Chu đáo, nghiêm túc cho mùa lễ hội

Đăng ngày 28/03/2014

Từ đầu tháng 12-2010, Sở VH, TT&DL có công văn thông báo kế hoạch tổ chức lễ hội gửi đến tất cả các cấp liên quan nhằm sớm có sự chuẩn bị chu đáo cho cả 24 lễ hội sẽ diễn ra trong năm nay, gồm: lễ hội cấp quốc gia và cấp tỉnh sẽ là Lễ hội làng Sen gắn với Kỷ niệm 121 năm ngày sinh nhật Bác; Tổng kết 30 năm Liên hoan Tiếng hát làng Sen.

Lễ hội cấp huyện gồm: Lễ hội Pẩn pang – Nang ny, lễ hội đền Vua Mai, lễ hội đền Vạn Lộc, lễ hội Hang Bua, lễ hội đền Cờn, lễ hội đền Qủa Sơn, lễ hội đền thờ Nguyễn Xí, lễ hội Pu Nhạ Thầu, lễ hội đền Đức Hoàng, lễ hội đền Thanh Liệt, lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội Làng Vạc, lễ hội đền Chín Gian, lễ hội đền Cuông, lễ hội Môn Sơn Lục Dạ, lễ hội du lịch Cửa Lò, lễ hội đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan, lễ hội Uống nước nhớ nguồn, lễ hội đền Hồng Sơn, lễ hội đền Hoàng Mười, lễ hội đền Vạn – Cửa Rào, lễ hội đền Cửa – Nghi Khánh và lễ hội đền Vua Quang Trung. Các lễ hội này sẽ diễn ra suốt trong năm 2011 hầu khắp các địa bàn trong tỉnh, từ miền xuôi tới miền núi, từ đồng bằng tới thành thị. Mỗi một lễ hội mang một nét riêng.

Lễ hội đền Cờn (Quỳnh Lưu) có đua thuyền truyền thống của người dân vùng biển; lễ hội rước Hến – Hưng Lam có lễ cầu ngư trên sông Lam; lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu) có thi người đẹp Hang Bua, bắn nỏ, ném còn… Lễ hội Pẩn pang – Nang ny là lễ hội mở đầu cho 24 lễ hội trong năm, đây là một trong những lễ hội truyền thống của người dân Châu Cường – Quỳ Hợp diễn ra mùng 4 Tết âm lịch và cuối cùng là Lễ hội đền Hoàng Mười – Hưng Thịnh – Hưng Nguyên vào ngày 9, 10 tháng 10 âm lịch. Ngoài những lễ hội trên, trong tỉnh còn có nhiều lễ hội khác của các dân tộc, địa phương được tổ chức ở quy mô cấp xã. Trung tâm VHTT tỉnh, Ban quản lý DT DT, Bảo tàng Tổng hợp, Bảo tàng Xô viết sẽ có trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn; phòng và trung tâm VHTT các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Luật di sản VH và các quy chế, quyết định, chỉ thị để các lễ hội 2011 được diễn ra nghiêm túc, lành mạnh, tiết kiệm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Phan Hữu Lộc- Trưởng phòng nếp sống Văn hóa và Gia đình cho biết: Rút kinh nghiệm từ những mùa lễ hội trước, ngay từ cuối năm 2010, Sở VHTT và DL đã chủ động lên kế hoạch chỉ đạo các địa phương – nơi diễn ra các hoạt động lễ hội năm 2011 cần thực hiện tốt 3 yêu cầu:

Thứ nhất, tất cả các lễ hội phải xây dựng kịch bản nghiêm túc, đầy đủ, đúng trọng tâm. Tổ chức lễ hội truyền thống phải bảo đảm cả phần lễ và phần hội. Riêng phần hội ưu tiên khôi phục các trò chơi dân gian, các môn thể thao cổ truyền mang đặc trưng riêng của từng vùng, miền.

Thứ hai, thống nhất phần lễ (chủ tế nhất thiết phải là Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND), về nội dung, các vật phẩm tiến cúng.

Thứ ba, cấm triệt để các hình thức mê tín dị đoan, bói toán, các trò chơi có thưởng… làm ảnh hưởng đến hoạt động văn hóa tâm linh của lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm diễn ra lễ hội.

Mùa lễ hội năm 2011, phòng chuyên trách của Sở VHTT & DL tập trung kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc cả phần lễ và phần hội ở 5 điểm mẫu: đó là lễ hội đền Vua Mai (Nam Đàn), lễ hội đền Bạch Mã (Thanh Chương), lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), lễ hội đền Quả Sơn (Đô Lương), lễ hội đền Cuông (Diễn Châu) và lễ hội đền Cờn (Quỳnh Lưu).

Ngoài ra, Sở phối hợp với PA 83 và các ban, ngành liên quan thành lập các đoàn kiểm tra chia thành 5 cụm: tuyến đường 7, đường 48, đường 46, các huyện Hưng Nguyên, TP Vinh, Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò và tuyến đường Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Mỗi cụm đều có 1 trưởng đoàn là cán bộ phụ trách di tích danh thắng hoặc di sản văn hóa cùng các thành viên chịu trách nhiệm kiểm tra từ khâu kịch bản, các hoạt động phần lễ, phần hội đến công tác tuyên truyền cổ động trực quan, với mục đích xã hội hóa lễ hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh cho nhân dân.

Một trong những vấn đề làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách thập phương khi về với lễ hội đó là các tệ nạn mê tín dị doan, các trò chơi có thưởng. Nhiều lễ hội vẫn còn tồn tại công khai những hoạt động không đẹp mắt như cờ bạc, bói toán, xóc thẻ… rồi cảnh tượng khách đi lễ chen lấn, tranh giành tại nơi thờ tự, xả rác xuống khuôn viên di tích, đặt tiền không đúng nơi quy định, chèo kéo, đeo bám khách…

Để giảm dần những tiêu cực này, chính quyền sở tại cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân ý thức hơn với việc bảo vệ di tích, bảo đảm vệ sinh. Ban quản lý các di tích nơi diễn ra lễ hội cần quản lý chặt chẽ các hoạt động có hình thức biến tướng, xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm.

 

Thanh Thủy (baonghean.vn)