Thị xã biển Cửa Lò: Thời – Để nhớ !

Đăng ngày 25/10/2024

Nằm giữa sự bồi đắp của hai dòng sông, phía bắc là sông Cấm, phía nam là dòng Lam thơ mộng và hướng ra biển Đông, nơi có Vũng Tiên, đảo Vành Khăn, Lan Châu, Song Ngư và đảo Mắt, tên chữ là “Nhãn Sơn”, thị xã Cửa Lò luôn thể hiện sức sống mãnh liệt của người dân xứ biển:

“Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự thuở nào…”  (Huy Cận).

30 năm trước, thực hiện Nghị định số 113/NĐ-CP ngày 29/8/1994 của Chính phủ, thị trấn Cửa Lò cùng 4 xã ven biển huyện Nghi Lộc, là: Nghi Thu, Nghi Hương, Nghi Hòa, Nghi Hải và một phần diện tích đất, nhân khẩu của xã Nghi Quang (huyện Nghi Lộc), hợp thành đô thị biển và trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ và Nhân dân thị xã Cửa Lò.

Ôn lại lịch sử vùng đất đã 78 năm (tháng 2/1946), mà nay thị xã Cửa Lò hiện hữu, là địa phần thuộc 2 xã Hợp Châu và Ngư Hải (tên gọi từ tháng 4/1947), cùng hiện tượng biển lùi, để lại “chang chang cồn cát”, tách biệt làng quê với biển cả.

Như để bù lại cái oi nồng mùa hạ, buốt giá mùa đông, thiên nhiên đã ban tặng cho Cửa Lò hơn chục cây số đường biển, với hai đầu là cửa sông, đồng thời là bến cảng “cảng Lò và cảng Hội”, thông ra biển. Một vị trí địa lý hiểm yếu, với biển, đảo và núi, sông liền mạch:

“Nào dáng Lô Sơn và Giày, Mũ, Kiếm, Cờ,

Bên dòng Cấm, đền thờ vua Thục,

Đảo Vành Khăn, Vũng Tiên, Lan Châu long lanh đáy nước,

Bãi tắm Xuân Hương một thảm cát vàng…”

Đã góp phần, tạo nên “Bình minh” Cửa Lò. Đồng thời Cửa Lò là một trong những tuyến phòng thủ chiến lược quan trọng của đất nước ta. Nơi có truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng, trong kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc cực kỳ khốc liệt, nhưng vẫn hiên ngang canh trời, bám biển:

“Rằng có ai hay/ gió cuốn buồm căng/

Hòn Ngư cá nhảy/ anh thanh niên Nghi Hải/

Tung lưới, quăng chài/bám biển chiều nay/

Cá về đầy khoang…” (Tiếng hát sông Lam – Đinh Quang Hợp).

Trong hai giai đoạn lịch sử, chiến tranh và hòa bình, giai đoạn nào, người dân Cửa Lò cũng thể hiện phẩm chất cách mạng kiên cường và bất khuất. Trong chiến tranh là Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Thời hòa bình và đổi mới, nhất là từ khi thực hiện Nghị định 113/NĐ-CP của Chính phủ, Cửa Lò đã “rũ cát” đứng dậy, làm cuộc chuyển dời, từ “cát lầm, gió bụi”, dụi bỏ cảnh “sống với cát chết vùi trong cát”, để Cửa Lò “bình sinh” và Cửa Lò đã đạt “mục tiêu”.

Ngày ấy – Cửa Lò !

Vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469), niên hiệu của Hoàng đế Lê Thánh Tông (1442 – 1497), Thái úy – Đô đốc Nguyễn Sư Hồi (1444 – 1506), được Nhà Vua giao chỉ huy lực lượng thủy quân, bảo vệ vùng biển phía nam của Quốc gia Đại Việt, gồm 12 cửa biển, từ Sầm Sơn (Thanh Hóa) vào đến Cửa Tùng (tỉnh Quảng Trị).

Vị trí, mà Thái úy – Đô đốc chọn, để đặt “Đại bản doanh”, tức “căn cứ Hải binh”, là Cửa Xá (cửa sông Thượng Xá), đoạn từ đường “cái quan” (Quốc lộ 1), đổ ra biển (nay thuộc địa phần tiếp giáp các xã Nghi Quang, Nghi Hợp, Nghi Tân và Nghi Thiết), nơi có hình sông, thế núi, là núi Voi, núi Kiếm, núi Cờ, núi , núi Giày, núi … như bức tường thành, bao bọc, che chắn cho “Cửa Xá”. Với con mắt của nhà quân sự, Thái úy Nguyễn Sư Hồi đã cho xây phòng tuyến ven biển, từ mũi Gươm đến đồn tiền tiêu. Bấy giờ, tuyến phòng thủ không chỉ tác dụng chắn sóng (cuồng phong), mà Tiến sỹ Nguyễn Huy Nhu, đã đề vịnh:

“Chỉ biển long giang, muôn dặm phong lôi lừng Xá Hải”.

