Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Minh Thông – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Tham dự hội thảo còn có các chuyên gia đến từ các tổ chức hợp tác quốc tế, trong nước và các trường đại học; các tổng công ty, doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi nhiều vấn đề “nóng” về thực trạng phát triển du lịch Nghệ An.
PGS.TS Phạm Trung Lương – Hiệp hội đào tạo Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch Nghệ An đang đứng trước một số thách thức về cạnh tranh điểm đến đứng từ góc độ phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch đặc thù.
“Đa số du khách khi đến với Cửa Lò sẽ đến với Kim Liên, song đó chỉ như một phần của tour du lịch; trong khi đó, nhiều du khách đến với Kim Liên chỉ với tấm lòng thành kính của người dân thăm quê Bác chứ chưa với tâm thế của người khách du lịch đến Nghệ An để trải nghiệm sản phẩm du lịch đặc thù với trọng tâm là danh nhân thế giới trên nền văn hóa truyền thống đã được UNESCO vinh danh” – ông Phạm Trung Lương nói.
TS. Hà Văn Siêu – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, du lịch Nghệ An đang có nhiều vấn đề cần tháo gỡ như chất lượng nhân lực du lịch, công tác xúc tiến quảng bá và liên kết phát triển sản phẩm.
“Nghệ An cần chuyển hướng từ phát triển du lịch theo chiều rộng sang chiều sâu, đa dạng hóa dịch vụ và phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch phù hợp nhằm khắc phục tính mùa vụ” – ông Siêu nói.
Nhiều đại biểu là chuyên gia du lịch, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch còn đặt ra nhiều băn khoăn về tỷ trọng khách quốc tế và lượng khách lưu trú ở Nghệ An. Năm 2017, Nghệ An đón 5,6 triệu lượt khách thì có đến hơn 2 triệu lượt khách chỉ đến tham quan, chứ không lưu trú. Cùng với đó, khách quốc tế chiếm tỷ trọng rất thấp, chỉ khoảng hơn 109.000 lượt khách.
Dịch vụ du lịch cũng là bài toán khó khi hiện nay, du lịch Nghệ An gần như chưa có dịch vụ ban đêm, khách lưu trú qua đêm không có điểm đến giải trí, khiến nguồn thu từ dịch vụ du lịch hạn chế.
Tổng kết hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét: Tổng thể trình độ phát triển du lịch Nghệ An hiện tại đang ở đẳng cấp thấp, đơn điệu, ít loại hình du lịch đẳng cấp, hấp dẫn; tính “ăn sẵn” trong hoạt động du lịch cao…
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, tầm nhìn chung của du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Nghệ An nói riêng đang có vấn đề, ngay cả khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiện nay, định hướng phát triển du lịch cần xác định lợi thế – khác biệt của Nghệ An, theo đó, lựa chọn và xây dựng biểu tượng du lịch Nghệ An gắn với đặc sắc Nghệ An: đất học – địa linh nhân kiệt – hội tụ tinh hoa trên nền “non xanh nước biếc”. Bên cạnh đó, cần thiết phải có một sân bay quốc tế đúng tầm; một chương trình phát triển du lịch quốc gia; chương trình kết nối du lịch vùng lấy TP. Vinh và quê Bác làm tọa độ trung tâm.
– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
– Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch.
– Có chính sách hợp lý, khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, trong và ngoài tỉnh đầu tư kinh doanh du lịch.
– Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
– Đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch.