Theo quan niệm của Hồ Chí Minh: Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ. Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là CNXH.
Có thể nói, quan niệm của Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội chính là sự khẳng định tính chất và triển vọng của một chế độ chính trị, xã hội đầy tính nhân đạo và hiện thực, thể hiện việc vận dụng sáng tạo CN Mác-Lênin vào hoàn cảnh nước ta. Sự lựa chọn của Người dựa trên các căn cứ khách quan sau :
Dựa trên quy luật lịch sử tiến hóa của nhân loại, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa Cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”
Theo Hồ Chí Minh, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sự phát triển tất yếu của quá trình lịch sử dân tộc và sự vận động hợp quy luật khách quan của thời đại. Hồ Chí Minh chứng minh tính tất yếu đó ở 2 phương diện lý luận và thực tiễn:
Về lý luận, chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu của xã hội loài người. Người quan niệm, lịch sử xã hội loài người là một quá trình tự nhiên của sự thay thế lần lượt các phương thức sản xuất; và chế độ xã hội cũng phát triển theo xu thế đi lên, với những hình thái ngày càng cao hơn về chất. Do vậy, đã đến lúc chủ nghĩa tư bản mở đường cho sự ra đời một chế độ mới-chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là quan điểm của Đảng ta ngày nay.
Về thực tiễn: Hồ Chí Minh căn cứ vào truyền thống lịch sử của các nước Châu Á. Châu Á là nơi có những tư tưởng Chủ nghĩa xã hội sớm, những tư tưởng tiến bộ Nho giáo có những điẻm tương đồng với chủ nghĩa Mác; điều kiện kinh tế – xã hội của các nước Châu Á đó là chế độ ruộng cày, là cơ sở kinh tế cho sự cấu kết cộng đồng bền chặt. Hồ Chí Minh cho rằng, Chủ nghĩa xã hội ở Châu Á thuận lợi hơn ở Châu Âu là do sự tàn bạo của chủ nghĩa Thực dân, Đế quốc áp bức họ đến tận xương tuỷ nên việc lựa chọn Chủ nghĩa xã hội là tất yếu của cách mạng Việt Nam. Đây chính là cơ sở lý luận và thực tiễn chứ không phải là sự “cấy ghép” từ bên ngoài vào.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa xã hội là sự phát triển tất yếu không chỉ đối với các nước đã qua chủ nghĩa tư bản mà cả với các nước thuộc địa kém phát triển như Việt Nam, một nước nông nghiệp lạc hậu. Sau bao nhiêu năm lăn lộn trong đấu tranh cách mạng, từ tổng kết thực tiễn, Hồ Chí Minh đi đến kết luận: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đây là luận điểm sáng tạo lớn về lý luận của Hồ Chí Minh. Những luận điểm đó có giá trị lâu dài chỉ đạo đường lối cách mạng Việt Nam và là đóng góp quan trọng vào việc phát triển lý luận vào cách mạng vô sản thế giới. Khi nhấn mạnh mục tiêu độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh không bao giờ coi đó là mục tiêu cuối cùng của cách mạng Việt Nam. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giành độc lập để đi tới xã hội cộng sản. Độc lập dân tộc là mục tiêu cốt yếu, trực tiếp của cách mạng dân tộc dân chủ, là mục tiêu trước hết của quá trình cách mạng Việt Nam do Đảng cộng sản lãnh đạo, đồng thời là điều kiện hàng đầu, quyết định để cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chuyển sang giai đoạn kế tiếp, đó là cách mạng Chủ nghĩa xã hội. Do vậy, cách mạng dân tộc dân chủ càng triệt để thì những điều kiện tiến lên Chủ nghĩa xã hội càng được tạo ra đầy đủ.
Hơn 81 năm qua, dưới ngọn cờ tiên phong của Đảng, với niềm tin son sắt vào con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, trí tuệ và sáng tạo, chí khí và quyết tâm, liên tiếp chiến thắng các thế lực xâm lược: từ thân phận nô lệ lầm than một cổ 2 tròng, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên lật nhào chế độ thực dân, phong kiến lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mở ra kỷ nguyên tự do, độc lập và Chủ nghĩa xã hội. Và ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đang thu được những thành tựu hết sức phấn khởi: Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân ngày càng được nâng lên, vị thế của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế mang tầm vóc mới, con thuyền cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đang căng buồm, rẽ sóng vươn ra biển lớn đúng như mong ước của Bác Hồ./-