(Baonghean.vn) – Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.
Chợ rạng đông ở làng chài Nghi Thủy
5h sáng, ánh sáng còn chưa rõ mặt người, mặt trời còn chưa kịp nhô lên từ phía biển thì những chuyến tàu đánh bắt xa bờ, gần bờ cũng vừa cập bến. Những chiếc thuyền mang theo cá, ghẹ, mực, tôm, cua tươi roi rói. Trên bến, hàng trăm người với rổ, rá, sọt nhựa, quang gánh, xe đẩy đã chờ sẵn.
Khi tiếng máy của thuyền vừa dứt, họ nhanh chân túa xuống cảng. Ai vào việc người nấy. Chiếc thang sắt làm tời được kéo ra, vài người nhanh nhẹn lên thuyền, đong hải sản vào rổ, vào sọt và đẩy xuống đường tời. Phía dưới, những người khác thoăn thoắt chuyền hải sản lên bờ. Những rổ cá thu, cá nục, cá đốm, bạc má tươi xanh lấp lánh, những con tôm tít đang búng càng tanh tách, những con tôm vằn, tôm sắt mắt hãy còn hấp háy… vừa đặt xuống đã có hàng chục người vây quanh, chọn lựa, ngã giá, theo chân thương lái lên chợ.
Trải nghiệm nhịp lao động của ngư dân, du khách như hòa mình vào không khí khẩn trương, tất bật; được tiếp thêm năng lượng từ tiếng cười giòn tan, ánh mắt lấp lánh niềm vui của họ sau mỗi chuyến biển cập bờ.
Chợ bến cá Nghi Thủy bắt đầu họp khi trời chưa sáng, mới nắng non đã tan. Du khách muốn trải nghiệm phải đến chợ khá sớm. Dẫu hơi “trái múi giờ” nhưng mùa du lịch, từ độ cuối tháng Ba đến tháng Bảy, sáng nào, chợ cũng nhộn nhịp du khách.
Chị Nguyễn Bảo Trâm- một người dẫn đoàn của một công ty du lịch đến từ Phú Thọ cho biết: “Đoàn khách nào đến Cửa Lò cũng được chúng tôi giới thiệu về điểm trải nghiệm là bến cá và chợ bến cá. Hầu hết khách đều rất hào hứng và trong những ngày lưu lại Cửa Lò đều sắp xếp để đến chợ bến cá tham quan, trải nghiệm. Cũng nhờ những điểm đến này, mà ngoài nghỉ dưỡng, tắm biển, thưởng thức hải sản thì du khách có thêm những trải nghiệm thú vị”.
Để phục vụ khách du lịch, những năm qua, thị xã Cửa Lò cũng như phường Nghi Thủy đã đầu tư nâng cấp các hạng mục ở cảng cá, chợ bến cá: hệ thống mương thoát nước, xây dựng thêm ki-ốt, gian hàng; lắp đặt thùng rác, điện chiếu sáng…
Đặc biệt, ngư dân cũng như tiểu thương ở chợ bến cá, ngoài giữ nét chân chất, hồn hậu của người dân làng biển thì cũng được tập huấn, nâng cao ý thức văn minh lịch sự trong phục vụ du lịch. Đó là không “hét giá”, không chèo kéo khách, bán hải sản tươi ngon, phục vụ khách tận tình, chu đáo… Nhờ đó, lượng du khách tìm đến chợ bến cá để khám phá ngày càng đông.
Anh Nguyễn Cường – Trưởng ban Quản lý chợ bến cá cho biết: “Chợ hoạt động tất cả các ngày trong năm, nhưng nhộn nhịp nhất là vào mùa cao điểm du lịch. Khách đến đây, ngoài tận tay lựa chọn hải sản tươi sống để thưởng thức, làm quà cho người thân thì còn là để trải nghiệm nhịp sống làng chài. Mỗi ngày, chợ đón hàng trăm lượt khách đến khám phá, trải nghiệm”.
Cũng nhờ thế, ngư dân và tiểu thương ở chợ bến cá có thêm nguồn thu nhập. “Họ đến tham quan, đến chơi, đến chụp ảnh. Nhìn thấy hải sản tươi ngon, giá cả phải chăng nên mua làm quà rất nhiều. Ngoài bán được hải sản thì các dịch vụ như: bán đá lạnh, bán thùng xốp, đóng gói, vận chuyển, xe điện… đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương”, ông Nguyễn Tiến Lợi – Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Thủy cho biết.