Vừa là bức thành (điểm tựa) phối hợp giữa Thủy binh với Bộ binh, ngăn chặn giặc Chăm đột nhập từ biển.

Ngoài sự thành công xây dựng tuyến phòng thủ, bảo vệ bình yên cuộc sống cho muôn dân tổng Thượng Xá, bảo toàn “căn cứ Hải binh”, Đô đốc Nguyễn sư Hồi, còn chiêu tập cư dân, lập làng quanh vùng, khai khẩn đắp đê ngăn mặn, truyền dạy nghề đóng tàu thuyền ra khơi, bám biển, thực hiện chính sách “Ngụ nông, ư binh”, nghĩa là: Khi biến cố, giặc dã xâm phạm cõi bờ, thì làm lính trận mạc, lúc yên bình thì làm nông, hoặc bám biển. Nhờ vậy, nên các làng Vạn Lộc (Nghi Tân), Trung Kiên (xã Nghi Thiết) thạo nghề đóng tàu thuyền, truyền đời câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Ghi ơn Thái úy, Quận công Nguyễn Sư Hồi, cư dân làng Vạn Lộc lập đề thờ tôn vinh Thái úy Quận công là vị “Thành Hoàng”, với lòng tôn kính:

“Khai cơ, lập ấp lưu đại đức/

Phò bang, bình tặc hiển anh linh”.

Nghĩa là: (Mở mang cơ nghiệp, lập làng quê, đức lớn muôn đời ghi nhớ/ Giúp nước, đuổi giặc công thành, danh toại mãi truyền lưu).

Còn vùng đất “Thượng Xá”, kể từ Thái úy, Đô đốc lập “Đại bản doanh”, mọi hoạt động qua lại khu vực, đều thực hiện theo luật nhà binh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhất là với tuyến đường sông, đoạn từ đường “cái quan” ra Cửa Xá bị cấm (ngặt). Vì thế, danh xưng “Thượng Xá” vốn xưa, lâu đời đã thành tên gọi: “cầu Cấm”, “sông Cấm”“Cửa Cấm”, là như thế.

Tiếp nối bậc Tiền Nhân Thái úy, Quận công Nguyễn Sư Hồi (làng Thượng Xá, huyện Chân Lộc). Đô đốc, Thượng tướng quân Phùng Phúc Kiều (1724 – 1792) người làng Thu Lũng, xã Hiếu Hạp, huyện Chân Lộc (nay là khối Hòa Đình, phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò), tỉnh Nghệ An.

Từ nhỏ, Phùng Phúc Kiều là người thông minh, hiếu học, lớn lên lúc chiến tranh Trịnh – Nguyễn, Phùng Phúc Kiều gia nhập đội Thủy binh. Năm 1753, được Triều Lê Dụ Tông, giao chỉ huy đạo quân thủy chiến, trấn giữ vùng biển từ Thanh Hóa đến đèo Ngang (Hà Tĩnh). Tháng 7/1762, Đô đốc Phùng Phúc Kiều chỉ huy quân binh, làm nên trận thủy chiến trên vùng biển đảo Ngư, đảo Mắt. Năm 1764, đại quân của Phùng Phúc Kiều giành thắng lợi trên cạn, giữ vững phòng tuyến Cửa Lò. Năm 1784, được Vua Lê Hiến Tông, sắc phong Thượng tướng quân Đô đốc Đô trung hầu, Tổng chỉ huy đạo quân thủy quân Đông Nam (từ Thanh Hóa vào đến Hà Tĩnh). Trong quá trình thị sát địa hình dọc theo bờ biển, thấy nhiều vùng đất bỏ hoang, Thượng tướng, Đô đốc dâng biểu, xin triều đình cho chiêu dân, lập làng ven biển Cửa Lò, làm chỗ dựa vững chắc cho đội thủy binh của mình. Năm 1792 (ngày 22/2), Đô đốc – Thượng tướng quân Phùng Phúc Kiều, tạ thế. Trên tấm bia ghi công những người lập làng tại đền Thu Lũng (phường Nghi Thu ngày nay), đã khắc ghi họ, tên Đô đốc – Thượng tướng quân Phùng Phúc Kiều, và dòng họ Phùng.

