Quang Hàn đôi lần rủ tôi cùng về Đình Bảng, Từ Sơn (Bắc Ninh) hành hương đền Lý Bát Đế. Đường xa, lại chẳng mấy rảnh rang nên cứ khất lần. Nhưng mỗi lần gã rủ về TX. Cửa Lò thì tôi đồng ý ngay. Chẳng hiểu vì sao gã lại thích cái đô thị biển này đến vậy, hỏi thì không trả lời nhưng đoán chắc là được “đồng hóa” bởi anh đồng chủ sở hữu nhà hàng và mấy cô gái nhân viên người Cửa Lò… Quang Hàn thích bãi biển Cửa Lò thì rất dễ hiểu, bởi xứ Cao Ly của gã bãi biển tự nhiên đẹp là rất hiếm hoi, chủ yếu là biển nhân tạo. Hơn nữa Quang Hàn lại còn thích đến các đền, chùa, miếu mạo, các di tích ở đây. Mà bản thân gã rặt một bụng tính toán làm ăn này có học văn hóa Việt bao giờ đâu?
Chùa Đảo Ngư – Ảnh: Trần Hải |
Quang Hàn biết rõ về Cửa Lò lắm, gã có thể thao thao bất tuyệt về mảnh đất nằm giữa hai con sông lớn là sông Lam và sông Cấm này. Theo gã, Cửa Lò có thế đất quý “Lưỡng Long tranh châu”, là miền đất lành giàu vượng khí vì nó là vùng đất bồi tụ, sinh sôi lấn biển. Càng quý hơn bởi trước đây nó chính là “Lộc điền” của triều Lê phong cho Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Chính vậy, doanh nhân, doanh nghiệp về Cửa Lò đầu tư làm ăn chắc chắn phát tài, thịnh vượng.
Cùng Quang Hàn leo núi Thạch Động, núi Bảng Nhãn, núi Kiếm, núi Lò, núi Cờ, hòn Song Ngư, nghe gã nhận định về thế núi nơi đây đều chầu về Cửa Lò làm bình phong che chắn, Cửa Lò dựa vào thế núi như tựa ngai. Tôi ngờ gã là thầy địa lý. Quang Hàn cười bảo: Văn hóa Việt và văn hóa Hàn Quốc có sự tương thích, tương đồng một cách kỳ lạ. Bên này lễ chùa bên kia cũng vậy. Rất nhiều khả năng những người họ Lý hiện nay ở Hàn Quốc rặt là con cháu các cụ Lý Dương Côn, Lý Long Tường cả. Gã tếu táo: Đứng trên đỉnh tháp truyền hình Seoul, ném một hòn đá xuống thì kiểu gì cũng trúng đầu 1 người họ Lý hoặc họ Kim.
Nòi giống Hồng Bàng, nên tôi không lạ khi Quang Hàn về đền Cửa thắp hương tưởng phụng Quốc Mẫu Âu Cơ, nhưng lấy làm kỳ quặc khi gã đến hành hương tất cả ngôi đền, chùa ở thị xã biển này như đền Vạn Lộc thờ Thái bảo Nguyễn Sư Hồi, chùa Phổ Am – di tích Phật giáo lâu đời nhất đất Cửa Lò, đền Nhất Diên thờ hoàng hậu triều Lê, đền Yên Lương thờ ngư ông và thần núi Lan Châu, đền Mai Bảng thờ các nhân thần và thủy thần, đền thờ Đô đốc tướng quân Phùng Phúc Kiều, đền Bàu Lói, đền Làng Hiếu với huyền thoại ngư ông… Gã tiết lộ “thiên cơ”: Mảnh đất Cửa Lò với núi non, bể sông hùng vĩ đã hun đúc, sản sinh ra rất nhiều con người kiệt xuất. Nhân tài hào kiệt ở đây phát đạt cả về hai đường văn võ lẫn ngành Y. Gã đến cầu để con trai gã cũng tài giỏi như vậy.
Quang Hàn nói đúng. Xưa Cửa Lò vốn được được xem là danh thắng Nghệ An, đi vào câu nói đầy tự hào có từ bao đời “Thanh Hóa Nho Yên, Nghệ An Vạn Lộc”, là vùng đất nhân kiệt từng được tôn vinh là nơi “Văn giành đỉnh bút/ Võ chiếm đề đao/ Nền y học chưa nơi nào sánh kịp”. Những Cương Quốc công Nguyễn Xí, Thái Bảo Nguyễn Sư Hồi, Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn, Thạch Động Phạm Nguyễn Du, Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh, Danh y Hoàng Nguyên Cát đều là những con người làm rạng danh xứ Nghệ…
Nhưng tôi nhớ Quang Hàn chưa lập gia đình nên chưa có con?
…Biết Quang Hàn mê những huyền tích, tôi kể gã nghe về ngọn núi Hoàng Lao nằm tả ngạn sông Cấm, nay thuộc xã Nghi Thiết, như con rồng nhô đầu hướng ra biển, nên thường được gọi là Long Thủ. Tại mũi rồng, sát nơi nước biển mặn mòi lại hiện diện một giếng nước ngọt, trong xanh, mát lạnh quanh năm không bao giờ cạn. Tương truyền: Giếng nước này Sát Hải Đại Vương từng uống. Ai đã từng leo lên Long Thủ, uống một hớp nước ngọt lành thì mọi việc thuận buồn xuôi gió, ngư dược long môn… Còn đối diện núi Rồng là núi Lô Sơn. Tên núi được Đại đức Thích Minh Hương – sư trụ trì Phổ Am cắt nghĩa là “cái lò lửa”. Điều này tương thích với câu thơ lâu đời được tương truyền ở vùng đất này “Lò thiên địa đúc nên nền khanh tướng”. Và tương truyền ai đến với Lô Sơn một ngày sẽ được hun đúc, thoát thai, lợi đường công danh.
Nghe kể chuyện, Quang Hàn thích thú lắm. Tôi vui mồm: “Trước mày, đã có rất nhiều nhà phong thủy đến với Cửa Lò. Họ từng thốt lên “Hồng Lĩnh chon von/Song Ngư hải khóa/Gặp được thời minh/Nhân tài đua phát”. Bây giờ Cửa Lò đã được Chính phủ công nhận là đô thị du lịch biển, được tỉnh Nghệ An xác định là 1 trong 2 trung tâm phát triển, tăng trưởng của tỉnh đó chính là “thời minh” vậy. Mày về nước bảo bạn bè sang đầu tư về Cửa Lò chắc sẽ phát to”.
Chiều nay, Quang Hàn đưa tôi về đền Vạn Lộc thắp hương, rồi lại lên thuyền du lịch lên chùa Đảo Ngư thắp hương. Gã như tâm tình, như tự sự, rồi khoe: Biết đâu tao cũng là cháu chắt của các cụ đang được thờ ở đây. Họ Lý nhà tao đã đổi sang họ Nguyễn. Ra đảo Ngư lần này là tao tạ ơn; lần trước ra đây tao xin tán được Lan, người Cửa Lò làm ở nhà hàng đó. Bữa nay, Lan đồng ý lấy tao rồi. Cưới xong, hai vợ chồng tao mua đất làm khách sạn – nhà hàng kiểu Hàn ở Cửa Lò, rồi định cư luôn cũng nên. “Phúc đức tại mẫu mà!”.
Thanh Sơn