Sinh ra và lớn lên trong một làng chài ven biển đầy sóng và gió thuộc xóm Mai Hồ, xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc ngày xưa và nay là khối 4, phường Nghi Thủy,thị xã Cửa Lò.
Tuổi mười tám,đôi mươi ông cũng như hàng ngàn, hàng vạn thanh niên trang lứa, nguyện“ Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng hy sinh cả phần đời tuổi trẻ của mình cho tổ quốc bởi lúc bấy giờ đất nước đang trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc, đế quốc Mỹ đang leo thang bắn phá miền bắc.
Chiến trường Quảng Trị ác liệt đã tôi luyện cho ông và đồng đội một tinh thần quả cảm, hiên ngang trước kẻ thù,cuộc chiến tuy cam go nhưng không thể làm dòng máu nghệ sỹ thôi chảy trong tim mình.Ông kể: đó là những năm 1967-1968, ngoài những phút giây cân não với quân thù trong các cuộc đụng độ giáp lá cà,thì bất kể ngày hay đêm, khi mặt trận tạm ngưng tiếng súng ông với cây đàn ghi ta trên tay, say sưa cùng đồng đội hát lên những bản nhạc ngợi ca quê hương, đất nước thân yêu,dù đang phải oằn mình trong bom rơi,đạn lửa nhưng vẫn vô cùng tươi đẹp,bất khuất,kiên cường.
Năm 1969,khi đang ở chiến trường Quảng Trị ông bị sốt rét ác tính,được đưa về an dưỡng tại đoàn 200 QK4,sau một thời gian phục hồi sức khỏe ông được chuyển về sư đoàn 325C. Năm 1970,thấy ông có năng khiếu văn nghệ và có khả năng sáng tác cấp trên đã cử ông theo học lớp âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn tại trường Văn hóa nghệ thuật Nghệ An thời bấy giờ.Ông đặc biệt có chất giọng dân ca ít người sánh bằng cũng như một khả năng sáng tác các tác phẩm theo dòng dân ca Nghệ Tĩnh xuất sắc.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Cảnh Trung
Năm 1972 sau khi đã hoàn thành khóa học ông được điều về Cục hậu cần QK4,tại đây ông được giao đảm nhiệm nhiệm vụ đội trưởng đội tuyên truyền,kiêm trưởng ban chỉ đạo nghệ thuật cục hậu cần QK4 cho đến năm 1978. Trong những năm còn phục vụ quân ngũ,ông đã sáng tác rất nhiều ca khúc,tiêu biểu như ca khúc:Lấp hố bom đêm;Gặp nhau giữa ngã ba rừng;Hát về người lính chiến tranh..những ca khúc này đã đạt giải xuất sắc trong các hội thi sáng tác toàn quân khu 4 thời bấy giờ.
Về lại nơi “chôn nhau, cắt rốn” sau 13 năm gắn bó với môi trường quân ngũ,thấy quê nghèo xưa đang thay da đổi thịt từng ngày,với bản chất anh bộ đội cụ Hồ đã được tôi rèn,cùng với kiến thức,kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật đã có trong những năm còn trong quân đội,ông thấy mình phải có trách nhiệm góp một phần nhỏ bé vào phong trào văn nghệ quần chúng của quê hương.Ý nguyện của ông được thực hiện khi từ năm 1998 ông được Trung tâm Văn hóa thông tin Cửa Lò thời bấy giờ mời làm cộng tác viên với tư các là nhạc sỹ sáng tác và nghệ sỹ biểu diễn.Khả năng diễn xuất tốt cùng với chất giọng dân ca Nghệ Tĩnh mượt mà,sâu lắng,ông đã cùng đội nghệ thuật quần chúng thị xã tham gia hàng chục hội thi, hội diễn cấp tỉnh đạt kết quả cao.Cùng các anh chị em nghệ sỹ trong câu lạc bộ dân ca thị xã giao lưu phục vụ hàng ngàn lượt du khách khi về với biển Cửa Lò.
Với quê hương,trong ông luôn dâng trào bao cảm xúc,ông đã cho ra đời nhiều ca khúc, tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh mang đậm tình yêu quê hương. Tiêu biểu như ca khúc:Khúc ca từ một cửa biển ,Nghi Thủy mảnh đất anh hùng, Lê Thị Bạch Cát người con xứ biển…Các tổ khúc dân ca:Cửa Lò ngày đổi mới, Nghi Hòa mời bạn về thăm;Làng vui chơi làng ca hát…cùng hàng trăm ca khúc,tổ khúc dân ca về các đề tài khác nhau trong cuộc sống.
Ông là một trong những người hoạt động tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân ca,ví, giặm Nghệ Tĩnh, của thị xã Cửa Lò.Ngoài khả năng hát dân ca,sáng tác các tổ khúc dân ca,ông còn là người thầy truyền dạy thành công cho rất nhiều thế hệ học trò yêu thích dân ca trên địa bàn thị xã.Với những đóng góp đó, năm 2013 ông được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam” và bằng công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”.Năm 2015 ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
68 năm tuổi đời,13 năm gắn bó với quân đội, hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Cảnh Trung đã và đang miệt mài cống hiến cho sự phát triển của phong trào nghệ thuật quần chúng trên phố biển Cửa Lò, góp phần giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông truyền lại./.
Phan Thành