Nghề cá ở Nghi Thuỷ, thị xã Cửa Lò vươn ra biển lớn

Đăng ngày 21/03/2014

 

Gặp anh Nguyễn Văn Bình và các thuyền viên vừa từ chuyến xa khơi ở tận Bạch Long Vĩ – Hải Phòng trở về, ai nấy đều vui và phấn khởi. Niềm vui của cá nặng, lưới đầy. Mặc dù vừa cập bến khá mệt, uống vội chén trà nóng cho tỉnh táo, anh Bình chia sẻ với chúng tôi: Sau nửa tháng miệt mài khai thác trên biển, đôi tàu của anh thu hoạch được 30 tấn cá các loại, bán được 140 triệu đồng, trừ chi phí tiền dầu hết 65 triệu đồng, tiền ăn uống, đá lạnh 15 triệu, lời được 60 triệu đồng chia cho 17 anh em thuyền viên. Anh Bình cười: đây là chuyến biển thu hoạch bình thường. Song từ dạo Tết tới giờ biển động luôn, ngư phủ khai thác cũng chẳng được nhiều, đối với tàu của anh em chúng tôi rứa là thắng quả rồi đó. Còn có những dạo khai thác được nhiều lắm, chỉ một mẻ lưới nặng cá đầy giá trị cả trăm triệu đồng rồi. Hôm nào trời cho, biển cho thì ngư phủ không đủ sức mà kéo, tiếc lắm! Nghề đi biển là vậy, cũng lắm gian truân nhưng cũng nhiều niềm vui vô tận. Với chúng tôi, biển tựa mẹ, cha, sống được là nhờ biển bao dung. Mọi tài sản cũng nhờ biển mà có, nhân dân phường Nghi Thủy- Cửa Lò bao đời bám biển từ khi sinh ra, hết đời cha rồi đến đời con, cháu, chắt… kế tiếp nhau ra khơi. Gia đình anh Bình hiện có ba cha con trực tiếp đi biển, bình quân mỗi tháng thu nhập được 7 triệu đồng, có những tháng thu hoạch cao được 15 – 20 triệu đồng. Miệt mài đi biển, 5 anh em đã nhen nhóm tích cóp được gần 2 tỷ đồng và hiện nay đã mua được 3 chiếc tàu mới, tạo việc làm cho 20 lao động trực tiếp đi biển và 20 lao động làm dịch vụ, hậu cần. Có tàu to, máy lớn rất thuận lợi cho vươn xa khơi khai thác, ngư trường rộng khắp từ Hà Tĩnh đến Quảng Ninh. Có những đợt đi cả tháng trời mới về đất liền, ai nấy đen sạm vì nắng và gió. Chưa dừng lại ở đây, anh Bình đang kỳ vọng vay được các nguồn vốn ưu đãi để sắm thêm tàu, tạo việc làm nhiều hơn cho người lao động, ở phường Nghi Thủy này lực lượng lao động vẫn còn dôi dư, bấy nhiêu con tàu hiện có của địa phương mới chỉ giải quyết việc làm cho một bộ phận thôi. Trong phường vẫn còn rất nhiều lao động mong muốn được đi biển nhưng không có vốn để đóng tàu…
Không chỉ hộ anh Bình khối I, Nghi Thủy còn có nhiều hộ nhận thấy việc đầu tư đóng mới tàu lớn phục vụ đánh bắt xa khơi cho hiệu quả cao nên đã cùng hùn vốn đóng tàu. Hộ anh Võ Văn Phúc khối 7, trước đây có 4 chiếc tàu, 2 chiếc to công suất 420 CV, 2 chiếc nhỏ 60 CV làm nhiệm vụ chuyển tải cho đôi tàu lớn. Năm nay anh đầu tư gần 3 tỷ đồng để đóng mới thêm 2 con tàu lớn 450 CV. Tin vui đôi tàu mới của anh Phúc sắp hạ thủy, hàng chục hộ ở phường có thêm hy vọng được cùng đi biển.
Hộ anh Hoàng Văn Hoa khối 10 là một trong những hộ tiên phong của phường đầu tư mua sắm tàu lớn khai thác xa khơi hiệu quả, hiện gia đình anh có 3 đôi tàu, trong đó 2 đôi lớn lốc máy 380 CV và 1 đôi nhỏ chuyên chuyển tải, tổng giá trị gần 4 tỷ đồng. Hiện 3 đôi tàu của anh tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động trực tiếp đi biển. Riêng gia đình anh Hoa có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Ông Võ Văn Tuất, phó chủ tịch UBND phường Nghi Thủy cho biết: toàn phường hiện có hơn 200 chiếc tàu, trong đó 22 chiếc có công suất từ 320 CV trở lên. Phường có 1.800 hộ dân, trong đó 1.075 lao động trực tiếp đi biển, khai thác một lượng lớn hải sản hàng năm phục vụ khách du lịch về với Cửa lò. Trong thành công của đô thị du lịch biển có công sức thầm lặng của ngư dân Nghi Thủy những con người ngày đêm miệt mài nơi biển cả để đem về những con mực, con thu, tôm, cua… tươi ngọt lôi cuốn lòng người và để rồi làm nên một thương hiệu hải sản tươi ngon Cửa Lò.
Trước đây, ở phường chủ yếu toàn thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ có sử dụng các công cụ đánh bắt ảnh hưởng đến môi trường, hiệu quả không cao. Trong bờ nguồn thủy sản cạn kiệt, mật độ thuyền dày, khai thác kém hiệu quả, đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn. Phải thừa nhận rằng từ khi Đảng ủy phường có Nghị quyết 01 về việc cấm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ để đánh bắt hải sản. Tiếp đó UBND phường có đề án khai thác và chế biến thủy sản giai đoạn 2007- 2010, thực sự đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhân dân. Đa dạng hóa nhiều nghề/thuyền, xóa bỏ các nghề te cá, mành dùng chất nổ để đánh bắt hải sản. Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa xã hội. Phong trào đầu tư tàu to máy lớn vươn xa khơi đang hình thành rõ nét ở Nghi Thủy. Sản lượng khai thác hàng năm tăng trưởng nhanh, năm 2007 sản lượng khai thác toàn phường đạt khoảng 3.800 tấn, năm 2008 tăng lên gần 5.000 tấn, năm 2009 đạt 4.500 tấn. Đời sống nhân dân từ đây cũng được nâng lên một bước, thu nhập bình quân của người đi biển đạt 20- 30 triệu đồng/người/năm…/.

Theo: Đậu Thuận