Dẫu không là người ở miền Chân Lộc “Cửa Lò”, nhưng Đinh Bạt Tụy (1516 – 1589), một khai Quốc công thần thời Lê Trung hưng (1533 – 1789), sinh năm Bính Tý (1516), tại thôn Bùi Ngõa, xã Bùi Khổng, Tổng Anh Đô (nay là xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên), tỉnh Nghệ An. Đỗ đầu khoa thi đình (đệ nhất giáp, đệ nhất danh), Chế khoa Giáp Dần, năm Thuận Bình thứ 6 (1554), Triều Vua Lê Hy Tông (3/1548 – 1/1556). Được các triều tôn xưng hàm, tước cao quý, là “Dực vận tán trị công thần; Binh bộ Thượng thư, kiêm Đông các Đại học sĩ. “… Trụ quốc Thượng trật, Thái bảo khê Quận công; Đinh tướng công… Thượng đẳng phúc thần Đại vương v.v…”.

Trong khoảng (từ 1570 – 1583), quân nhà Mạc đã 13 lần tấn công vào Thanh Hóa – Nghệ An (chủ yếu theo hướng biển), gây tang thương, hoang tàn, đói khổ. Trước tình cảnh đó, vào năm Tân Mùi (1571), Đinh Bạt Tụy được Nhà Vua giao đốc chiến mặt trận Nghệ An,  kéo quân về cửa biển Đan Nhai – Hội Thống (Cửa Hội), giáp chiến với quân nhà Mạc, giữ vững phòng tuyến Cửa Lò, giải vây đảo Ngư, đảo Mắt, chặn đường tiến của địch qua Truông Hến, lên Nam Đàn hội quân, rồi vòng về Hưng Nguyên (Tổng Anh Đô), vây hãm Lam Thành (trấn lỵ) Nghệ An. Kết cuộc, nghĩa quân của Lại Quận công Đinh Bạt Tụy, đã kịch chiến quân Mạc, tại :

“Cửa Hội Thống, đại binh tiền tuyến/

Đồn Mũi Roi, Truông Hến xông pha”

Làm thất bại âm mưu chiếm “phòng thủ” Cửa Lò, làm bàn đạp, tấn công chiếm cứ Nghệ An hướng gọng kìm theo tuyến đường thủy, từ Cửa Hội, ngược dòng Lam, cùng với hướng đường bộ (Truông Hến – Nam Đàn) hội quân, tiêu diệt “Lam Thành” chiếm trọn trấn Nghệ An. Không ngờ bị “Đại binh” của Đinh Bạt Tụy, tiễu trừ.

Năm Nhâm Thân (1572) tiếp tục thắng trận, Đinh tướng công được vinh thăng Hộ bộ Tả thị lang; tiếp đến năm Bính Tý (1576), chiến thắng quân Mạc tại núi Mũi Lòi, xã Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang), huyện Nam Đàn. Kế tiếp những chiến công sau đó, tới năm Quang Hưng thứ 8 (1588), Lại Quận công, được Triều đình tôn thăng chức Binh bộ Thượng thư.

Từ năm 1588, nhà Mạc suy yếu, không dám tấn công vào Nghệ An. Binh bộ Thượng thư Đinh Bạt Tụy, được giao hộ giá Vua Lê Thế Tông, hành binh đánh trận quyết định ở Đông Kinh (kinh thành Vua Lê), nhưng Đinh Tướng Công trọng bệnh, qua đời (tháng 4/1889) ở tuổi 74.

Đối với Triều Lê Trung Hưng, Đinh tướng công (Đinh Bạt Tụy) không những là Đại công Thần, một tôi trung, người được mệnh danh là “văn chương, đức nghiệp” vào hàng tôn soái đương thời. Ngoài việc chính sự Triều đình, Đinh Bạt Tụy còn quan tâm chăm lo đời sống dân lành.

 Với “Cửa Lò”, là “quê hương nghĩa trọng, tình sâu”, mà Danh sĩ Nho học, Nhà giáo dục học Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhu (1887 – 1962), người làng Vạn Lộc, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc, phủ Hưng Nguyên (nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò), tỉnh Nghệ An, đã cảm xúc, đề thơ gửi hậu thế:

“Dạo gót thử trông xem, kìa Ngư thuỷ, nọ Lô Sơn, vui thú đâu hơn quê quán cũ/

Cầm tay xin nhắc lại, kẻ Lan tôn, người Quế tử, vun trồng luôn nhớ cội cành xưa”.

Thật khó có lời nào cao hơn, chân thành, sâu sắc hơn tuyệt bút của vị Giáo thụ – Hàn lâm Viện Tu soạn, Đốc học phủ Quảng Ninh với quê hương “Cửa Lò” như vị Tam giáp đồng Tiến sĩ.

Ngày nay, các thế hệ tiếp nối, mỗi khi về với biển Cửa Lò, ra đảo Lan Châu, thượng lầu “nghinh phong” từ Vua Bảo Đại, chiêm ngưỡng danh thắng, cảnh sắc non, biển “Cửa Lò”, chúng ta càng thấm câu:

“Chỉ biển Long giang, muôn dặm phong lôi lừng Xá Hải/

Đề tên thanh sử, thiên niên hương hỏa rạng Lô Sơn”.

