Hội nghị tăng cường phối hợp tuyên truyền phát triển du lịch Cửa Lò năm 2023
Du lịch Cửa Lò – Tiềm năng và thực tiễn phát triển
Được thiên nhiên ưu đãi, Cửa Lò có những dải cát dài, mịn, phẳng, nước biển sạch và sóng nhẹ, dù thủy triều lên xuống thì độ sâu vẫn không thay đổi, luôn tạo cho du khách cảm giác an toàn khi tắm. Nơi đây không hổ danh là một trong những bãi biển đẹp nhất vùng Bắc Trung Bộ. Cùng với đó là một cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, với hệ thống đảo Ngư, đảo Mắt, đảo Lan Châu hoang sơ và huyền bí; cộng với nguồn hải sản phong phú, thơm ngon, giúp cho du khách có được những trải nghiệm tuyệt vời khi đến với Cửa Lò. Không những vậy, đây còn là vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống cách mạng và văn hóa của xứ Nghệ; cùng sự mến khách đã trở thành nếp sống của người dân Cửa Lò.
Không phải ngẫu nhiên mà từ 116 năm về trước (1907), người Pháp đã chọn Cửa Lò để xây dựng khu nghỉ mát và tắm biển. Và, năm 2014, Cửa Lò được Chính phủ công nhận là “Đô thị du lịch biển” đầu tiên của cả nước. Đó là sự khẳng định tiềm năng, lợi thế lớn của đô thị biển Cửa Lò trong hành trình phát triển kinh tế – xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
Trên chiều dài 12km, Cửa Lò có 3 bãi tắm: Lan Châu, Xuân Hương và Song Ngư. Hai đầu bãi là hai cửa biển: Cửa Hội (sông Lam) ở phía Nam và Cửa Lò (sông Cấm) ở phía Bắc. Điểm nổi bật của Cửa Lò là cụm các đảo gồm Lan Châu, Song Ngư và đảo Mắt với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, đậm chất hoang sơ, huyền bí. Đặc biệt, tuyến cáp treo nối Khu vui chơi giải trí Cửa Hội ra đảo Ngư dài 3,5 km mới được đưa vào hoạt động phục vụ khách du lịch đã đánh dấu một bước ngoặt lớn cho du lịch Cửa Lò và Cửa Hội…
Quảng trường Bình Minh, thị xã Cửa Lò
Trên đất liền, ngay sát thị xã Cửa Lò là Khu du lịch sinh thái Cửa Hội được xây dựng năm 2000 trên diện tích 60ha với rừng phi lao xanh mướt. Không náo nhiệt và sôi động, Cửa Hội níu giữ du khách bằng vẻ bình yên và êm ả, dù chỉ cách bãi tắm Cửa Lò 5km. Tại đây có khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, các khu tiện ích, bến thuyền đẳng cấp, cùng các dịch vụ hoàn hảo khác phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách… cũng luôn là điểm đến yêu thích để du khách tìm được những giây phút tư tĩnh, yên bình…
Hiện Cửa Lò có gần 300 nhà nghỉ, khách sạn với trên 14 nghìn phòng được đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản đảm bảo phục vụ cho gần 30 nghìn khách nghỉ trong ngày. Nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú ở Cửa Lò đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng tốt nhất nhu cầu nghỉ dưỡng và vui chơi của du khách. Đặc biệt, sự thân thiện của người dân nơi đây làm hài lòng du khách khi các chủ hộ kinh doanh và người dân thực hiện “5 không” – không nâng, ép giá; không chèo kéo đeo bám khách; không tẩm quất, bán hàng rong; không làm tổn hại môi trường; không làm mất an ninh trật tự và “3 có” – có hạ tầng du lịch hiện đại, có môi trường du lịch văn minh, có con người du lịch mến khách.
Khu Lâm viên trên bãi tắm đã thông thoáng sau khi tháo dỡ các ki ốt, nhà hàng
Từ chủ trương đúng đắn…
Trên hành trình phát triển KT-XH nói chung, Du lịch nói riêng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An và cấp ủy, chính quyền thị xã Cửa Lò luôn đưa ra những chủ trương, nghị quyết, quyết định xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển phù hợp với từng giai đoạn. Trong đó, Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 14/6/2021 của Tỉnh ủy Nghệ An về xây dựng và phát triển thị xã Cửa Lò đến năm 2025 và những năm tiếp theo, đã xác định: Tập trung mọi nguồn lực xây dựng đô thị du lịch Cửa Lò phát triển nhanh, bền vững; cùng với thành phố Vinh trở thành đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đổi mới sáng tạo của Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm: Xây dựng và thực hiện hiệu quả các đề án, kế hoạch cụ thể trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX có liên quan đến thị xã Cửa Lò và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thị xã Cửa Lò lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 với tinh thần đổi mới, tăng tốc, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh ngay trong giai đoạn 2023 – 2025. Trong phiên họp thường kỳ tháng 3/2023, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã thông qua dự thảo Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Vinh và thành lập các phường thuộc thành phố Vinh. Theo đó, sẽ điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của thị xã Cửa Lò về thành phố Vinh quản lý. Đây vừa là cơ hội lớn cho sự phát triển của Cửa Lò nói chung và về du lịch Cửa Lò nói riêng; vừa đặt ra những thách thức lớn hơn đối với Cấp ủy và Chính quyền của thị xã Cửa Lò hiện nay, với quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn để đáp ứng yêu cầu tương xứng là một phần của thành phố Vinh rộng lớn và giàu tiềm năng phát triển.
