Cửa Lò là cửa biển nằm trên địa bàn TP.Vinh, tỉnh Nghệ An, cách trung tâm thành phố 16 km về phía đông bắc. Đây là nơi sông Cấm (ở phía bắc) và sông Lam (ở phía nam) đổ ra biển lớn.
Tại khu vực biển Cửa Lò có 3 hòn đảo, trong đó đảo Lan Châu nằm sát bờ; cách xa bờ là đảo Mắt và đảo Ngư (Song Ngư).
Đảo Lan Châu có hình dáng tựa một con cóc khổng lồ nhoài ra biển nên dân gian gọi là Rú Cóc. Khi triều dâng, chân đảo chìm dưới mặt nước biển, khi triều xuống, hòn đảo trở thành bán đảo vì chân đảo phía tây bày ra, nối với đất liền. Phía đông hòn đảo là lô nhô hòn đá nổi trải dài ra phía biển, tạo hình thù kỳ thú do sự xâm thực của gió và sóng. Trên đảo Lan Châu có ngọn hải đăng, đặc biệt là lầu Nghinh Phong được vua Bảo Đại cho xây từ năm 1936. Từ lầu Nghinh Phong vừa có thể quan sát toàn cảnh thành phố và cảng Cửa Lò, vừa phóng tầm mắt nhìn ra biển cả bao la.
Khu vực Cửa Lò đầu thế kỷ 20 – Ảnh: Tư liệu
Song Ngư (đảo Ngư, hòn Ngư) là hòn đảo nằm cách đất liền hơn 4 km, gồm hòn lớn và nhỏ. Hòn lớn cao 133 m, hòn nhỏ cao 88 m so với mặt nước biển. Trên đảo có ngôi chùa mang tên Song Ngư xây dựng từ thế kỷ 13. Từ xưa thương nhân trên đường buôn bán, xuôi ngược hải trình thường vào đây thắp hương, cầu xin điều may mắn. Trải qua thời gian, chùa chỉ còn lại một số dấu tích xưa như hai cây lộc vừng hàng trăm năm tuổi, giếng chùa, nền chùa. Năm 2005, chùa Song Ngư được phục hồi, tôn tạo trên nền cũ, diện tích vườn chùa hơn 11.000 m2. Ở sân chùa có một giếng nước, dân địa phương gọi là “giếng Thần”, đây là nơi duy nhất trên đảo có nước ngọt. Giếng không sâu nhưng nước rất trong, ngọt và không bao giờ cạn. Năm 2011 chùa Song Ngư được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đảo Song Ngư – Ảnh: Lê Thanh Từ
Đảo Mắt (Nhãn Sơn, đảo Hòn Mắt) nằm cách cửa sông Lam khoảng 19 km về phía tây – tây nam, diện tích 80 ha, đường bờ biển bao quanh dài 5 km. Đảo có độ dốc lớn, điểm cao nhất là 218 m so với mực nước biển. Truyền thuyết Nàng Tố Nương kể: Ngày ấy có người con gái quê ở vùng An Lạc (Sơn Tây) tên là Tố Nương cùng người chồng quê ở Hàm Hoan (nay là xứ Nghệ An) là tướng lĩnh của Hai Bà Trưng. Khi cuộc khởi nghĩa bị Mã Viện đàn áp, vợ chồng lưu lạc mỗi người một nơi. Tố Nương quyết định dong buồm về Hàm Hoan tìm chồng. Gần đến nơi, không may thuyền bị cơn bão thổi dạt vào một đảo hoang. Không còn sức lực và phương tiện để vào đất liền tìm chồng, Tố Nương đành phải ở lại trên đảo, ngày đêm chong mắt nhớ nhung nhìn vào miền quê của đấng phu quân. Đảo Mắt – Nhãn Sơn có tên từ đó.
Phong cảnh Cửa Lò – Ảnh: Lê Thanh Từ
Theo người dân địa phương, tên gọi “Cửa Lò” là nói chệch đi của tên gọi “Cửa Lùa”. Đoạn sông Cấm (sông Lạch Lò) chảy ra biển lọt vào giữa hai dãy núi: phía bắc là dãy núi nằm trên xã Nghi Thiết; phía nam là núi Lô (Lô Sơn) thuộc hai phường Nghi Tân và Nghi Thủy. Gió từ ngoài biển thổi vào cũng như gió từ đất liền thổi ra biển khiến nơi đây như một cửa gió lùa theo hai hướng ra – vào, nên gọi là”Cửa Gió Lùa”, nói gọn là “Cửa Lùa”, rồi thành tên “Cửa Lò” như ngày nay.
Nhà văn – nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc (1914 – 1987), trong cuốn Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (NXB Xuân Thu, 1971), cho rằng “Cửa Lò” là địa danh gốc Malayo – Polynedieng. Trong ngôn ngữ của nhóm cư dân này, có từ “kuala” mang khái niệm tương tự “cửa sông” để chỉ nơi con sông đổ ra biển hay nơi một con sông nhỏ chảy vào một con sông lớn. Từ kuala/kualo với nghĩa là cửa sông (danh từ chung) chuyển thành danh từ riêng, và rồi địa danh hóa thành Cửa Lò.
Bãi tắm Cửa Lò – Ảnh: Lê Thanh Từ
Nhiều tài liệu nghiên cứu về địa chất, khảo cổ cho thấy vùng biển Cửa Lò vốn ăn sâu vào đất liền. Trong một số cuộc khai quật thăm dò, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mỏ than bùn và một chiếc mỏ neo của thuyền đi biển có niên đại rất cổ nằm sâu dưới lòng đất. Điều này cho thấy cả một vùng bãi cát khá rộng, kéo dài từ bắc vào nam, thuộc H.Nghi Lộc ngày nay, vốn là vùng biển từ thuở xa xưa.
Nguồn: Lê Hồng Khánh – Báo Thanh niên