Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ linh hoạt với tinh thần “kịp thời, quyết liệt, đồng bộ và dựa vào dân để chống dịch”; thiết lập và củng cố hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm “4 tại chỗ”.
Đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, chủ động, nỗ lực cao của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu; sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của Nhân dân và cả cộng đồng, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát tốt.
Toàn tỉnh đã thiết lập 604 cơ sở cách ly tập trung với quy mô trên 22.000 giường. Hiện tại đang thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe trên địa bàn đối với hơn 22.389 trường hợp.
Hình thành mạng lưới xét nghiệm với 9 phòng xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR, công suất khoảng 40.000 mẫu/ngày và có trên 2.500 cán bộ y tế đủ khả năng lấy hơn 200.000 mẫu/ngày.
Thiết lập hệ thống tiếp nhận, điều trị bệnh nhân tại 5 cơ sở tuyến tỉnh; 19 cơ sở tuyến huyện với 350 giường bệnh; đưa vào sử dụng Bệnh viện dã chiến số 1 với quy mô 100 giường bệnh.
Bên cạnh đó, đang dự kiến đưa vào sử dụng Bệnh viện dã chiến số 2 với quy mô 120 giường bệnh để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân khi cần thiết.
Tỉnh cũng đã thành lập ban chỉ đạo; xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm đúng tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế cho các đối tượng. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai tiêm cho 68.968 người được tiêm (khoảng 2,08% dân số), trong đó có hơn 23 ngàn người tiêm đủ 2 mũi (0,65% dân số).
Các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền, hàng (quy đổi) đã tiếp nhận 165,9 tỷ đồng. Đồng thời, Nhân dân các địa phương trong tỉnh đã ủng hộ hơn 292,5 tấn hàng các loại hỗ trợ đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Mạng lưới truy vết được hình thành từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở với sự chủ trì của lực lượng Công an, y tế và các cấp chính quyền; việc đảm bảo an ninh trật tự và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch được quan tâm triển khai thực hiện.
Song song với công tác phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh cũng đã tăng cường, chi viện nhân lực y tế cho các địa phương có dịch, như Đà Nẵng, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương. Qua 3 đợt chi viện với 206 cán bộ, nhân viên y tế hỗ trợ cho các địa phương.
Đồng chí Lê Hồng Vinh cũng nhấn mạnh, bên cạnh những tích cực thì công tác phòng, chống dịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, không tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
Số công dân trở về từ vùng dịch tăng đột biến, nhu cần cách ly tập trung tăng cao, khó khăn trong việc bố trí cơ sở cách ly tập trung, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly nếu không thực hiện tốt công tác quản lý; tỷ lệ tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh còn thấp…
Hỗ trợ 627.575 người lao động và 849 hộ kinh doanh
Song song với công tác phòng, chống dịch, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh, tỉnh cũng tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trước khi thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 627.575 người, tổng kinh phí hỗ trợ trên 605 tỷ đồng; 849 doanh nghiệp/cơ sở, hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ là 849 hộ, kinh phí trên 2 tỷ đồng.
Cơ quan bảo hiểm xã hội đã giải quyết tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho 84 đơn vị, doanh nghiệp và 2.614 lao động, kinh phí đã giải quyết hơn 5,6 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể, tính đến ngày 09/8/2021, tỉnh đã hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động (đợt 1) là 61 người, với kinh phí hỗ trợ 179 triệu đồng.
Bảo hiểm xã hội hỗ trợ doanh nghiệp giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp cho 6.966 doanh nghiệp, với 148.518 lao động, kinh phí hỗ trợ trên 7 tỷ đồng
Hỗ trợ 6 doanh nghiệp tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 536 người lao động với kinh phí hỗ trợ trên 5,5 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho 5 doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho 233 lao động, kinh phí cho vay trên 1 tỷ đồng.
Liên quan đến việc hỗ trợ công dân, người lao động từ các vùng có dịch về Nghệ An. Đến nay, tỉnh đã tổ chức đón 826 công dân Nghệ An từ Bắc Giang trở về địa phương nơi cư trú đảm bảo kịp thời và an toàn.
Tỉnh cũng đã tổ chức 7 chuyến bay đón 1.507 công dân Nghệ An từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; trong đó, UBND tỉnh tổ chức 6 chuyến bay, đón gần 1.285 công dân là đối tượng người có bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… và huyện Nghi Lộc tổ chức 1 chuyến, đón hơn 222 công dân của huyện. Tất cả số công dân đã được đưa về các khu cách ly tập trung.
Đồng chí Lê Hồng Vinh cũng khẳng định, hiện tỉnh đang chỉ đạo các ngành và địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.