Khu du lịch sinh thái Cửa Hội
… đến những kết quả và định hướng phát triển
Ấn tượng đầu tiên khi du khách về với Cửa Lò hôm nay là cảm nhận về một không gian thoáng đãng, trong lành, bởi toàn bộ bãi biển được trả lại mặt bằng, không còn cảnh các ki-ốt che khuất tầm nhìn ra biển. Thị xã đã quy hoạch 6 vị trí trồng hoa cúc biển và tổ chức Lễ hội Áo dài hoa Cúc Biển thu hút sự quan tâm của du khách 4 phương; quy hoạch 16 vị trí bãi đỗ xe, trong đó 14 bãi đỗ xe dành cho ôtô, xe máy và 2 bãi đỗ xe điện, quy hoạch 1 điểm bán hàng hải sản tươi sống (mực nháy) ở phía nam đường ra đảo Lan Châu… Các trục đường chính vào trung tâm thị xã như đường Bình Minh, đường Sào Nam, đường số 10 và các trục đường nội thị được mở rộng, xanh – sạch – đẹp. Thực hiện chỉnh trang lại hệ thống đèn Led, đèn trang trí tại các trục đường chính; tu sửa, nâng cấp các cổng chào điện tử, thay hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường nội thị, sửa chữa, đầu tư thêm hệ thống điện trang trí khu vực Quảng trường và lâm viên Quảng trường Bình Minh, Công viên Hoa cúc biển… Thị xã Cửa Lò giờ đây thực sự khoác lên mình một bộ cánh mới đẹp hơn, sáng sủa hơn.
Chưa hết, đến Cửa Lò hôm nay du khách sẽ được trải nghiệm rất nhiều các sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú, với các điểm đến du lịch, các điểm check-in tại lâm viên, quảng trường, bãi biển được làm mới và nâng cấp; có thêm các tour tham quan, mua sắm tại các làng nghề chế biến nước mắm, trải nghiệm nướng cá và thưởng thức các sản phẩm từ biển tại các làng chài, làng nghề truyền thống có từ hàng trăm năm của Cửa Lò. Thị xã Cửa Lò cũng đang hướng tới phát triển du lịch 4 mùa. Đây là một yêu cầu cần thiết đặt ra và phải thực hiện. Theo đó, mùa hè sẽ tập trung chủ yếu vào tắm biển, nghỉ dưỡng; Mùa xuân đầu tư vào khai thác du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn như: Lễ hội đền Vạn Lộc, di tích đền Mai Bảng, đền Thu Lũng, bãi chùa Đảo Ngư; Mùa thu và mùa Đông tập trung đầu tư vào văn hóa ẩm thực – một trong những thế mạnh của biển Cửa Lò, và thu hút khách hội nghị, hội thảo, tổng kết cuối năm từ các cơ quan, ban, ngành, Công ty, Tập đoàn… trong và ngoài tỉnh Nghệ An.
Trên đảo Lan Châu
Năm 2023, thị xã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện phục vụ du lịch, thu hút du khách như: Tổ chức tốt các Lễ hội: Lễ hội đền Bàu Lối, phường Nghi Thu; Lễ hội Đền Vạn Lộc, phường Nghi Tân; Lễ Hội đền Mai Bảng phường Nghi Thủy; Lễ hội Áo dài hoa cúc biển; Lễ hội du lịch Cửa Lò; Festival Khinh cầu Cửa Lò năm 2023. Thị xã còn tổ chức đón các đoàn “famtrip” về khảo sát du lịch Nghệ An nói chung và Cửa Lò nói riêng để kết nối các “tour”, tuyến. Tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện các dự án đầu tư trên địa bàn, thu hút thêm một số dự án mới có lợi thế, ít ảnh hưởng môi trường. Tích cực hơn trong xây dựng văn minh đô thị, khu dân cư kiểu mẫu… Các hoạt động, sự kiện này đã giúp kích cầu du lịch, thu hút nhiều người dân, du khách đến với Cửa Lò. Nhờ vậy, trong năm 2023 tổng lượng khách du lịch ước đạt 3,6 triệu lượt, đạt 106% kế hoạch năm, tăng 14,2% so cùng kỳ. Trong đó khách lưu trú ước đạt 1,256 triệu lượt, đạt 100,05 % kế hoạch năm, tăng 10,5% so cùng kỳ. Khách nước ngoài: 730 đoàn, 4758 lượt người (Số liệu khách nước ngoài lấy đến 30/8/2023). Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch ước đạt 3.562 tỷ đồng, đạt 100,03% kế hoạch năm, tăng 10,6% so cùng kỳ. Thành quả đó là sự chung tay góp sức của tất cả các cấp, ngành, cán bộ, nhân dân; trong đó đội ngũ lãnh đạo Thị ủy, HĐND và UBND Thị xã có vai trò to lớn.
