1. Trong thời kỳ nước Văn Lang và văn hóa Đông Sơn thì Nghệ Tĩnh là miền đất biên giới phía Nam xa xôi, nền văn hóa Đông Sơn ở đây có những nét chung với cả nước cũng có những nét riêng do giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa khác. Ở Xuân An (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) đã tìm thấy một chiếc khuyên tai đặc biệt, gọi là khuyên tai hai đầu thú. Các nhà khảo cổ học chưa từng tìm thấy loại khuyên tai này trong bất kỳ di chỉ nào của văn hóa Đông Sơn. Trong khi đó lại được tìm được trong nhiều địa điểm thuộc văn hóa Sa Huỳnh, phân bố từ Quảng Nam đến Đông Nai. Đông Sơn và Sa Huỳnh là hai nền văn hóa thời kỳ đồ sắt, tồn tại cùng thời với nhau. Chiếc khuyên tai hai đầu thú ở Xuân An đã nói lên sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc và Sa Huỳnh ở phía Nam qua cầu nối Nghệ Tĩnh. Nhưng Nghệ Tĩnh không phải là một “trạm thu” văn hóa mà còn là một “trạm phát”. Chúng ta biết rằng: nền văn hóa Đông Sơn ở nước ta có tầm ảnh hưởng rộng khắp Đông Nam Á. Nghệ Tĩnh là một trạm phía Nam để truyền đi các ảnh hưởng đó (Hà Văn Tấn: “Nghệ Tĩnh trong thời nguyên thủy và thời các vua Hùng dựng nước” trong “lịch sử Nghệ Tĩnh”, tập 1 – NXB Nghệ Tĩnh, Vinh 1984,63)
Trong lịch sử Việt Nam, từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, cùng với Vân Đồn (Quảng Ninh) ở phía Bắc và cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), Cửa Tùng, Cửa Việt (Quảng Trị)… ở phía Nam, thì Cửa Cờn, Cửa Hội (Nghệ An) đã có thuyền buôn các nước Chà và (nay thuộc Indonexia), Sích Mã Tích ( nay thuộc Malayxia)… và thuyền buôn Trung Quốc đến giao thương và buôn bán. Một số cuộc đào và thăm dò trước đây xung quanh khu vực Cửa Lò cho biết: vốn xưa, vùng này là một vùng biển cổ, lại còn tìm được cả một chiếc mỏ neo thuyền đi biển rất cổ dưới lòng đất giáo xứ Xã Đoài.
2. Tại một số cửa biển khu vực miền Trung Bộ nói chung và ở Nghệ Tĩnh nói riêng như Cửa Lò, Cửa Hội, Cửa Nhượng và đặc biệt là Cửa Sót… có một nhóm thủy cư ở cửa biển được người dân địa phương gọi là nốc câu (nốc là thuyền, câu là để chỉ nghề câu), hay là dân Bồ Lô, hoặc dân Bồ Chính. Nhà dân tộc học Nguyễn Duy Thiệu cho biết: trước Cách Mạng Tháng Tám 1945, Bồ Lô là từ chỉ một nhóm người mà người dân Cửa Sót gọi là “Mường nước mặn”.
Trong tiếng Việt hiện đại, từ Bồ Lô không có nghĩa. Trong các ngôn ngữ thuộc dòng Nam đảo, Bù Lao hay Pu Lao có nghĩa là đảo. Đến vùng đất Nam Bộ, từ này được Việt hóa thành Cù lao đơn (Cù lao thượng, Cù lao thới…) Phải chăng, vùng duyên hải nam Nghệ Tĩnh này, từ Bù Lao lại được Việt hóa thành Bồ Lô để chỉ nhóm người mà người dân địa phương quan niệm là người từ ngoài đảo vào? (Nguyễn Duy Thiệu: “Tìm hiểu các cộng đồng ngư dân thủy cư ở Việt Nam”, Tạp chí dân tộc học số 1 – năm 2005, trang 16)
Có lẽ cũng vì vậy mà ở vùng ven biển của Nghệ An, Hà Tĩnh còn lưu giữ được nhiều dấu ấn về địa danh nguồn gốc Malayô – Pôlinêsian (Nam đảo). Nhà văn – nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc cho rằng: Tên gọi Cửa Lò có nghĩa là “cửa sông”, trong ngôn từ của các ngư dân Malayô – Pôlinêđiêng có từ Kuala để gọi tên một con sông đổ ra biển, hay một con sông nhỏ chảy thành một con sông lớn. Dần dần, danh từ Kuala với nghĩa là cửa sông chuyển thành danh từ riêng Kuala/Kualo và cuối cùng địa danh hóa thành Cửa Lò, và nó được người Việt tiếp thu khi đến khai phá vùng đất này.
3, Ở ngoài khơi vùng biển Cửa Lò có núi Quỳnh Nhai, gồm hai hòn lớn và hai hòn con nối nhau, từ đất liền nhìn ra trông như cặp mắt, dân gian quen gọi là đảo Mắt. Và dân giải thích tên gọi này bằng câu chuyện tình cảm động “Nàng Tố Nương mỏi mắt trông chồng”, người vợ quê xứ Bắc đi tìm chồng xứ Nghệ: “Nàng Tố Nương quê ở An Lạc, Sơn Tây. Chồng nàng quê ở Hàm Hoan, nay là xứ Nghệ. Vợ chồng đều là tướng lĩnh của nghĩa quân Hai Bà Trưng. Khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, vợ chồng mỗi người lưu lạc một nơi. Tố Nương quyết định dong buồm về Hàm Hoan tìm chồng. Gần đến nơi, không may thuyền bị phong ba dạt vào đảo Quỳnh Nhai. Đến đây, nàng không còn sức lực và phương tiện để đi vào đất liền được, đành phải ở lại trên đảo, ngày đêm dán mắt về quê chồng”. Đảo Mắt – Nhãn Sơn có tên gọi từ đó.
4, Bờ biển Cửa Lò dài 10 km, cát trắng mịn, bằng phẳng, lộng gió, nước biển trong và sạch, là một trong những nơi nghỉ mát và du lịch nổi tiếng. Ngày 1/5 hàng năm là ngày mở Lễ hội sông nước Cửa Lò để khai trương mùa du lịch biển. Lễ hội này bắt nguồn từ lễ hội đền Vạn Lộc cách đây 500 năm, để tưởng nhớ công ơn Thái úy quận công Nguyễn Sư Hồi – một tướng lĩnh đã có những đóng góp to lớn trong quá trình trung hưng đất nước, người có công khai phá và lập nên làng Vạn Lộc (nay thuộc phường Nghi Tân – Thị xã Cửa Lò).
Không chỉ vậy, từ Cửa Lò du khách còn có thể mở rộng diện tham quan tới các chùa nổi tiếng của vùng lân cận như: Đền Cuông thờ An Dương Vương ( Diễn Châu), khu du lịch Mai Hắc Đế, Đền và mộ Đức thánh Hoàng Mười, khu di tích Kim Liên – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, và xa hơn là khu rừng nguyên sinh Pù Mát thơ mộng. Dọc theo những nẻo đường của xứ Nghệ, du khách sẽ đặt chân tới nhiều vùng “địa linh nhân kiệt”, chiêm ngưỡng nhiều danh sơn thắng cảnh, thưởng thức những câu hò Ví dặm, những điệu hát rung động lòng người, thưởng thức các món ăn truyền thống mang màu sắc riêng, không pha trộn với bất cứ nơi nào khác, để những ai đã có dịp tới thăm “Xứ Nghệ” và thưởng thức đều không bao giờ quên.