Kết quả ấn tượng
Cam Yên Thành đã xây dựng thương hiệu và có đầu ra rộng rãi. |
Năm 2015 nông nghiệp toàn tỉnh phát triển ấn tượng theo hướng có sự trồng trọt giảm dần, chăn nuôi và dịch vụ tăng khá; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, năng suất, chất lượng giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế được nâng lên; trong đó, nông nghiệp tăng 4,47%, lâm nghiệp tăng 3,52% và ngư nghiệp tăng 5,43%; sản lượng lương thực đạt 1,204 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Sản xuất cây lương thực (lúa, ngô…) tăng cả tổng diện tích gieo trồng, năng suất và tổng sản lượng. Đặc biệt, tỉnh đã khuyến khích và tập trung sản xuất lúa chất lượng, có giá trị cao, dễ tiêu thụ (khoảng trên 40% diện tích) bằng các giống như: AC5, B-TE1, Vật tư NA2, Bắc Thơm, nếp 8787, lúa thảo dược… ,Tổng diện tích trồng cây cam, quýt tập trung đạt 116,073%, tăng 12,01% so với 2014. Hệ thống tưới được tăng cường đầu tư, nên năng suất, chất lượng cam tăng, đem lại thu nhập cao.
Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 7,78% so với năm 2014, sản lượng sữa bò tươi, đạt 126,67%. Tổng sản lượng thủy sản đạt 106,52% kế hoạch, tăng 8,63% so với năm 2014. Trong đó, khai thác hải sản đạt 108,83%; nuôi tôm giống P15 đạt 102,8%. Sản lượng muối đạt bằng 101,33% kế hoạch.Trồng mới rừng tập trung đạt đạt 130,06% kế hoạch; Tình trạng chặt phá, khai thác rừng và buôn bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép đã giảm nhiều.
Sản xuất cây giống trồng rừng ở Tân Hương – Tân Kỳ – Ảnh Đào Thọ |
Hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm
Năm 2015, Nghệ An xuất khẩu trên 215 triệu USD hàng nông, lâm, thủy hải sản (bao gồm thuỷ sản và gỗ chế biến, chè, cà phê nhân, lâm sản, dăm bột giấy…). Đặc biệt, Nghệ An đã xây dựng và phát triển thành công thương hiệu “Chè Nghệ An”, góp phần nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh sản phẩm chè trong nước và quốc tế.
Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình tốt trong liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như các mô hình sản xuất lúa chất lượng của Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp, Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa, liên kết sản xuất giống lúa của Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An…; tích cực triển khai thực hiện Quyết định 62/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn…
Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã tích cực mở rộng liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trong các lĩnh vực như: sản xuất giống cây, con, lúa chất lượng cao (trên 25.000 ha), sản xuất thức ăn, chăn nuôi bò sữa… Qua đó, góp phần tăng giá trị trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nuôi ngao ở Quỳnh Lưu- Nghệ An |
Tỉnh rất quan tâm công tác chống hạn và nhiễm mặn, cùng với khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm; thực hiện miễn giảm thủy lợi phí, hỗ trợ bão lụt… với tổng kinh phí trên 280 tỷ đồng; tăng cường rà soát quản lý, sử dụng quỹ đất và hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, qua đó khuyến khích chuyển giao những diện tích sử dụng kém hiệu quả cho các địa phương và nhà đầu tư thực hiện các dự án lớn, như chăn nuôi bò sữa, trồng cây dược liệu, sản xuất rau hoa củ quả theo công nghệ cao.
Xây dựng nông nghiệp toàn diện, công nghệ cao
Trên cơ sở những thành tích đạt được, năm 2016 tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; ưu tiên các loại giống cây, con có chất lượng và giá trị cao; đẩy mạnh thâm canh, thực hành sản xuất tốt; gia tăng thiết bị và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào thu hoạch, bảo quản và chế biến.
Khảo nghiệm các giống lúa mới. Ảnh PV. |
Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên một số lĩnh vực: Chăn nuôi bò sữa, nuôi cá nước ngọt, sản xuất rau quả và hoa, sản xuất lúa chất lượng, ngô, lạc, mía, chè…Hoàn thành quy hoạch ứng dụng CNC trong sản xuất lúa, lạc, chè và mía; tiếp tục tập trung thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào khu nông nghiệp CNC Phủ Quỳ; thúc đẩy các dự án sản xuất rau, củ, quả CNC tại Nghĩa Đàn; dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của Công ty CP thực phẩm sữa TH, Vinamilk; chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, gia trại, theo hướng công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
Nhiều gia đình ở Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu đầu tư nuôi bò sữa đem lại hiệu quả cao. |
“Nghệ An đang chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non xuất khẩu dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn theo Đề án phát triển lâm nghiệp đến 2020. Điều chỉnh cơ cấu giống cây lâm nghiệp trồng rừng phòng hộ theo hướng tăng cây đa mục tiêu, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người làm nghề rừng. Ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, dự án tạo đột phá cho nghề cá, bao gồm cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, hạ tầng vùng nuôi; các công trình nâng cao năng lực cho công tác kiểm ngư, kiểm lâm; các công trình hạ tầng thủy lợi, chống biến đổi khí hậu và phục vụ nghiên cứu khoa học, chọn tạo và nhân giống. Tiếp tục nâng cấp đội tàu có công suất trên 90CV với trang thiết bị hàng hải hiện đại” – ông Hồ Ngọc Sỹ – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An cho biết.
Tỉnh cũng đã ban hành qui hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản đến 2020, đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển mạnh các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất giữa doanh nghiệp, nhà khoa học với các hộ nông dân xây dựng cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, thành lập các tổ hợp tác khai thác hải sản trên biển, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển đảo… Đẩy mạnh sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp theo đề án được phê duyệt, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng đất của các công ty.
Nhóm P.V