Tỉ tê đôi chút chuyện đời và say trong một miếng trầu cay.
Những khúc ca vang vọng ngân lên khi Xuân đến, tất cả rạo rực khúc xuân sang, nguồn sống Mai Bảng mãi ngời sáng đến muôn đời. Lửa vẫn luôn bùng cháy, những hàng cây đang xuân, lễ hội đền Mai Bảng đang đến gần, mênh mênh mang mang dạt dào một cảm xúc đợi chờ.
Biết bao mùa lễ hội đã trôi qua, cảm xúc rất riêng sẽ tràn về trong lòng mỗi chúng ta khi trở về vùng đất thiêng Mai Bảng, nơi từng biết đến là đại danh thắng địa linh nhân kiệt, nơi có ngôi đền linh thiêng là điểm tựa tâm linh cho người dân Cửa Lò.
Nguồn ảnh: Thành Cường
Đền Mai Bảng, phường Nghi Thuỷ thờ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi, ông là con trai của Lê Từ, cháu ruột của Lê Lợi. Ông tham gia nghĩa quân Lam Sơn và lập được nhiều chiến công. Thời kỳ làm tri châu ở Nghệ An, Lê Khôi có công giúp dân khai hoang, lập nên nhiều làng mạc trù phú. Năm 1446, sau khi đánh tan quân Chiêm Thành, ông bị ốm nặng rồi mất trên đường trở về, nhân dân mai táng ông ở núi Long Ngâm (Thạch Hà – Hà Tĩnh) và lập miếu thờ phụng. Cư dân vùng Mai Bảng (có gốc làng Mai Phụ – Hà Tĩnh) sau khi di cư đến làng Mai Bảng thì lập bài vị để thờ Lê Khôi và tôn ông làm thành hoàng làng. Ngoài thờ tướng Lê Khôi, đền Mai Bảng còn thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Thuỷ Tinh phu nhân và 6 vị khai cơ lập làng khác. Đền xây dựng từ năm 1780 với ngôi nhà nhỏ đơn sơ, đến thời Nguyễn mới được tôn tạo với bố cục kiểu chữ tam, với 3 toà chính. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đền còn lưu giữ ngôi trung điện nguyên bản và nhiều đồ tế khí cổ có giá trị như bàn thờ, hương án, long ngai, bài vị, đại tự, câu đố…có giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt, Đền còn lưu giữ 13 đạo sắc gốc hết sức quý giá, minh chứng cho sự tồn tại lâu đời. Năm 2016, đền Mai Bảng được Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, đây là niềm vinh hạnh, niềm tự hào của nhân dân vùng biển Nghi Thuỷ.
Thuở trước, những ngư dân cùng chiếc múng chèo mỏng manh lênh đênh trên sóng nước giăng lưới, buông câu góp nhặt cá tôm. Mắt họ dõi theo con sóng bạc đầu, những vầng mây trắng pha sắc hồng cùng những cánh chim lướt gió để dò đoán bão giông. Để tránh những con giông bất chợt ngoài biển cả cũng phải chịu bao quật phất của gió mưa. Người dân vẫn mang tâm hồn linh thiêng cho sự tín sùng trời đất. Cốt cách của người dân Mai Bảng gắn với đạo lý truyền thống cha ông ngàn đời. Từ bao đời nay, họ tin vào sự bình an là nhờ sự chở che của các bậc thánh nhân. Qua Giêng, người ta lại về với Mai Bảng, tỉ tê đôi chút chuyện đời và say trong một miếng trầu cay.
