Cùng với đảo Song Ngư, chùa Song Ngư Tự, giếng Tiên và hai cây Lộc Vừng cổ thụ trước chùa Song Ngư tạo nên vẻ đẹp huyền bí, nơi đây được nhiều du khách đến chiêm ngưỡng thưởng ngoạn. Thực tế thì hiện nay chưa có tài liệu cụ thể về thời gian trồng 2 cây Lộc Vừng trước chùa Song Ngư. Tuy nhiên theo nhiều tài liệu lịch sử thì chùa Song Ngư được xây dựng vào cuối thế kỷ XIV thời Lý – Trần, và có thể hai cây Lộc Vừng này cũng được trồng vào thời điểm xây dựng xong chùa. Theo sử sách, chùa Song Ngư từng là nơi dừng chân của Huyền Trân công chúa và thế tử Đa Đa được Trần Khắc Chung (Trần Khát Chân) cứu từ nước Chàm về. Huyền Trân công chúa lúc này mới trải qua nhiểu u sầu và ấm ức do bị ép gả cho Chúa Chiêm, nay được người yêu cũ giải cứu, khi dừng chân lễ phật tại chùa Song Ngư, phong cảnh u tịch, chùa vắng, cảnh biển Đan Nhai (Hội Thống, cửa Hội ngày nay) thật đẹp hợp với hoàn cảnh của công chúa lúc đó nên rất lưu luyến. Cuộc giải cứu Công chúa của Trần Khát Chân trở thành một cuộc tình lãng mạn.
Chùa đảo Song Ngư ngoài việc thờ Phật còn phối thờ một vị thần triều Trần là Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn. Hoàng Tá Thốn quê ở làng Vạn Phần, nay là xã Diễn Vạn huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An có công giúp nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông nên được ban phong chức Sát Hải Đại Tướng.
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, quân và dân Cửa Lò, đảo Ngư đã lập nhiều chiến công xuất sắc, đập tan 26 lần biệt kích vào hòn Ngư và các xã ven biển.
Lộc Vừng là một trong bốn cây thuộc bộ “tứ quý” Sanh, Sung, Tùng, Lộc (Lộc Vừng) được nhiều người dân và dân chơi cây cảnh ưa chuộng. Lộc Vừng biểu tượng cho sự sung túc, phúc lộc. Hai cây Lộc Vừng trước chùa Song Ngư có hình dáng cổ thụ, phân nhiều cành, tỏa tán đều, phủ kín diện tích khoảng 500 m2.
Chùa Song Ngư tọa ở vị thế đẹp, phong cảnh hùng vĩ, khuôn viên rộng rãi, phía trước là 2 cây Lộc Vừng cổ thụ, giữa 2 cây Lộc Vừng có giếng Tiên cổ, nước trong mát, cùng với bãi chùa, bãi tắm tiên với dải đá cuội trải dài với những viên cuội tròn nhẵn, nhiều màu đã tạo nên điểm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng lý tưởng.
Đi tàu từ đảo Lan Châu đến đảo Song Ngư, du khách sẽ được thấy phong cảnh hùng vĩ của đảo, khi bước chân lên đảo, tản bộ trên con đường ghép đá đi vào chùa, ngắm nhìn bãi chùa đẹp mắt, bước chân qua khỏi bậc tam cấp là đến sân dưới của chùa, vào khuôn viên của chùa du khách bước vào một khoảng không gian mát mẻ dưới bóng của 2 cây Lộc Vừng cổ thụ, không gian yên tĩnh, u tịch đã tạo nên cảm giác thâm nghiêm chốn nhà phật. Giữa 2 cây Lộc Vừng có giếng Tiên cổ, phía ngoài giếng có 2 cây giới cổ thụ, phía trong giếng có một bể nước hình chữ nhật cách âm dương thay cho cái ao hình bán nguyệt. Giếng Tiên cổ nổi tiếng xưa nay vì có nhiều nước ngọt, trong, mát vô cùng. Từ xưa đến nay người dân vạn chài thường qua đây để lấy nước uống, ngoài việc có nước ngon để sử dụng còn như một quan niệm uống nước để cầu may. Sau khi dâng hương lễ chùa, du khách có dịp nghỉ ngơi dưới bóng mát của không gian xanh trước chùa và 2 cây Lộc Vừng, cảm giác yên lành thanh thản đã xua tan hết mọi mệt nhọc, u sầu, phiền muộn trong cuộc sống, du khách được hít thở không khí trong lành và thả hồn thanh tịnh, cảm giác hòa vào thiên nhiên và trời đất. Đây chính là lúc nghỉ dưỡng thư thái nhất.
Hai cây Lộc Vừng chùa Song Ngư Tự được công nhận là cây di sản Việt Nam ngoài giá trị về mặt cảnh quan du lịch, thì còn có ý nghĩa về bảo tồn nguồn gen và tạo nên một điểm đến hấp dẫn. Cùng với Cửa Lò, Đảo Lan Châu, bãi biển Cửa Lò, Cửa Hội, đảo Song Ngư và chùa Song Ngư Tự sẽ tạo nên những điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách thập phương, đây cũng là điểm du lịch tâm linh lý tưởng trong tương lai.
Trần Nguyễn Minh Thư
Trạm khuyến nông thị xã Cửa Lò