Trong những năm qua, phát huy truyền thống phường Anh hùng, Đảng bộ và nhân dân phường Nghi Tân đã đoàn kết, nỗ lực vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng phường ngày càng vững mạnh.
Một góc Nghi Tân hôm nay
Hàng năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất luôn đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhất là các hoạt động dịch vụ, thương mại, bảo quản chế biến hải sản, xuất khẩu lao động; thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao; thu ngân sách hàng năm đều tăng, vượt chỉ tiêu trên giao từ 10 – 12%; Văn hóa – Xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên; Quốc phòng – An ninh được giữ vững; Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh tế cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để khắc phục khó khăn đó là: việc lựa chọn, định hướng phát triển kinh tế chưa có bước đột phá, còn lúng túng, xây dựng các mô hình kinh tế chưa nhiều, chuyển đổi ngành nghề phát triển kinh tế hiệu quả chưa cao; hoạt động của làng nghề còn hạn chế, sản xuất kinh, doanh quy mô còn nhỏ lẻ, sản phẩm chế biến hải sản còn đơn điệu, chưa có thương hiệu; khai thác hải sản chưa xứng với tiềm năng, số lượng tàu, thuyền ngày càng giảm dần; phát huy nội lực trong nhân dân chưa mạnh; công tác quy hoạch chưa hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng thiếu đồng đồng bộ, việc quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng có mặt chưa tốt.
Đứng trước thực cảnh đó, Đảng bộ phường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên tổ chức các hội nghị “Diên Hồng” để gặp mặt, đối thoại, phát huy trí tuệ của cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp và ngừoi dân hiến kế, tìm ra hướng đi mới, tạo đột phá, đưa Nghi Tân ngày một đổi mới, phát triển. Từ đó, đã hình thành nên tầm nhìn mới, hướng đi mới cho Nghi Tân phát triển đi lên trong tình hình mới với 5 mũi nhọn đột phá, đó là:
Một là, tập trung ưu tiên phát triển, nâng cao chất lượng, giá trị khai thác, chế biến, bảo quản, kinh doanh hải sản một cách toàn diện. Để làm được điều đó, phường đã chủ động đề xuất và phối hợp với các cấp, các ngành để đầu tư xây dựng kè phía bắc Nghi Tân thuộc khối 6, khối 8 diện tích 193.158,73 m2 với tổng số vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng, với quy hoạch gồm khu dân cư, khu công cộng, đất giao thông, bãi đỗ xe, trạm xử lý nước thải; đặc biệt là bố trí diện tích 15.290m2 để định hướng làm thủ tục cho các hộ thuê đất di chuyển 24 kho đông lạnh từ trong khu dân cư ra khu quy hoạch riêng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và giao thông, tạo điều kiện cho việc kinh doanh hiệu quả; hình thành khu neo đậu tàu thuyền, khu dịch vụ hậu cần nghề cá và chợ cá đầu mối; dành 45.787,09m2 quy hoạch chia lô đất ở để thực hiện công tác giãn dân; đẩy mạnh nhân rộng mô hình sản xuất chế biến nước mắm, cá cơm, hàng hải sản khô; vận động nhân dân chuyển đổi nghề khai thác từ vùng lộng sang vùng khơi, đóng tàu có công suất lớn để đánh bắt xa bờ; xây dựng thương hiệu sản phẩm, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hai là, đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ, thương mại: ngoài chợ đầu mối hải sản tại khu quy hoạch kè khối 6, Phường sẽ đẩy nhanh việc hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng chợ thương mại tại khối 1 với diện tích gần 5000m2 từ nguồn xã hội hóa vào hoạt động (xóa chợ tạm ở khối 4), biến nơi đây thành địa chỉ giao thương không chỉ phục vụ nhân dân mà còn là điểm đến tham quan, mua sắm của du khách. Bên cạnh đó phát triển các dịch vụ về tiểu thủ công nghiệp; các dịch vụ xăng xầu, đá lạnh, ngư cụ phục vụ khai thác hải sản.
Ba là, tập trung công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị: Triển khai đồng bộ quy hoạch phân khu chức năng phường, ưu tiên sắp xếp bố trí quỹ đất để mở rộng các ngành nghề kinh tế.
Bốn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đưa Nghi Tân trở thành địa chỉ thiêng trong hành trình du lịch của du khách trong và ngoài nước.
Du khách trẩy hội đền Vạn Lộc
Phát huy lợi thế của Phường có 4 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có di tích văn hóa cấp quốc gia Đền Vạn Lộc và di tích văn hóa cấp tỉnh Chùa Lô Sơn. Nghi Tân sẽ phối hợp với với các cấp, các ngành, các địa phương để tập trung tuyên truyền, quảng bá hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành sách ảnh, sách viết, đĩa DVC, tổ chức hội thảo… về các di tích của Phường; phát huy nội lực, huy động ngoại lực để đầu tư phát triển hạ tầng, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa; liên kết với các hoạt động du lịch của Thị xã, liên kết với các công ty lữ hành du lịch để đưa du khách đến các điểm di tích lịch sử – văn hóa, coi đây là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững của Phường.
Năm là, đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vừa để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, vừa đem ngoại tệ về địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế – xã hội của phường phát triển. Muốn vậy, Đảng ủy, chính quyền phường sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân tích cực học tập nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, thông thạo ngoại ngữ… để đảm bảo có nguồn lao động chất lượng cao. Đồng thời, để đột phá trong xuất khẩu lao động, Nghi Tân sẽ thành lập ban chỉ đạo để luôn quan tâm sát sao vấn đề này; chủ động kết nối, tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, thủ tục đi nước ngoài, chi phí khám sức khỏe, hỗ trợ vay vốn, tìm hiểu thị trường… để xuất khẩu lao động trở thành trụ cột vững chắc cho sự phát triển đi lên của phường nói chung, của mỗi gia đình trên địa bàn phường nói riêng..
Có thế nói, việc xác định được tầm nhìn mới, hướng đi mới là rất quan trọng để xây dựng và phát triển, nhưng quan trọng, quyết định hơn là phải kiên quyết, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Đảng bộ và nhân dân phường Nghi Tân quyết tâm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, đoàn kết, hợp lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần xây dựng phường nhà ngày càng phát triển.
Hoàng Thị Hải Yến – BTĐU P. Nghi Tân