Phụ nữ với năng lực và phẩm hạnh của mình tạo nên một vai trò quan trọng trong xã hội, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã khen tặng một cách vẻ vang “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”. Đại diện cho người phụ nữ thấy khó khăn vất vả chẳng ngại chi, tần tảo nuôi con và san sẻ gánh nặng, khó khăn cùng chồng, đó là chị Hoàng Thị Nhân, chủ cơ sở làm bánh đa tại khối Bắc Hải, phường Nghi Thu, Thị xã Cửa Lò.
Cảnh tượng đầu tiên khi bước tới nhà chị là mọi người đang tất bật bên những công việc quen thuộc hàng ngày của mình. Niềm nở, vui tươi chào đón chúng tôi khi bàn tay chị vẫn thoăn thoắt trở những chiếc bánh đa trên những chiếc xìa phơi. Bánh đa là một bánh truyền thống của người dân xứ Nghệ.Với nguyên liệu hoàn toàn từ bột gạo, vừng đen, muối, tỏi, tiêu và các gia vị khác cùng với bí quyết chế biến riêng, chị đã tạo ra những chiếc bánh đa có hương vị đặc trưng riêng của gia đình mình.
Sinh ra và lớn lên đã thấy ông bà, bố mẹ làm những chiếc bánh đa vừng thơm ngon, gắn với những tháng năm thân thuộc bên gia đình và những kỷ niệm nghề làm bánh, bên lò than đỏ rực, với những bữa sáng tinh mơ dậy sớm ủ bột. Khi lập gia đình với nghề may vá và làm nông không đủ trang trải cuộc sống. Đầu năm 2017, chị manh dạn bàn với chồng vay vốn làm ăn, nối gót nghề truyền thống bốn đời của gia đình. Nghĩ là làm, anh chị vay mượn, sắm sửa được hai chiếc máy gồm máy tráng và máy nướng bánh. Cộng với chi phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm nồi niêu, xoong chậu, thuê người đan xìa phơi bánh cũng tầm hơn 200 triệu đồng.
Việc đưa máy móc thay thế thủ công như ông bà, bố mẹ chị từng làm khiến năng suất lao động tăng lên, tiết kiệm được thời gian, đỡ tốn công sức hơn. Những chiếc bánh được tráng bằng máy có độ kết dẻo, mịn và đều. Vào dịp hè, mỗi ngày gia đình anh chị làm được trung bình từ một tạ rưỡi cho tới một tạ tám bột gạo, tương đương khoảng 5000 – 6000 chiếc bánh được sản xuất ra. Vào mùa đông số lượng làm ít hơn do thời tiết mưa nhiều không có ánh nắng để phơi và hết mùa du lịch lượng khách ít nên chị chỉ sản xuất khoảng 8-10 ngày trong một tháng. Những ngày nắng chị làm trữ sản phẩm cho những ngày mưa gió.
Tại cơ sở làm bánh của chị có 6 nhân công, vào dịp hè chị trả theo lương hàng tháng, trung bình từ 5 – 6 triệu/người. Vào mùa thu đông, công việc ít hơn, chị trả 170.000 ngàn đồng trên một ngày công cho mỗi chị em nhận làm.
Càng ngày bánh đa của chị càng được nhiều nơi biết đến. Vào mùa du lịch nó có mặt khắp các gian hàng bánh kẹo, các nhà hàng và các đại lý lớn nhỏ, có khi cơ sở chị làm không kịp để cung ứng cho khách.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nhân cho biết “Vào mùa này làm ít hơn mùa du lịch e ạ, giờ làm máy móc đỡ hơn nhiều nhưng việc phơi trở bánh liên tục giữa trời nắng khá vất vả. Tính chị cẩn thận nên khi làm bánh chị luôn đòi hỏi sự chu đáo và tỉ mỉ. Bánh mình làm ra không chỉ đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn đẹp về hình thức thì mới bán được hàng”.
Gần trọn một năm mạnh dạn làm kinh tế, thoát ly khỏi nghề làm nông vất vả ruông đồng, giờ đây cuộc sống của gia đình chị khẩm khá hơn vì nguồn thu nhập ổn định. Chị chỉ mong làm thêm ít năm có thêm tiền mua máy móc, đặc biệt là mua thêm máy sấy bánh để phục vụ sản xuất vào những ngày mưa gió.
Không chỉ làm kinh tế giỏi nâng cao thu nhập cho gia đình, chị còn là một hội viên chi hội phụ nữ của khối cũng như của phường, luôn năng nổ, nhiệt tình trong mọi hoạt động của địa phương. Trong những ngày lao động mệt nhọc, với những nhân công làm ở đây chị không chỉ là người tạo ra công ăn việc làm cho họ mà còn như là một liều thuốc tinh thần giúp họ sáng khoái, vui tươi trong lao động bởi những trêu đùa từ tính cách vui vẻ hòa đồng của chị.
Chia tay chị khi những tia nắng nhạt của ngày đông bắt đầu lên, nhìn những chiếc bánh đa tròn được phơi mình giữa trời nắng, lại vui lây trước sự đổi thay khi ở một vùng quê xứ biển người ta chăm chỉ làm ăn bằng kinh tế biển, chị lại gìn giữ một nét đẹp nghề truyền thống của gia đình để tô thêm nét mới cho du lịch xã nhà bằng sự tần tảo, can đảm vươn lên làm giàu bằng chính mình.
Nguyễn Hương