Lúc tối, 2 vợ chồng còn nhắn tin với nhau, anh bảo tàu chuẩn bị đổ hàng rồi sẽ về nhà để thăm con. Nhưng đến giờ không biết anh như thế nào nữa’, chị Dung – vợ thuyền viên Nguyễn Văn Xuân tàu VTB26 cho biết.
» Lời kể thuyền viên sống sót trên tàu hàng bị chìm ở Nghệ An
» Huy động hai đội thợ lặn tìm kiếm trong cabin và buồng tàu VTB 26
Sáng 18/7, thân nhân 4 thuyền viên trên tàu hàng VTB 26 bị chìm ở vùng biển đảo Ngư (TX. Cửa Lò) đang còn mất tích đã đến Cảng vụ Cửa Lò để nghe ngóng thông tin về người thân. Khuôn mặt ai cũng hiện rõ nỗi lo lắng, hoang mang.
Ngồi ôm mặt khóc rưng rức phía ngoài hành lang, chị Lưu Thị Dung, vợ của thuyền viên Nguyễn Văn Xuân – Đại phó tàu VTB26 không đủ bình tĩnh để nghe hết sự việc mà lãnh đạo Cục Hàng hải thông báo.
Chị Lưu Thị Dung (áo hoa) vợ của thuyền viên còn mất tích Nguyễn Văn Xuân khóc rưng rức ngoài hành lang. Ảnh: Phạm Bằng |
Chị Dung kể lại, sáng 17/7 có người em sau khi đọc thông tin trên báo đã gọi điện thông báo cho chị, tàu hàng mà anh Xuân đang đi đã bị sóng biển đánh chìm ở vùng biển Nghệ An. Quá bối rối nhưng chị vẫn có niềm tin rằng, chồng mình sẽ không sao. Nhưng đến buổi trưa, sau khi đại diện tàu VTB 26 gọi điện thông báo cả 13 thuyền viên trên tàu đều rơi xuống biển, riêng anh Xuân hiện vẫn mất tích thì cả gia đình mới bàng hoàng.
“Khoảng 14h chiều hôm trước (16/7), 2 vợ chồng em có nhắn tin với nhau qua Facebook. Anh ấy nói mệt do sóng to gió lớn đánh mạnh khiến tàu rung lắc liên hồi. Anh em trên tàu không ai ăn uống được gì cả. Sau đó, khoảng 12h đêm em có điện thoại cho anh nhưng không thấy anh nghe máy nữa”, chị Dung kể.
Là con một của gia đình, anh Xuân được bố mẹ dành hết tình yêu thương và chăm lo cho ăn học. Sau khi ra trường, anh Xuân tham gia đi biển và đến nay cũng đã hơn 12 năm gắn bó với từng con sóng ở biển khơi. Mặc dù đi biển dài ngày, cuộc sống vợ chồng không có nhiều thời gian bên nhau nhưng mỗi lần về thăm nhà, anh luôn tranh thủ giúp vợ chăm sóc con cái, đỡ đần công việc cho vợ.
Khi nghe tin anh Xuân mất tích, cả gia đình anh hết sức lo lắng. Chiều 17/7, sau khi phía công ty tổ chức xe cho các gia đình vào Nghệ An, bố mẹ anh Xuân cứ nằng nặng đòi vào chỉ để mong biết được thông tin về con mình. “Bố mẹ cứ đòi đi nhưng ông bà đã già cả, lại nhiều bệnh nên anh em trong nhà bàn bạc thống nhất là chú ruột, em và anh rể vào Nghệ An. Nguyện vọng của gia đình là sớm tìm thấy anh, vì anh đã hứa là sau chuyến hàng này sẽ về thăm mẹ con em mà”, chị Dung nói rồi khóc rưng rức.
