VÀI SUY NGHĨ VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA CỬA LÒ

Đăng ngày 05/02/2019

Rất nhiều du khách khi về Cửa lò muốn tìm hiểu, khám phá bản sắc của vùng biển này. Là người hoạt động trong ngành Văn hóa Thông tin trên đất biển Cửa Lò, qua nhiều năm thâm nhập thực tế và tìm hiểu các tài liệu tôi cũng có một vài suy nghĩ về vấn đề này.

Cửa Lò – một vùng ven biển kéo dài từ cửa sông Lam đến cửa sông Cấm. Thiên nhiên đã ưu đãi và ban tặng cho xứ biển này sự thơ mộng với nhiều vẻ dẹp kỳ vỹ, có núi, có sông, có đảo, có bờ cát mộng mị, bằng phẳng, gió lộng… Chính những thế sông, thế núi, thế biển hài hòa đó đã tích tụ một vùng khí thiêng và tạo nên một nét văn hóa rất riêng của Cửa Lò.

h3

Cửa Lò là một danh thắng hấp dẫn, đó là sự hài hòa giữa thiên nhiên với thiên nhiên. Con sông Cấm phía Bắc và con sông Cả phía Nam ôm khít Cửa Lò với biển cả mênh mông. Núi và Đảo có độ cao hài hòa với lưng chừng nước biển, có bờ cát trắng dịu tương thích với màu nước biển xanh. Biển có chỗ nông, chỗ sâu. nhưng nông – sâu cũng là để tạo khoái cảm cho người tắm biển. Quanh Cửa Lò có nhiều núi đá nhỏ, mỗi ngọn núi có dáng vẻ riêng rất thơ mộng, gắn liền với những truyền thuyết và những chiến công hiển hách đi vào lịch sử dân tộc Việt nam. Nhân dân địa phương đã đặt tên cho các ngọn núi theo hình dáng của chúng như: Núi Voi, núi Rồng, núi Trống, núi Mão, núi Cờ, đảo Lan Châu, đảo Ngư, đảo Mắt (Quỳnh Nhai). Với những nét hài hòa đó đã tạo nên một Cửa Lò nên thơ, quyễn rũ.

 Người Cửa Lò là con người đặc trưng của một xứ biển. Đó là giọng nói khá độc đáo, người các nơi đến nghe khó hiểu, nhưng trong âm điệu nghe khó hiểu ấy, chứa đựng sự thật thà, chất phác đặc biệt, quen nói to “ăn sóng, nói gió”. Người Cửa Lò sống rất chân thực, giản dị, cần cù, nhẫn nại, tiết kiệm, cương trực, khảng khái, giàu lòng thương người và có đức hy sinh vì nghĩa lớn. Trong công cuộc xây dựng nền văn hiến, người Cửa lò đã tự hào là “văn dành đỉnh bút, võ chiếm đề đao, nền y học chưa nơi nào sánh kịp”. Từ xa xưa, người Cửa Lò có truyền thống hiếu học, chỉ riêng làng Vạn Lộc đã có nhiều người đậu đại khoa như: Hoàng Văn Cư đậu cử nhân năm 1903, đậu Phó bảng khoa năm 1904; họ Nguyễn cả ba cha, con, ông cháu nối tiếp nhau đậu đạt qua các triều đại: ông Nguyễn Huy Triêm đậu cử nhân năm 1819, người cha là Nguyễn Đào đậu cử nhân năm 1888 và người con là Nguyễn Huy Nhu đậu tiến sỹ năm 1916. Võ chiếm đề đao có Cương Quốc công Nguyễn Xí và con là Đô đốc trấn thủ hải môn Nguyễn Sư Hồi; Đô đốc Phùng Phúc Kiều ở làng Thu Lũng (phường Nghi Thu) thống lĩnh thủy binh, cai quản cả vùng biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh từ thời Lê Cảnh Hưng. Thầy thuốc giỏi thời xưa làng Vạn Lộc có danh y Hoàng Nguyên Cát, Thái y Hoàng Nguyên Lễ, chánh Ngự y Phạm Đức Dụ… Ngày nay người dân Cửa Lò vẫn phát huy được truyền thống của cha ông, có rất nhiều nhà khoa học, văn nghệ sỹ, tướng lĩnh nổi danh khắp nước

Văn hóa dân gian trong đời sống của người dân Cửa Lò cũng rất phong phú và đặc sắc. Có những huyền thoại, truyền thuyết và các  truyện kể ly kỳ khác đã theo Cửa Lò suốt gần 600 năm và đậu lại khắp các địa danh nổi tiếng như Lan Châu, Lô Sơn, Song Ngư, đền thờ Cương quốc công Nguyễn Xí, Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi .v..v. Trước đây, Cửa Lò hầu như làng nào cũng có công trình văn hóa tâm linh, làng nào hầu như cũng có bí quyết về nghề đi biển và chế biến đồ biển. Cửa Lò có nhiều đền, chùa nổi tiếng như đền Sát Hải, đền Mai Bảng, đền Làng Hiếu, đền Tam Tòa, đền Chính Vị, đền Vạn Lộc, đền Văn Trung, đền Thu Lũng, chùa Ngư, chùa Lô Sơn. Các đền, chùa Cửa Lò hầu hết là nơi tế lễ cầu ngư trong năm hoặc mỗi chuyến đi biển. Cho nên việc tế lễ trong các đền, chùa ở Cửa Lò cũng theo một nét riêng gắn liền với văn hóa biển. Các hình thức đồ tế khí, vật phẩm cúng tế và các thần chủ được cúng tế đều thể hiện sự khát vọng của ngư dân mong các đấng thần linh phù hộ độ trì cho việc ra khơi thuận buồm xuôi gió đánh bắt được nhiều hải sản, đời sống gia đình được bình yên no đủ. Các ý nguyện đó được thể hiện rõ trong các lễ hội truyềng thống như lễ hội đền Vạn Lộc, Lễ hội Sông nước Cửa Lò (nay là lễ hội Du lịch Cửa Lò), lễ hội Cầu Ngư (phường Nghi Hải).v..v.

Các danh lam thắng cảnh mộng mơ, các phong tục tập quán của người dân xứ biển và những nét sinh hoạt văn hóa dân gian, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên đã trở thành một nét riêng độc đáo, tạo nên bản sắc văn hóa Cửa Lò.

                                Cao Lục – PGĐ TTVHTT&TT