Nghệ An tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024

Đăng ngày 11/01/2024

(Baonghean.vn) – Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công văn số 164/UBND-VX ngày 09/01/2024 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn có các hoạt động lễ hội thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15 tháng 2 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo các hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống, thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

nguoi-dan-vui-nhay-sap-tai-le-hoi-den-pu-nha-thau-anh-dao-tho-1404-6103-7334.jpg
Người dân vui nhảy sạp tại Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu (huyện Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu Đào Thọ

Công văn cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn và ban tổ chức lễ hội trực tiếp chịu trách nhiệm về quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, quản lý chặt chẽ hoạt động đăng ký và thông báo tổ chức lễ hội theo quy định; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, phương án, điều kiện để lễ hội trên địa bàn diễn ra đảm bảo an toàn, không để xảy ra sai sót.

Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương, ban tổ chức lễ hội. Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội, về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được phụng thờ, tôn vinh, về các giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng và các nghi lễ truyền thống; về thực hành nếp sống văn minh tại lễ hội, di tích; hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm.

Chủ động xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn sông nước (đối với những lễ hội có các hoạt động diễn ra trên sông nước).

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; ngăn chặn các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để thu lợi bất chính; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch…, âm thanh mở quá mức độ cho phép, tình trạng lộn xộn trong thực hành nghi lễ tại các di tích, lễ hội; tổ chức lễ hội trái quy định, gây tốn kém lãng phí, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Tại công văn này, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội, việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, di tích theo quy định của pháp luật./.

Nguồn: Minh Quân