Ngoài số rừng keo lá tràm, lát và một số gỗ quý đã trồng thì vẫn còn hàng trăm ha giáp ranh với huyện Như Thanh và huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hoá với nhiều kỳ tích thiên nhiên cùng với chứng tích chiến tranh chưa được ai khám phá bởi đường đi lại heo hút và nằm trên độ cao hơn 100m so với mặt nước biển. Điều đặc biệt của sự bí hiểm là hàng chục hang đá lớn nhỏ được thiên nhiên ban tặng, có hang chứa được cả trăm người le lói ánh sáng từ phía bên kia chiếu qua khiến cho ai đã một lần đến đây cũng cảm thấy ngất ngây bởi hàng trăm “ngọn nến” lung linh huyền ảo này. Núi đá vôi như một ốc đảo nằm giữa trùng trùng điệp điệp các dãy núi khác càng làm tăng thêm độ trang nghiêm thách thức cả thời gian với hàng ngàn sinh vật cảnh chen chúc trong các kẽ hở của đá như sanh, lộc mưng, si trắng…
Dãy núi có tên rất con gái là Kim Giang; có lèn Đồng Lách là một trong những chứng tích chiến tranh còn sót lại chưa được ai, cơ quan có thẩm quyền nào “để mắt” tới. Theo tài liệu của lịch sử huyện đội Quỳnh Lưu ghi lại thì 18 giờ ngày 15.10.1953, lợi dụng địa hình hiểm trở này, thực dân Pháp đã cho 19 tên biệt kích do tên Nguyễn Sơn cầm đầu nhảy dù xuống cánh đồng Lách thuộc địa bàn xã Quỳnh Mai (lúc bấy giờ). Ngay lúc vừa đặt chân đến đỉnh núi cao nhất lèn Đồng Lách (ảnh) thì bị phát hiện. Lực lượng dân quân du kích xã Quỳnh Mai do đồng chí Nguyễn Tường ban chỉ huy quân sự huyện Quỳnh Lưu chỉ huy sau gần nửa tháng đã lần lượt bắt sống 17 tên, một tên bị bắn chết ngay tại lèn Đồng Lách, tên còn lại bỏ chạy vào xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, sau đó cũng bị bắt. Từ chiến công đó của quân và dân huyện Quỳnh Lưu, kế hoạch thôn tính vùng Thanh – Nghệ của giặc Pháp đã thất bại. Đi một vòng quanh dãy núi Kim Giang, phóng tầm mắt nhìn về phía đông là bản Lim Hoành thuộc huyện Như Thanh và phía bên cạnh là làng Đồng Lách thuộc huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hoá đẹp như một bức tranh vẽ (ảnh). Không chỉ hoang sơ huyền bí mà dãy núi Kim Giang có hàng trăm ha đất có độ ẩm cao nhất khu vực với hàng trăm mạch nước lớn nhỏ cứ liên tục ngày đêm tưới tiêu cho số diện tích đất rừng xung quanh. Phía dưới chân núi cách cả chục cây số đường rừng là doanh nghiệp trồng rừng tư nhân cũng sinh hoạt bằng nguồn nước vô tận này và cái ước ao bé nhỏ của người bạn đồng hành cứ như dẫn tôi vào một thế giới xa lạ. “Nếu trở thành khu du lịch sinh thái hoặc di tích chiến tranh thì mạch nước ngầm kia sẽ chảy qua cả rừng cây sanh, phong lan cấp nước cho du khách với hàng chục bể bơi, ao cá thư giãn. Và viễn cảnh những cáp treo, khu du lịch chất lượng cao sẽ hình thành tại đây, mỗi năm cũng thu về cho ngân sách địa phương hàng tỉ đồng”. Nhưng đó chỉ là giả thuyết, là dự định và ước mơ. Còn nếu như nó biến thành hiện thực thì chúng tôi, những con người mà hôm nay đang “thám hiểm” cũng đã rất may mắn được nằm trong tốp người đầu tiên phát hiện ra điểm du lịch, khu di tích này.
Chia tay với đồng nghiệp sau một ngày leo núi ròng rã mệt nhoài, được ăn bữa cơm trên đỉnh núi cùng công nhân trồng rừng, tôi ước nơi đây sẽ trở thành khu du lịch sinh thái, khu di tích chiến tranh. Khi đó, những chiến công đầu tiên của quân và dân huyện Quỳnh Lưu sẽ được cả nước biết đến và một điều chắc chắn là lèn Đồng Lách, nơi lưu giữ chứng tích chiến tranh. Khi đó, những chiến công đầu tiên của quân và dân huyện Quỳnh Lưu sẽ được cả nước biết đến và một điều chắc chắn là lèn Đồng Lách, nơi giữ chứng tích chiến tranh cùng với dãy núi đá vôi Kim Giang đẹp như tranh vẽ kia sẽ được bảo quản và sửa chữa đúng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó.
Theo: Theo nghean24h.com