Đền Cờn nằm ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu được xây dựng vào năm 1235 – đời nhà trần. Đền thờ Đức Thánh Mẫu – tứ vị thánh nương là nữ thần bảo vệ và phù hộ cho nhân dân làm ăn thịnh vượng, giúp quan quân vượt biển bình an. Đây là một trong 4 ngôi đền linh thiêng nhất của xứ nghệ, nằm sát cửa biển Lạch Cờn. Lễ hội được mở đầu bằng những đoàn thuyền du xuân trang trí cờ hoa, trống chiêng âm vang, chạy dọc theo sông Mai Giang và tổ chức lễ rước trên biển từ đền Cờn ngoài đến đền Cờn trong. Tiếp đến là đoàn rước trên bộ cũng sẽ rước từ đền Cờn Ngoài ra làm lễ cầu ngư trên bờ biển giáp xã Quỳnh Liên, sau đó rước về đền Cờn trong. Lễ hội còn có tục chạy ói là nét riêng của hội đền Cờn. Với những nét văn hoá đặc sắc ít nơi có được, lễ hội đền Cờn hàng năm đều thu hút rất đông nhân dân đến tham quan, chiêm bái và cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp.
Đặc biệt, với phong cảnh hữu tình, kiến trúc đồ sộ, nhiều mảng chạm khắc đề tài “Tứ Linh tứ quý” nên đền Cờn nổi tiếng là đẹp và linh thiêng nhất xứ Nghệ. Vì vậy đến với lễ hội Đền Cờn du khách còn được đắm mình trong cái không gian thiêng, cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm hơn. Đặc biệt mấy năm trở lại đây, lễ hội Đền Cờn còn được gắn với khai trương du lịch biển Quỳnh nên càng trở nên sôi nổi, náo nức hơn. Khách thập phương các nơi đến với hội Đền Cờn không chỉ hiểu hơn về văn hoá tâm linh, cầu mong mọi điều may mắn, bình an mà còn được biết thêm về cảnh đẹp và những nét văn hoá riêng của đất Quỳnh.
Lễ hội Đền Cờn diễn ra trong 2 ngày 20 và 21 tháng giêng âm lịch. Như mọi lễ hội khác, lễ hội đền Cờn là lễ hội nông nghiệp, trong đó cầu Ngư là chủ yếu. Ngoài phần lễ bao gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ khai hội – lễ mới, lễ đại tế và lễ tạ, phần hội năm nay cũng được diễn ra hết sức sôi nổi với các trò chơi dân gian phong phú như kéo co, bóng chuyền, đập trạch, chọi gà, cờ thẻ… và đặc biệt là tổ chức giải đua thuyền trên sông Mai Giang với sự tham gia của những ngư dân khoẻ mạnh, vững tay lái, chắc tay chèo nhất đến từ các xã vùng biển trong huyện. Tất cả những hoạt động tại lễ hội Đền Cờn với phần lễ và phần hội kết hợp với nhau đã tạo nên những nét văn hoá độc đáo riêng của vùng. Ông Hồ Ngọc Dũng – Phó chủ tịch UBND huyện, trưởng ban tổ chức lễ hội đền Cờn cho biết thêm: Lễ hội Đền Cơn hàng năm gắn với khai trương du lịch 2012 vừa bảo tồn giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, vừa quảng bá với du khách trong mọi miền đất nước và thế giới về con người, quê hương của Quỳnh Lưu. Trong những năm tới, Quỳnh Lưu sẽ tiếp tục tăng cường để quảng bá thông qua các lễ hội hàng năm. Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, các nhà hàng dịch vụ, nhất là quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Với tiềm năng, với lợi thế chắc chắn Quỳnh Lưu sẽ là điểm hẹn và điểm đến để cho khách thập phương tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng.
Việc tổ chức và duy trì các hoạt động lễ hội tại đền Cờn không chỉ giúp người dân được thưởng thức, lưu giữ những nét văn hoá, nghệ thuật dân gian, những loại hình trò chơi do tổ tiên để lại mà còn giúp huyện Quỳnh Lưu quảng bá hình ảnh, giao lưu văn hoá với các địa phương khác và phát triển ngành du lịch của địa phương.
Theo: Minh Hằng (Truyền hình Nghệ An)