Công văn nêu rõ:
Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên cả 3 tiêu chí; hạn chế ùn tắc giao thông; phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Sự vào cuộc của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, cá biệt còn coi đây là nhiệm vụ riêng của lực lượng công an. Tình trạng người dân vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn diễn ra phổ biến, trong đó có một bộ phận là cán bộ, đảng viên. Nhiều vụ TNGT xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định nồng độ cồn. Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng, đầy đủ quy định pháp luật về an toàn giao thông và trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên liên quan đến nội dung trên.
Lực lượng CSGT lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến đường thành phố Vinh.
Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong công tác bảo đảm TTATGT, từng bước “lập lại trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và người thực thi pháp luật về giao thông”, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu ban cán sự đảng, đảng đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:
1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận và văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác bảo đảm TTATGT. Đồng thời, quán triệt, tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lực lượng vũ trang, người lao động thuộc đơn vị, địa phương tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT; Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; Công điện số 488/CĐ-TTg, ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia; Chỉ thị số 19/CT-UBND, ngày 20/9/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh… Yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lực lượng vũ trang phải gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT. Đặc biệt, không điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia và không ngồi trên các phương tiện do người lái xe đã sử dụng rượu, bia điều khiển.
2. Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, lên án hành vi sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tập trung cảnh báo về nguyên nhân, hậu quả TNGT do vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, các quy định về xử lý vi phạm… Qua đó, hình thành thói quen, văn hóa không điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia và không ngồi trên các phương tiện khi người lái xe đã sử dụng rượu, bia. Đồng thời, tạo dư luận đồng tình, ủng hộ, phối hợp, giúp đỡ lực lượng công an trong quá trình thi hành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, chỉ đạo tiếp tục xây dựng, phát triển phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”, xây dựng văn hóa giao thông an toàn và văn hóa “Đã uống rượu, bia – không lái xe ” tới mọi tầng lớp nhân dân.
3. Rà soát, bổ sung nội dung “Không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu bia, đồ uống có cồn, chất kích thích” vào quy chế làm việc, nội quy của cơ quan, đơn vị, đề ra chế tài xử lý nghiêm đối với cá nhân vi phạm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tập thể liên quan; yêu cầu đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức viết cam kết không vi phạm nội dung nêu trên.
Chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lực lượng vũ trang, người lao động thuộc đơn vị, địa phương phải phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an nói chung, cảnh sát giao thông nói riêng trong việc kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nghiêm cấm mọi hành vi chống đối và can thiệp dưới mọi hình thức đến công tác xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy nếu để cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm hoặc xử lý không nghiêm, không đúng quy định vi phạm về điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia hoặc sử dụng các chất kích thích.
4. Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát, triển khai các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Trong đó:
– Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng hiện có. Thường xuyên rà soát và ưu tiên nguồn lực xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên địa bàn.
– Chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn thường xuyên biên tập, đăng tải tin bài tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự ATGT: Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và nguyên nhân, hậu quả của TNGT nói chung, TNGT do vi phạm nồng độ cồn nói riêng nhằm nâng cao ý thức cho người dân khi tham gia giao thông, nghiêm túc thực hiện và hình thành văn hóa “Đã uống rượu, bia – không lái xe”.
– Chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các thành viên trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia; Công điện số 488/CĐ-TTg, ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia; Chỉ thị số 19/CT- UBND, ngày 20/9/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh…
5. Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác xử lý vi phạm, phòng ngừa TNGT xảy ra, trọng tâm tăng cường công tác kiểm tra, xử lý thường xuyên, quyết liệt các hành vi vi phạm về nồng độ cồn. Trong đó:
– Trong quá trình xử lý đối với người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lực lượng vũ trang, ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật, phải gửi thông báo việc vi phạm đến đến thủ trưởng cơ quan, đơn vị để kiểm điểm, xử lý theo quy định. Đồng thời, gửi cơ quan ủy ban kiểm tra và cơ quan nội vụ cùng cấp để giám sát việc xử lý công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên vi phạm.
– Quán triệt cán bộ, chiến sĩ trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ không được giải quyết bất kỳ trường hợp nào can thiệp, xin bỏ qua vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định các đối tượng lợi dụng, giả mạo làm việc cho các cơ quan nhà nước, báo chí, lợi dụng mạng xã hội để tác động đến công tác xử lý của lực lượng công an… Nghiêm cấm mọi hành vi bao che, thay đổi, bỏ qua lỗi vi phạm đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
6. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, góp phần nâng cao ý thức trong chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân trên địa bàn.
7. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ theo dõi, tổng hợp tình hình công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên vi phạm TTATGT; định kỳ 6 tháng, 1 năm tổng hợp, báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo.
Thường trực Tỉnh ủy giao các ban xây dựng đảng Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Công văn này.