Ngồi im lặng từ đầu buổi, ông Nguyễn Hải Thanh, bố của thuyền viên Nguyễn Hải Quyết (SN 991) tàu VTB 26 vẫn giữ được nét bình tĩnh trên khuôn mặt của người đàn ông. Nhưng khi được hỏi về anh Quyết, ông Thanh nói như chực khóc.Ông Thanh cho biết, anh Quyết là con đầu trong gia đình, sau có thêm một người em gái. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Hàng Hải, anh Quyết tiếp tục học thêm lớp sỹ quan rồi sau đó tham gia đi biển với tàu VTB 26 được gần 1 năm nay. Mặc dù biết nghề đi biển luôn chịu nhiều rủi ro nhưng vì đam mê của con nên vợ chồng ông Thanh vẫn hết lòng ủng hộ.
“Chiều 16/7, Quyết có gọi điện về cho gia đình. Giọng của Quyết xen lẫn trong tiếng gió rít, sóng vỗ nhưng gia đình vẫn nghe được quyết nói rằng, ngoài đó sóng đánh rất lớn, bão đã gần vào đến nơi. Mặc dù đang ở trong vùng tâm bão nhưng Quyết vẫn động viên gia đình là con không sao, bố mẹ đừng lo lắng. Nhưng nó nói mà không giữ lời chú ạ”, ông Thanh nói rồi quệt nước mắt.
Theo thân nhân các thuyền viên còn mất tích thì hầu hết họ nhận được thông tin con em mình thông qua chủ tàu VTB 26. Ngay trong chiều 17/7, phía chủ tàu đã tổ chức xe đưa thân nhân các thuyền viên mất tích vào Nghệ An. Ông Nguyễn Văn Sinh, bố của thuyền viên Nguyễn Văn Dương (SN 1989) tàu VTB 26 cho biết, bước đầu chúng tôi thấy phía chủ tàu có trách nhiệm và hỗ trợ tích cực cho gia đình các thuyền viên.
Chia sẻ về con trai của mình, ông Sinh cho biết rằng con trai của ông là một người con có hiếu, luôn lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ dù thường xuyên vắng nhà. “Tối 16/7, nó còn gọi điện về cho tôi nói bão gần vào rồi nên bố mẹ xem nhà cửa chỗ nào còn yếu thì chằng chống thêm. Con ở đây có anh em trên tàu nên bố mẹ không phải lo cho con. Nhưng cuối cùng nó lại làm cho bố mẹ lo lắng…”, ông Sinh nói.
Hôm nay vào đây, ngoài ông Sinh có chị Nguyễn Thị Huế là chị gái của anh Dương. Khuôn mặt đỏ hoe, chị Huế vẫn không thể tin rằng, người em trai yêu quý của chị vẫn đang bặt vô âm tín giữa mịt mùng biển khơi. “Nó mới lấy vợ, con đang còn nhỏ nên vợ nó phải ở nhà trông con nên không vào được. Gia đình chỉ mong sớm được tìm thấy em trai để đón về”, chị Huế nói.
Chị Nguyễn Thị Huế, chị gái thuyền viên Nguyễn Văn Dương. Ảnh: Phạm Bằng |
Chia sẻ với những lo lắng của thân nhân các thuyền viên còn mất tích, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ông Nguyễn Xuân Sang hứa sẽ dốc hết toàn lực, sử dụng các phương tiện cứu hộ, cứu nạn hiện đại nhất để tìm kiếm các thuyền viên còn mất tích. Đồng thời, ông Sang cũng mong muốn các gia đình thuyền viên bình tĩnh, bình tâm, tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng để cùng nhau triển khai tốt nhất các phương án cứu nạn.
“Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn sẽ cố gắng hết sức, khi nào chưa tìm thấy các thuyền viên thì công tác cứu nạn sẽ chưa dừng lại. Chúng ta không bao giờ được ngừng hy vọng, các thuyền viên sẽ trở về với gia đình, với mọi người”, ông Sang khẳng định.
Phạm Bằng – Thành Duy