Cửa Lò: Tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch

Đăng ngày 10/11/2023

Sáng ngày 10/11, UBND thị xã Cửa Lò tổ chức hội thảo đánh giá kết quả 03 năm thực hiện đề án “Ứng dụng KHCN trong khai thác, chế biến Hải sản và sản xuất nông nghiệp sạch tạo sản phẩm phục vụ du lịch giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo”. Về dự hội nghị có đồng chí: Nguyễn Đình Lâm – Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học công nghệ – Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An; Đại diện các phòng, ban, ngành thị xã; Đại diện lãnh đạo các phường, các làng nghề, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP trên địa bàn. Các đồng chí: Hoàng Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND thị xã, phó chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ thị xã; Nguyễn Văn Trung – Trưởng phòng Kinh tế thị xã đồng chủ trì hội nghị.


Đề án “Ứng dụng Khoa học và công nghệ trong khai thác, chế biến hải sản và sản xuất nông nghiệp sạch tạo sản phẩm phục vụ du lịch giai đoạn 2022 – 2025 và những năm tiếp theo” được UBND thị xã phê duyệt theo Quyết định số 3434/QĐ-UBND nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất và người dân áp dụng ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh đơn vị mình.

Qua 03 năm thực hiện đề án, Cửa Lò có bước chuyển biến về chiều sâu trong ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, chế biến Hải sản và nông nghiệp trên địa bàn, tạo được nhiều mô hình, tăng sản lượng và năng suất lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Cụ thể, nhờ áp dụng công nghệ trong đóng mới tàu cá và ứng dụng công nghệ trong đánh bắt khai thác hải sản, mà sản lượng đánh bắt hải sản của thị xã Cửa Lò những năm gần đây đạt tốp đầu toàn tỉnh. Dự kiến đến cuối năm 2023, sản lượng khai thác Hải sản ước đạt 19.271 tấn (vượt chỉ tiêu đề ra). Các sản phẩm đặc trưng của địa phương được các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã ngày càng chú trọng áp dụng các mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất, ứng dụng máy hút chân không, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch, xây dựng nhãn hiệu tập thể các làng nghề, các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhiều sản phẩm OCOP chủ lực trên địa bàn được ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giúp nâng tầm giá trị trên thị trường và quan trọng nhất là chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Tính đến nay, toàn thị xã đã có 23 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 – 4 sao (Vượt chỉ tiêu đề ra), xây dựng được 8.100m2 nhà màng (đạt chỉ tiêu đề ra). Có trên 76% hộ sản xuất theo diện ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tham gia ký cam kết (dự kiến đạt và vượt chỉ tiêu đề ra).

Từ năm 2020 đến nay, tổng ngân sách hỗ trợ thực hiện đề án là 3.922 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 2.749 triệu đồng, còn lại là nguồn hỗ trợ từ ngân sách thị xã. Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất trên địa bàn đều chủ động, tích cực đầu tư kinh phí thực hiện áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào phát triển sản phẩm của đơn vị mình.

Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến, tham luận, đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm phát huy lợi thế, điều kiện của địa phương để tận dụng thời cơ cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương theo hướng hiệu quả, bền vững.

Dương Tân – Ngọc Ánh