Tự hào với truyền thống – nâng cao đạo đức nghề nghiệp

Đăng ngày 20/03/2014

 

Hằng năm, cứ vào dịp Ngày Hiến chương các Nhà Giáo, trong các trường học, các trung tâm đào tạo khắp cả nước đều phát động phong trào thi đua với khẩu hiệu: “Thi đua dạy tốt, học tốt chào mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam, thi đua dành nhiều điểm mười dâng tặng Thầy, Cô hay Tuần học tốt, giờ học tốt”… Đây có thể nói không chỉ là khẩu hiệu mà là động lực thúc đẩy học sinh, sinh viên nâng cao ý thức học tập, rèn luyện, và chính các Thầy Cô giáo cũng cảm thấy tự hào để phấn đấu dạy thật tốt.

Bên cạnh việc thi đua dạy tốt và học tốt,vào dịp này mỗi học sinh ai nấy cũng tự tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với Thầy Cô giáo bằng những việc làm “cụ thể, thiết thực” hơn, đó là: tặng hoa, tặng quà trong ngày Lễ. Và chính từ những nghĩa cử cao đẹp đó của học Trò, các Thầy giáo, Cô giáo thêm vinh dự, tự hào hơn cho Nghề giáo của mình – Nghề mà nhân dân ta tôn sùng là Nghề cao quý nhất trong tất cả các Nghề.

Năm 2006, Bộ giáo dục- Đào tạo đề ra cuộc vận động: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Đây có thể nói là bước đột phá trong ngành giáo dục nước ta từ xưa đến nay. Hưởng ứng chủ trương này, nhiều trường học, cơ sở đào tạo đã triển khai thực hiện với tinh thần nghiêm túc và bước đầu đã có hiệu quả nhất định.

Đầu năm học 2007-2008, Bộ Giáo dục- Đào tạo lại tiếp tục đề cao chủ trương cuộc vận động “2 không” thành “4 không”, trong đó có: “Không để học sinh ngồi nhầm lớp và không vi phạm đạo đức nhà giáo”. Cuộc vận động vừa là dịp để các Nhà Giáo có được cái nhìn chỉnh thể đối với vị trí, vai trò quan trọng của mình trong sự nghiệp trồng người, đồng thời đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh đối với số ít giáo viên đã từng vi phạm chính đạo đức của mình mà thực tế dư luận đang lên tiếng. Và bước vào năm học 2008-2009 này, các trường học trong cả nước lại triển khai thực hiện cuộc vận động “mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo’’, “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào xây dựng trờng học thân thiện, học sinh tích cực” theo quy định của Bộ Giáo dục- Đào tạo.

Trong lịch sử của ngành giáo dục nước nhà đã có rất nhiều Nhà giáo tên tuổi, nhiều tấm gương sáng được nhân dân ta tôn vinh như: Nguyễn Văn Huyên, Văn Như Cương, Nguyễn Tài Cẩn, Hà Huy Giáp, Nguyễn Tài Đại, Nguyễn Nghĩa Nguyên…. Đặc biệt người Thầy vĩ đại của nền giáo dục Dân tộc – Hồ Chí Minh. Trong cuộc đời hoạt động Cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Dân tộc ta một tài sản văn hoá quý báu, trong đó có giá trị tư tưởng về đạo đức. Trong bài nói chuyện tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp 2, cấp 3 và Hội nghị sư phạm vào tháng 7 năm 1956, Bác Hồ đã căn dặn: “… Các thầy, cô giáo phải gần gũi dân chúng. Các thầy giáo cũng như các trí thức khác là lao động trí óc. Lao động trí óc phải biết sinh hoạt của nhân dân, nếu chỉ giở sách đọc thì không đủ. Phải yêu dân, yêu học trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò. Giáo dục ở trường và ở gia đình có quan hệ với nhau. Các chú các cô phải thi đua trao đổi kinh nghiệm. Bác nói thế là hết. Văn hay không cần nói dài”. Đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng bài nói chuyện của Bác luôn có giá trị to lớn và nóng hổi, nhất là khi toàn Đảng, toàn Dân đang nỗ lực thực hiện cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, riêng ngành giáo dục cũng đang tích cực thực hiện nghiêm chủ trương “Không để học sinh ngồi nhầm lớp và không vi phạm đạo đức nhà giáo; “mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo’’.

Hưởng ứng cuộc vận động lớn của Bộ Giáo dục- Đào tạo, ngành giáo dục đào tạo TX Cửa Lò cũng đã triển khai đến các trường học, cơ sở đào tạo trên địa bàn thực hiện nghiêm chủ trương nói trên. Các trường học đã khắc phục những khó khăn, tồn tại, không ngừng vươn lên thi đua dạy tốt, học tốt, từng bước đẩy lùi các tiêu cực và tệ nạn học đường. Đến nay, Cửa Lò đã có 13/24 trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường đạt danh hiệu đơn vị văn hoá và là địa phương đi đầu trong công tác đầu tư và phát triển giáo dục của Tỉnh.

Kỷ niệm 26 năm ngày Nhà Giáo Việt Nam, chúng ta thật tự hào với những thành quả mà các Thầy Giáo, Cô Giáo đã dày công đóng góp cho sự nghiệp trồng người ở Thị xã. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào sự thật những gì còn khiếm khuyết, tồn tại để từ đó phấn đấu, nỗ lực hơn, trau dồi cả nghiệp vụ chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, từng bước đưa sự nghiệp giáo dục- đào tạo ngày một phát triển, góp phần làm cho quê hương thêm văn minh- giàu mạnh, tiến đến xây dựng Cửa Lò trở thành Thị xã văn hoá vào năm 2010/.

Theo: Thạch Sơn