Kéo rùng, gỡ lưới cùng ngư dân
Vừa tham gia gỡ lưới cùng ngư dân trên chuyến mủng đầu ngày, chị Phan Kim Liên – một du khách đến từ Huế vừa livestream bằng điện thoại. “Hiện Liên đang ở bãi biển Cửa Lò, phía đảo Lan Châu. Ngư dân vừa trở về sau một đêm lênh đênh trên biển bằng chiếc thuyền mủng này. Tôm, cá, cua, ghẹ đang mắc vào mắt lưới. Người dân gỡ nó ra, cho vào chậu và bán ngay cho du khách tại bãi.
Dù đã đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều, khám phá nhiều song cùng ngư dân gỡ lưới, tự tay chọn cho mình mớ tôm, mớ cá mình ưa, tự mình mặc cả, đưa vào nhà hàng thuê họ chế biến và thưởng thức, quả thật rất thú vị”, chất giọng con gái Huế nhẹ nhàng, từ tốn khiến những người xung quanh đổ dồn chú ý. Cũng nhờ những người như chị Liên, đến trải nghiệm và lan tỏa nên càng ngày, càng nhiều người biết đến nghề đi mủng của ngư dân các phường Nghi Thu, Thu Thủy, Nghi Thủy.
Không phải dậy quá sớm để đi chợ bến cá, tầm 8h, thuyền mủng của ngư dân các phường mới trở về sau chuyến đánh bắt ban đêm, du khách có thể tham gia gỡ lưới cùng ngư dân, mua hải sản tươi sống. “Đánh bắt gần bờ nên đi nhanh, về nhanh. 2-3h sáng ra khơi thì 7-8h sáng đã cập bờ. Hải sản còn tươi sống, không qua ướp đá, không đông lạnh nên du khách chuộng lắm”, ông Nguyễn Hữu Sáng – lão ngư ở phường Thu Thủy cho biết.
Theo số liệu thống kê từ Phòng Kinh tế thị xã Cửa Lò, hiện toàn thị xã có khoảng 300 thuyền mủng đăng ký hoạt động. Trong đó, chủ yếu tập trung ở các phường Thu Thủy (139 thuyền), Nghi Thủy (70 thuyền), Nghi Tân (30 thuyền)…
Nghề đi mủng dù thu nhập không cao như đánh bắt xa bờ song vốn bỏ ra ít, đi về trong ngày nên đến nay vẫn là kế mưu sinh của nhiều người ở thị xã Cửa Lò. Ngoài đánh bắt hải sản thì nghề đi mủng còn làm phong phú thêm văn hóa làng chài, du khách rất ưa chuộng khi mỗi sáng mai dạo biển được xem ngư dân gỡ lưới, mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền mủng vừa cập bến.
Đến Cửa Lò, du khách cũng khá thích thú khi được chứng kiến cảnh kéo lưới rùng trên bãi biển vào mỗi sáng mai. Đây là cách khai thác hải sản gần bờ, thường kéo dài từ tháng Giêng đến tháng Chín âm lịch, quãng thời gian biển lặng. Mỗi tổ kéo lưới rùng có khoảng 13-15 người. Sau khi thả lưới, cả chục người oằn lưng, hai bàn chân bấm sâu xuống cát, khom lưng đi giật lùi để kéo rê hai đầu lưới từ biển vào bờ. Du khách đang tắm hay dạo bộ dọc bờ biển thích thú chung tay kéo, cùng gỡ lưới, cùng reo lên với niềm vui khi những mẻ rùng nặng cá, tôm.
“Theo tôi tìm hiểu thì được biết, kéo rùng đòi hỏi sức mạnh tập thể, sự đoàn kết và hiểu ý nhau. Do đó, những du khách như chúng tôi rất lấy làm thích thú với trải nghiệm này. Hiện nay, chỉ một số địa phương miền biển còn duy trì hình thức khai thác này. Theo tôi, nếu biết cách khai thác nghề kéo lưới rùng thành một dịch vụ trải nghiệm thì ngư dân sẽ có thêm thu nhập; nghề truyền thống của cha ông sẽ được lưu giữ…”, ông Hoàng Ngọc Hòa – một du khách đến từ Thanh Hóa cho biết.
Nguồn: Thanh Phúc – Báo Nghệ An