Linh thiêng Mai Bảng khải hoàn ca
Vào ngày 12/2 và 3/5 âm lịch hàng năm đền Mai Bảng diễn ra hai lễ hội lớn. Tháng 2 âm lịch người dân tổ chức lễ hội truyền thống đền Mai Bảng. Đây là một hoạt động tâm linh rất riêng của cư dân quanh năm chài lưới, bám biển mưu sinh. Lễ hội truyền thống đền Mai Bảng cũng là dịp để con cháu xa gần cùng tưởng nhớ đến những người đã có công lớn trong việc khai cơ lập làng. Trong lễ hội Đền Mai Bảng, nhân dân Nghi Thủy thường tiến hành lễ hội cầu đinh, cầu ngư. Trước đó, người dân chuẩn bị nhiều lễ vật góp giỗ, phân đội hình rước kiệu, đội hình đánh trống, đội cờ hội….Đặc biệt có sự tham gia của tầng lớp thanh niên trai tráng trong làng, lễ rước, lễ tế được diễn ra một cách trang nghiêm. Nghề nghiệp chính của người dân Nghi Thủy là đánh bắt nên quyết định tín ngưỡng của họ trong việc cầu ngư và mang đậm dấu ấn đặc sắc của vùng miền. Mang nhiều giá trị, thấm đượm văn hóa vùng sông nước, có ý nghĩa giáo dục to lớn và truyền lại những điều tốt đẹp cho thế hệ sau. Vì vậy, việc duy trì và tổ chức Lễ hội Đền Mai Bảng có giá trị như một hoạt động mở màn cho mùa du lịch mới tại Cửa Lò.
Ảnh tư liệu
Nghề đi biển vẫn cuốn hút bao người gắn bó bởi đó chính là cái hồn quê thân thuộc, yêu biển như yêu lời ru câu ca trên nôi của mẹ, gắn bó thân thuộc với những âm thanh lao xao mỗi sáng mai thuyền về, hay yêu tha thiết cái mùi tanh nồng từ biển. Làng Mai Bảng xưa vẫn giữ được cái hồn hậu, mộc mạc với nét sinh hoạt văn hoá của người dân chài lưới ngàn đời khó phai. Đôn đả, hào sảng, nhiệt thành như thấm vào máu lưu truyền như một sự tất yếu từ cha ông để lại đời con cháu. Nên khách đến đây gặp họ, được đỗi đãi như đã từng quen, như có một sự kết nối thân tình, nồng hậu từ lâu.
Ảnh tư liệu
Linh thiêng Mai Bảng, cầu được ước thấy, ghé chân vào chốn linh thiêng mượn vôi mượn thuốc mà cay mà nồng như ru hồn lắng đọng lại cõi lòng tâm linh yên bình.
Ảnh tư liệu
Qua thời gian, con người làng chài Mai Bảng đã cùng góp sức làm sống lại một Cửa Lò vốn dĩ tươi đẹp, mài dũa viên ngọc vốn xù xì, lấm lem trở nên long lanh, rực sáng. Mai Bảng tô thêm cho Cửa Lò một cảnh sắc diệu kỳ. Thế hệ con cháu làng Mai Bảng đã khắc cốt ghi tâm, họ đến đền làng cung kính cúi lạy trước bài vị các ngài để gửi gắm tất cả những ước mong bình dị nhất, cầu được bình an, khang thái. Người dân nơi đây vẫn bền gan sát cánh vượt qua bao thăng trầm, khó khăn, đấu tranh để giữ gìn những cốt cách của người bản địa cũng như bản sắc văn hóa tâm linh của địa phương. Lễ hội đền Mai Bảng mang dấu ấn đặc sắc đã góp phần bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, đoàn kết cộng đồng, để di sản được bảo tồn và phát huy trong dòng chảy của cuộc sống, làm phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa quê hương. Gốc rễ ăn sâu, hoa lá sum vầy, hương vị tốt lành thơm ngát, nhờ hợp khí âm dương tốt lành nên nhanh chóng thịnh vượng phát triển mạnh, cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc hơn. Bốn mùa hương khói phụng thờ, đất nước thanh bình, trăm họ âu ca, người dân Nghi Thuỷ vẫn hàng ngày nuôi dưỡng, lưu truyền bản sắc văn hóa tốt đẹp của mình để giữ tiếng thơm muôn đời lưu truyền sử sách.
Nắng ấm dâng tràn, gieo mầm xanh mùa xuân. Những khúc ca vang vọng ngân lên chờ xuân đến, cả ngọn lửa rạo rực khúc xuân sang, nguồn sống Mai Bảng mãi ngời sáng đến muôn đời. Tháng Hai tới gần, về Nghi Thuỷ cùng vui lễ hội Mai Bảng, yêu hơn vẻ đẹp quê mình !
Nguyễn Hương