(Baonghean) – Quỳ Châu là huyện miền núi cao có nhiều hang động, đồi núi, di tích danh thắng, di tích lịch sử, với các sản phẩm quý từ rừng… Đến với Quỳ Châu, du khách sẽ được trải nghiệm một không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ…
Hang Bua (Quỳ Châu). Ảnh: Sỹ Minh |
– Hang Bua là di tích danh thắng có nguồn gốc lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành bản mường của đồng bào Thái Mường Chiêng Ngam. Nơi đây còn lưu giữ các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Thái. Lễ hội Hang Bua hàng năm được tổ chức với quy mô hoành tráng và có nhiều nét mới. Thông qua lễ hội nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa nhân văn, các làn điệu dân ca, dân nhạc và dân vũ, những trò chơi dân gian truyền thống. Đồng thời các môn thể thao hiện đại đã tạo nên một Lễ hội Hang Bua đặc sắc. Những năm gần đây, Lễ hội Hang Bua tiếp tục có nhiều khởi sắc và nhiều nét mới trong tổ chức, tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia và sáng tạo văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân và du khách gần xa.
Khu trưng bày nhạc cụ truyền thống các dân tộc tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu. Ảnh: Thành Duy |
– Nhà Bảo tàng Văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu là một trong những di sản, công trình nghệ thuật văn hóa của huyện Quỳ Châu nói riêng và đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung. Tại đây, đang lưu giữ 493 hiện vật mang đậm bản sắc văn hóa cũng như quá trình hình thành và phát triển của đồng bào các dân tộc. Hiện nay, Bảo tàng đã được nâng cấp, cải tạo, trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan và nghiên cứu khoa học, và là giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
– Hang Thẳm Ồm ở xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu là một di chỉ khảo cổ quan trọng bậc nhất ở Việt Nam, nơi đầu tiên phát hiện được di cốt răng hóa thạch của người vượn, có kèm theo công cụ lao động. Hiện nay, Thẳm Ồm là một thắng cảnh rất đẹp, hàng năm thu hút nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, nghiên cứu khoa học. Hang cao ráo, thông khí, thoáng đãng. Càng vào sâu, hang càng rộng, chia làm nhiều ngách, nhánh tạo mê cung hấp dẫn. Trần hang là vô vàn thạch nhũ, xung quanh là những lớp trầm tích màu đỏ, màu vàng xếp lớp tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ, huyền ảo. Đi vào sâu, có khá nhiều dòng suối ngầm, lộ thiên chảy qua, tạo nên những trảng cát phẳng mịn. Thẳm Ồm không hề lạnh lẽo mà ấm áp hơi người, có rất nhiều trai gái trong vùng đã mượn nơi đây là nơi hẹn hò, tự tình, thề nguyện kết đôi, xây dựng hạnh phúc trăm năm.
Dệt thổ cẩm ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu). Ảnh: Đặng Cường |
– Làng Thái cổ Hoa Tiến thuộc xã Châu Tiến, được coi là cái nôi dệt, thêu thổ cẩm của đồng bào Thái huyện Quỳ Châu. Để có một sản phẩm dệt thổ cẩm đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công nên đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người phụ nữ. Sản phẩm dệt thổ cẩm của bà con bản Hoa Tiến rất đa dạng, từ thổ cẩm tấm, quần áo, ga trải gường, khăn trải bàn cho đến những chiếc cặp, ví, cà vạt, khăn quàng cổ, khăn đội đầu với những nét văn hóa tinh tế và độc đáo. Đặc biệt, sản phẩm thổ cẩm của Hoa Tiến được nhuộm bằng chất liệu từ các loại cây rừng nên có màu sắc tự nhiên, không giống với bất kỳ sản phẩm thổ cẩm của các vùng, miền khác. Do đó thổ cẩm Hoa Tiến rất được du khách ưa chuộng, nhất là khách du lịch quốc tế.
Cọn nước Châu Tiến, Quỳ Châu. Ảnh: Trần Tố |
– Cụm di tích Mộ, Cây táo và Bia tưởng niệm Đốc binh Lang Văn Thiết thuộc các xã Châu Hội, Châu Nga: Đây là cụm di tích lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử. Cụm di tích này trong những năm qua đã được đầu tư tôn tạo như việc mở rộng khuôn viên phần mộ Đốc binh Lang Văn Thiết ở xã Châu Nga. Đây là điểm du lịch hấp dẫn cũng như giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ.
Thanh Thủy – Thu Hương
Theo Baonghean.vn