Cơ sở nuôi giữ hải sản của gia đình chị Nguyễn Thị Phương, khối 3 phường Thu Thủy – Thị xã Cửa Lò được xây dựng từ năm 2004. Lúc đó gia đình chị chỉ có 1 bể nuôi ghẹ, đến năm 2009 nhận thấy nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều của du khách, gia đình chị đã mở rộng lên 3 bể, khoảng 20m2 để nuôi giữ thêm các loại hải sản khác như: tôm hùm, ốc hương, cá mú… Hiện nay, bình quân mỗi ngày cơ sở của chị cấp bán từ 500 – 700kg hải sản các loại, với thu nhập mỗi năm gần 500 triệu đồng, và tạo việc làm cho 5 lao động của địa phương.
Chị Nguyễn Thị Phương, Khối 3 – phường Thu Thủy – Thị xã Cửa Lò cho biết:“Nuôi sống hàng hải sản, thứ nhất là nước phải sạch, lấy nước từ biển về không có ô nhiễm và không có chất độc hại thì lúc đó nó mới sống được lâu dài.”
Chỉ mất tiền đầu tư bể ban đầu, và trong quá trình nuôi giữ chỉ sử dụng nguồn nước từ biển đo độ mặn vừa phải, giữ nhiệt độ nước ở nhiệt độ 260C và không sử dụng đến hóa chất nên nghề nuôi giữ hải sản an toàn trên địa bàn phường Thu Thủy đang ngày càng phát triển. Chính nhờ phương pháp an toàn như thế này nên cơ sở nuôi giữ hải sản của gia đình chị đã thu hút đông du khách đến tham quan và mua hàng.
Chị Hoàng Thu Minh, một du khách đến từ Hà Nội nói:“Cô thấy hải sản ở đây toàn là hàng sống hết, không có hàng ướp đá, giá cả phải chăng, và cân rất chính xác. Và cô hứa hẹn năm sau bọn cô sẽ dẫn mọi người đến đây.”
Hiện nay, toàn phường Thu Thủy có 24 hộ làm nghề nuôi giữ hải sản, bình quân mỗi năm mỗi hộ thu về trên 300 triệu đồng, không chỉ cung cấp cho khách du lịch trên địa bàn mà còn xuất khẩu sang một số nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc…Để nghề nuôi giữ hải sản phát triển và đảm bảo được sự liên kết trong các hộ nuôi, cũng như xây dựng được thương hiệu hải sản an toàn, Hội LHPN phường Thu Thủy đang tích cực vận động thành lập câu lạc bộ liên kết nuôi giữ hải sản an toàn.
Bà Lê Thị Hồng Hạnh – Chủ tịch Hội LHPN phường Thu Thủy – Thị xã Cửa Lò cho biết:“Trong thời gian tới để nghề nuôi giữ hải sản được phát triển thì Hội LHPN chúng tôi sẽ thành lập các nhóm liên kết nuôi giữ hải sản. Từ các nhóm liên kết này thì các chị có điều kiện sinh hoạt đúng định kỳ. Và qua các buổi sinh hoạt các chị sẽ trao đổi kinh nghiệm cho nhau cũng như hỗ trợ nhau về nguồn vốn vay.”
Với phương pháp đơn giải, và sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ngành trên địa bàn, mong rằng nghề nuôi giữ hải sản an toàn sẽ phát triển mạnh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và xây dựng thương hiệu hải sản an toàn đến du khách trong và ngoài nước./.
Mỹ Hạnh