Từ lâu rồi, tặng quà đã trở thành một truyền thống xã hội được chấp nhận cả trong việc làm ăn ở mọi nước. Nhưng nên tìm hiểu về phong tục, tập quán của địa phương nơi bạn mới lần đầu đến du lịch, thương thảo; vì không may món quà bạn tặng chủ nhà, đối tác lại bị xem không khác gì một “món quà tẩm độc”. Thậm chí cách gói và trao món quà cũng chẳng phải là “chuyện nhỏ”.
Ở Nhật và Trung Quốc, đừng bao giờ dùng giấy màu trắng để gói quà vì đó là màu của sự chết. Người Hoa không tặng nhau quà gói bằng giấy màu đen, màu xanh dương vì hai màu này chỉ dùng trong lễ tang. Phải tránh dùng mực đỏ in danh thiếp, tin nhắn, thiệp chúc vì theo người Trung Quốc màu đỏ tượng trưng cho sự chết và sự cắt đứt mối quan hệ. Và cũng không nên chọn làm quà những vật nhọn, sắc bén như dao, kéo, lưỡi thép không gỉ (bạc, ngà, gỗ, plastic…) dùng rọc giấy, kim và cả những vật dụng mang hình ảnh “gai góc”, chẳng hạn như cái lược, bàn chải.
Tại hai nước châu Á này, món quà phải được trao bằng cả hai tay và ở lúc kết thúc cuộc gặp.
Bà Terri Morrison và ông Wayne A. Conway, đồng tác giả cuốn cẩm nang dành cho du lịch và làm ăn ở châu Âu khuyên chúng ta nên thận trọng khi chọn cây kiểng và hoa làm quà tặng, vì nhiều nước này liên kết từng loại hoa với tang tóc, nấm mồ.
Người Đức không bao giờ tặng nhau hoa thạch thảo vì hoa này thường dùng đặt lên nấm mồ, mang vào nhà là mang theo sự xui xẻo. Người Pháp và người Tây Ban Nha dùng hoa cúc trắng khi gửi lời chia buồn đến gia đình người quen có người qua đời. Mọi loại hoa màu vàng đều được xem là đại diện cho sự thiếu thuỷ chung nên phải tránh tặng chúng cho phụ nữ Pháp, còn ở Mexico, chúng tượng trưng cho sự chết.
Khi du lịch và làm ăn ở các nước Nam Mỹ, tặng quà cho khách, đối tác là việc làm không thể nào quên; nhưng tuyệt đối không tặng dao, kéo (cắt đứt quan hệ), khăn tay (chuyện buồn khiến phải khóc), hình tượng voi (bằng gỗ, ngà, tranh sơn dầu, thảm dệt… vì ở Nam Mỹ có cả một kho tàng truyền thuyết dân gian về loài động vật này). Và không gói quà với giấy màu đen, màu tím là hai màu mà tín hữu Kytô giáo Nam Mỹ rất quen dùng khi cử hành các nghi thức tôn giáo trong Tuần thánh (trước Chủ nhật Phục sinh).
Rượu mạnh, thịt heo và tất cả những gì sản xuất ra từ heo đều không được sử dụng làm quà trong giao tiếp, thương thảo làm ăn với người theo Hồi giáo. Khi trao quà cho người Hồi giáo, nhớ đưa bằng tay phải!
Có những tổ chức quốc tế, chính quyền, công ty có những quy định rất cụ thể về chế độ tặng và nhận quà. Làm ăn với người Mỹ nên chú ý khi chọn quà tặng, vì món quà có giá trị lớn có thể khiến người nhận quà phải khai báo thêm về khoản thuế thu nhập!.
Theo: Nguồn tin: Theo SGTT