
Vệ sinh môi trường đang là bài toán khó đối với quá trình phát triển lâu dài của thị xã, giữa lợi ích phát triển kinh tế, công ăn việc làm người dân với bảo vệ môi trường.
Mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045
– Trở thành thành phố, đô thị loại II, là đô thị thông minh, phát triển kinh tế trên nền tảng tăng trưởng xanh.
– Trung tâm du lịch của khu vực, quốc gia; điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.
– Cùng với Thành phố vinh là cực tăng trưởng và đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh.
– Trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ.
– Có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Trước những trọng trách to lớn đó, Đảng bộ và nhân dân Cửa Lò càng ý thức sâu sắc trách nhiệm, nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, ra sức phát huy lợi thế, tiềm năng, khắc phục khó khăn, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đưa kinh tế du lịch tiếp tục phát triển ổn định, vững chắc, nâng cao chất lượng, chiều sâu; phát triển tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp phục vụ du lịch; phát triển mạnh mẽ văn hoá, giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo quốc phòng; tiếp tục thực hiện tốt công tác đối ngoại; củng cố vững chắc hệ thống chính trị, xây dựng Cửa Lò thực sự là đô thị du lịch biển xanh, sạch, đẹp, giàu mạnh, văn minh.
Ban Tuyên giáo Thị ủy