Không chỉ là quê hương của chủ tịch Hồ Chí Minh, Nam Đàn còn nằm ở một vị trí thuận lợi rất tiện cho các tua du lịch ở trong và ngoài tỉnh. Trong các điểm đến của Nam Đàn, ngoài khu di tích Kim Liên(gồm 10 di tích nổi tiếng là Hoàng Trù, Làng Sen, nhà thờ họ Nguyễn Sinh, ao Sen, giếng Cố, lò rèn Cố Điền, nhà cử nhân Vương Thúc Quý, núi Chung, khu mộ Hoàng Thị Loan, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, quần thể cây đa – sân vận động, làng Sen), Nam Đàn còn có nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu, đền thờ mộ vua Mai, và gần 80 di tích đã được xếp hạng và chưa xếp hạng khác.
Ngoài ra mỗi năm Nam Đàn còn có hai lễ hội, lễ hội đền vua Mai (tổ chức vào thàng Giêng) và lễ hội làng Sen (vào tháng năm, trùng với ngày sinh nhật Bác), là những lễ hội lớn nhất của Nghệ An với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao phong phú và với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Nam Đàn cũng được biết đến với nhiều đặc sản phong phú như Tương Nam Đàn, thịt me Nam Nghĩa, thịt dê Cầu Đòn…
Những năm gần đây, mỗi năm khách du lịch đến với huyện là trên 1 triệu người, trong năm 2008 là 1,6 triệu người. Thế nhưng doanh thu từ du lịch chỉ khoảng 1 tỷ đồng. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiến – Trưởng phòng văn hoá – du lịch huyện cho biết: “Mặc dù khách du lịch đến Nam Đàn, tương đương với lượng khách du lịch đến Nghệ An nhưng chủ yếu là khách tham quan, số khách ở lại lưu trú rất ít. Các điểm du lịch của Nam Đàn đa số lại phục vụ miễn phí, không thu phí nên doanh thu chẳng đáng là bao”.
Thực trạng trên cũng là điều băn khoăn bấy lâu nay của những người làm du lịch ở Nghệ An nói chung và du lịch Nam Đàn nói riêng. Nhưng với cơ sở hạ tầng còn quá nghèo nàn với 6 nhà nghỉ tư nhân, 29 phòng và 42 giường… thì Nam Đàn khó có thể phát triển du lịch, bên cạnh đó các dịch vụ vui chơi, giải trí, sản phẩm du lịch cũng còn hết sức nghèo nàn, thiếu thốn.
Trước những khó khăn trên để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2010, giá trị dịch vụ du lịch chiếm khoảng 30 – 33% doanh thu quả thực là một bài toán khó đối với Nam Đàn. Hiện huyện đang có kế hoạch xây dựng quy hoạch phát triển dịch vụ hồ Trang Đen (xã Nam Hưng – Nam Đàn) thành một khu du lịch dịch vụ sinh thái và công ty An Thiên Lý ở Thành phố Hồ Chí Minh đang thuê tư vấn thiết kế để khảo sát. Ngoài ra Hồ Thành và Cụm di tích lịch sử thành lục niên, mộ Nguyễn Thiếp Nam Kim cũng đang trong giai đoạn khảo sát để trùng tu, xây dựng.
Một dự án khác cũng đã được phê duyệt đó là trang trại sinh thái tại xã Nam Giang – Nam Đàn với tổng số vốn đầu tư lên tới 23 tỷ đồng, mục đích sau khi hoàn thành vào năm 2010 đây sẽ là khu nghỉ dưỡng câu cá, thư giãn, giải trí gần gũi với thiên nhiên.
Bên cạnh những dự án quan trọng trên, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà hàng, nhà nghỉ tại khu vực Vân Diên, thị trấn, Kim Liên và một số khu vực khác. Công tác xây dựng đội ngũ tham gia hoạt động du lịch có khả năng am hiểu để giới thiệu hướng dẫn cho du khách cũng sẽ được quan tâm, đồng thời chấn chỉnh phương thức thái độ giao tiếp ứng xử, quản lý tốt trật tự an toàn tại các khu di tích, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Về các sản phẩm du lịch, huyện đang xây dựng đề án để phát triển làng nghề bánh đa, bánh bún ở Vân Diên, tiếp tục phát triển làng nghề tương truyền thống ở khố Phan Bội Châu, sản xuất mặt hàng tranh đá quý ở Kim Liên, sản xuất đá mỹ nghệ ở Nam Giang… Với những cố gắng trên hi vọng trong thời gian tới ngành du lịch ở Nam Đàn sẽ còn tiếp tục phát triển, xứng đáng với vị trí và kì vọng của nhiều người dân.