Năm 2024, thị xã Cửa Lò kỷ niệm 30 năm ngày thành lập thị xã, 10 năm được Chính Phủ công nhận là “Đô thị du lịch biển” đầu tiên của cả nước, là năm thứ 4 thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thị xã 5 năm giai đoạn 2020 -2025. Lại là năm cận kề chuẩn bị sáp nhập vào thành phố Vinh với rất nhiều công việc phải tập trung thực hiện. Thị xã tập trung triển khai quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng khu lâm viên phía đông đường Bình Minh, hoàn thiện đưa vào sự dụng khu vui chơi giải trí Cửa Hội và cáp treo ra Đảo Ngư. Với những lợi thế, tiềm năng sẵn có, Cửa Lò tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch toàn diện cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ; sản phẩm du lịch đa dạng, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thị xã. Cửa Lò phấn đấu đón 4,15 triệu lượt khách du lịch (tăng 15% so với năm 2023); khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt khách (tăng 15% so với năm 2023); Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng (tăng 18% so với năm 2023)…
Về phương hướng phát triển lâu dài, ngày 07/9/2023 UBND Thị xã Cửa Lò đã ban hành quyết định số 1938/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu lâm viên phía đông đường Bình Minh, thuộc các phường Nghi Hương, Nghi Thu và Nghi Thủy, gồm 2 vị trí: Vị trí 1 có diện tích 60.8 ha; vị trí 2 có diện tích 12,8 ha. Đây là khu lâm viên ven biển, khu vực tắm biển, dịch vụ du lịch biển, vui chơi, giải trí, ẩm thực được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh phục vụ khách du lịch trong và ngoài tỉnh; là khu vực có giá trị chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng… Theo cơ cấu quy hoạch, toàn bộ gồm 5 khu: A, B, C, D, E. Mỗi khu mang một đặc thù và chức năng hoạt động riêng, để cùng tạo nên một Cửa Lò hoàn thiện hơn trong hoạt động du lịch.
Waterfun Cửa Lò – Khu nhà phao lớn nhất Việt Nam
Và những giải pháp thiết thực
Để đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh Nghệ An và thị xã Cửa Lò đã xác định những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể; bao gồm: Phát triển các loại hình dịch vụ về đêm để hình thành các mô hình mới lạ, trên nền tảng tiềm năng, lợi thế của bờ biển dài hơn 10km; Phát triển mô hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, du lịch trải nghiệm; Phát triển mô hình du lịch hội nghị, sự kiện, mua sắm; Phát triển du lịch từ các danh lam, thắng cảnh; Phát triển du lịch theo hướng đô thị văn minh; Hoàn thiện quy hoạch, quản lý quy hoạch; Phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; Mở rộng thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch; Phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; Phát triển nghề khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá; Đảm bảo vệ sinh môi trường bền vững; Tăng cường công tác quản lý nhà nước. Xây dựng các điểm đến, tập trung nhiều tại phường Nghi Thủy với việc hình thành phố đi bộ, phố ẩm thực, phố mua sắm, khôi phục các điểm đến tâm linh và những nét văn hóa truyền thống. Xây dựng các dự án tầm cỡ và tiện nghi hơn, bao gồm các Quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí .v.v…
Để xác lập một cách vững chắc sự phát triển trong hoạt động du lịch, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức phù hợp như tăng cường sử dụng công nghệ thông tin mạng xã hội; quan tâm tập huấn về văn hóa ứng xử, phục vụ của đội ngũ nguồn nhân lực làm du lịch; hoàn thiện hạ tầng du lịch, nhất là khu vực phía đông đường Bình Minh. Đẩy mạnh đưa tin việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, xây dựng các chuyên đề về thu hút đầu tư, du lịch biển, các mô hình kinh tế hiệu quả, phát triển giáo dục, y tế, công tác xóa đói giảm nghèo. Đăng tải các bài viết về công tác tuyên truyền, xây dựng Đảng, tổ chức, thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và thị xã; về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn. Song song với đó, thị xã Cửa Lò tập trung cao nhất cho việc thực hiện những giải pháp vừa mang tính lâu dài, vừa là yêu cầu ngắn hạn, trung hạn, bao gồm: Phải luôn xác định vị thế phát triển của thị xã Cửa Lò cùng với thành phố Vinh trở thành một cực tăng trưởng trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, ưu tiên triển khai các loại hình du lịch mới, chất lượng, hấp dẫn để phục vụ du khách; tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, cuốn hút đối với du khách…
Với định hướng phát triển thiết thực, cụ thể và tính quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, cùng sự đồng thuận của mỗi người dân, du lịch Cửa Lò sẽ là điểm sáng trong bản đồ du lịch Việt Nam, là sự lựa chọn ngày càng nhiều của du khách trong nước, quốc tế.
Nguồn: Báo Việt Nam Hội nhập