Sáng sớm,khi những tia nắng ít ỏi,len lỏi giữa cái lạnh của mùa đông miền biển như càng làm cho không khí bến cá Nghi Thủy thêm phần sôi động. Những ngày này ngư dân nơi đây đang vào mùa khai thác tép.
Theo chân anh Nguyễn Văn Cường, Ban quản lý bến cá Nghi Thủy, tôi thích thú chứng kiến nhiều phương tiện đánh bắt hải sản lần lượt cập bến. Trên những con thuyền nói trêb,tép biển hay còn được người dân gọi bằng một cái tên khác khuyết biển đầy ăm ắp.
“Trong những ngày này, mỗi ngày có khoảng 25- 30 nốc, thuyền về cập bến. Ngày được khuyết biển mỗi nốc, thuyền như vậy ít nhất sẽ thu về hai đến năm tạ tép” anh Cường nói với tôi.
Mùa tép biển sẽ được diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm nay đến tháng 3 thậm chí tháng 5 của năm sau.
Ngư dân Nghi Thủy phấn khởi được mùa tép biển
Ngư dân chia thời gian trong ngày ra làm hai để buông tàu ra khơi đánh bắt tép. Khoảng thời gian thứ nhất sẽ diễn ra từ khung 5h chiều ngày hôm nay đến 5h sáng ngày hôm sau. Khoảng thời gian thứ hai là từ 7h sáng đến 4h chiều trong ngày, cứ như vậy bình quân mỗi tàu sẽ cập bến hai lần / ngày tùy vào độ của từng đợt mà ngư dân bố trí thuyền cập bến cho hợp lý để tép luôn được tươi ngon.
Rộ mùa tép biển là vào tháng 11 và tháng 12 dương lịch, số lượng đánh bắt mà ngư dân thu được sẽ lên đến hàng ngàn tấn tép.
Tép biển được thu mua tại bến cá Nghi Thủy để cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài địa bàn
Tép biển hay còn được gọi là khuyết biển có thân mềm,nhỏ,dẹt,màu đỏ hoặc hồng phớt. Đa phần người dân rất thích loại sinh vật biển này bởi lẽ đó là một món ăn dân dã, ngon ngọt từ biển khơi.
Tuy mang thân mình nhỏ bé “nhưng rất có võ”.Tép biển sẽ được chế biến thành rất nhiều sản phẩm. Tép sau khi được đánh bắt về sẽ được phân làm hai loại: Loại một là những khay tép còn tươi rói,đỏ au. Loại này sẽ được các bà,các chị thu mua và tỏa ra các khu chợ để cung cấp đến tay người tiêu dùng. Loại tép tươi này có thể chế biến thành các món ngon như nộm tép, gỏi tép, canh tép nấu khế chua, tép phui..Đặc biệt loại tép tươi này sẽ được dùng hong khô dưới nắng, sau một ngày tép sẽ săn mình lại và trở thành món khuyết khô được các bà các chị nội trợ vô cùng ưa chuộng.Tép khô thành phẩm này thường được dùng chế biến thành các món ngon như tép rim mặn ngọt, tép khô rang lá chang, tép rim lạc..hoặc sẽ là chất xúc tác tuyệt vời cho những nồi canh tập tàng,canh vặt của các bà nội trợ.
Tép biển đang được chế biến thành các sản phẩm
Loại hai tức là loại có độ tươi ít hơn một chút, loại tép này sẽ được dùng để chế biến thành các loại ruốc. Ruốc chế biến từ tép cũng có hai loại là ruộc ngọt và ruốc mặn. Sau khi được chế biến thành phẩm, ruốc cũng là một sản phẩm được rất nhiều người ưa dùng. Ruốc ngọt được dùng ăn cùng bún, cùng cơm, hay dùng để chấm cà muối thì tuyệt hảo. Ruốc mặn lại là một thứ gia vị không thể thiếu trong những món ăn như thịt lợn, thịt chó, thịt ngan giả cầy.
Ruốc chấm được chế biến từ tép biển
Chị Phạm Thị Phương, một người thu mua tép biển lâu năm ở bến cá Nghi Thủy đang thoăn thoắt cùng các bà,các chị chuyền từng khay tép từ thuyền lên bến vui vẻ nói với tôi: “ Sáng nay chị ra bến từ lúc 4h, chờ thuyền về để thu mua tép, mấy ngày này trời yên nên tép được lắm em ạ, có ngày chị thu mua cả tấn tép về phơi, công việc phơi tép,hong tép tuy hơi vất vả nhưng thành phẩm có giá lắm em ạ, khách du lịch họ rất thích ăn tép khô Cửa Lò vì nó rất ngọt thơm”.
Tép biển đang được chế biến thành các sản phẩm
Qua tìm hiểu tôi được biết tép biển khi hong khô thành khuyết bán có giá khá cao, giao động từ 120.000đ – 230.000đ/kg. Tép được muối thành ruốc cũng có giá từ 45- 60.000đ/lít. Tép tươi cũng có giá giao động từ 30- 50.000đ/kg.
Biển cả bao la ẩn chứa trong mình bao điều huyền bí. Con người trước biển thật nhỏ bé nhưng lại thấy thật gần gũi, thân thương. Biển rộng lớn cho chúng ta bao nhiêu tài nguyên quý giá. Mùa khai thác tép biển đã mang lại giá trị kinh tế không nhỏ trong đời sống của người dân các làng chài Nghi Thủy nói riêng và của thị xã biển Cửa Lò nói chung./.
Phan Thành