Của vị Danh sĩ Nho học đương thời.

Thời để nhớ !

Kể từ 29 tháng 8 năm ấy, đến mùa Thu 2024, tròn 30 năm. Qua 6 nhiệm kỳ của Đảng bộ, Chính quyền với bao nỗ lực liên tục của mấy thế hệ cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, đã tạo dựng nên cơ sở tin cậy của ngày hôm nay, là thị xã biển Cửa Lò.

 Gắn liền với chặng đường xây dựng và phát triển của thị xã, hòa mình trong những khó khăn của tỉnh nhà, của đất nước. trong 3 thập kỉ đó, có 4 năm, Thị ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và các cơ quan của thị xã, đã 3 lần di chuyển địa điểm. Dấu chân cán bộ, nhân viên từng in đậm trên nền nhà điều dưỡng của ngành xây dựng, tiếp đến nhà cấp 4 khu vực khách sạn Hạ Long, Trang Hoa Viên hiện nay, cuối năm 1998, mới có trụ sở làm việc chính thức. Trong những năm thuê mướn, ở nhờ “bàn ghép, phòng chung cùng nhau làm việc”, nhưng ở đó, hàng ngày công việc từ phường đến thị lên tỉnh đều thông suốt, cho dù đường đi, nơi đến ngập tràn lối cát. Do vậy, mà cư dân không mấy mặn mà với vùng đất “4 chưa” (chưa có nhà máy điện; chưa có trường cấp 3 (THPT); chưa bệnh viện và chưa có nghĩa trang). Cơ sở hạ tầng, duy nhất con đường nhựa ven biển nối cảng Cửa Hội tới cảng Cửa Lò, và hơn chục khách sạn, thực chất là nhà khách và nhà nghỉ dưỡng của các ngành xây dựng, giao thông, công đoàn v.v… Với doanh thu khoảng 22 tỉ đồng/năm. Đối với nghề nông, ngư nghiệp sản lượng, năng suất thấp, nguồn thu ngân sách cũng chỉ đạt 2 tỉ đồng. Nên trong bảng xếp hạng nguồn thu hàng năm của tỉnh, Cửa Lò được liệt vào danh sách Top cuối.

 Qua 30 năm phấn đấu, phát triển cùng với thành phố Vinh, Cửa Lò là một trong 3 cực tăng trưởng trọng điểm, của Nghệ An. Giá trị sản xuất tăng gấp 46 lần, so với năm 1994, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 82 lần. Tổng thu ngân sách dự kiến gần 800 tỉ/năm 2024.

Đến với Cửa Lò đô thị biển, chúng ta không còn phải lo thiếu chỗ nghỉ, mặc dầu con số 5 triệu lượt du khách/năm 2024; bởi Cửa Lò đã có 297 khách sạn, với trên 11.600 phòng, phục vụ hơn 30 ngàn khách/ngày/đêm, có tổng doanh thu hơn 5 nghìn tỉ đồng.

Có lẽ điều cần nhìn nhận lại trước hết sau chặng đường “hành quân” từ 30 năm của một đô thị biển như “Cửa Lò”, đó là đội ngũ cấp ủy, hạt nhân là “Ban Thường vụ”, yếu tố quyết định đối với sự phát triển bền vững của một đô thị du lịch văn minh, hiện đại, vừa là cực tăng trưởng cao của tỉnh Nghệ An. Sau 30 năm xây dựng và phát triển, chúng ta có một “Cửa Lò”, đô thị du lịch, có hệ thống đường giao thông hiện đại, kết nối thị xã với các vùng, miền khác nhau với 200 km, trong đó có 100 cây số đường nhựa, còn lại là đường bê tông, có nhà thi đấu thể thao, bệnh viện, trường học các cấp (trong đó có 2 trường trung học phổ thông), sân Golf, cảng quốc tế Cửa Lò, khu vui chơi giải trí Vinwonders, cùng hệ thống cáp treo đảo Ngư – Cửa Hội, Vinpearl Cửa Hội, quảng trường Bình Minh,… đời sống Nhân dân được nâng cao, đói nghèo giảm, văn minh đô thị phát triển nhanh.

default

Tựu trung, thị xã Cửa Lò đã đạt được những thành tựu lớn, từ những xóm chài ven biển, đến làng quê đói nghèo, nay trở thành một trong những vùng phát triển nhanh nhất của tỉnh Nghệ An. Đó là ước nguyện ngàn đời của người dân xứ biển, để được:

 “Đón người về Cửa Lò  Bình Minh/

Về nơi đây ! Nơi ngọn nguồn sóng vỗ/

Về nơi đây ! Với bao điều gợi mở/

Ơi Cửa Lò – tình biển và thơ…”

                              

Cửa Lò – Mùa thu  (Tháng 9/2024)

Lê Thanh Long – Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã Cửa Lò