Sáng ngày 24/3, UBND thị xã Cửa Lò phối hợp với con cháu dòng họ Nguyễn Đình tổ chức lễ đón nhận bằng di tích cấp quốc gia Mộ, Đền và Nhà thờ Nguyễn Trọng Đạt tại phường Nghi Thủy. Về dự có các đồng chí: Nhà báo Thanh Hùng – Phó tổng Giám đốc Đài truyền hình Hà Nội, Phó chủ tịch hội nhà báo Hà Nội; Hồ Mậu Thanh – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao; Cao Văn Thích – Trưởng ban quản lý di tích Tỉnh; Nguyễn Thị Kim Chi – Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Cửa Lò; Cùng các đồng chí trong Ban thường vụ Thị ủy, lãnh đạo UBND thị xã, đại diện các ban, phòng, ngành , đơn vị trực thuộc Thị xã, đại diện cấp ủy, chính quyền các phường Nghi Hương, Nghi Thủy, con cháu dòng họ Nguyễn Đình trong cả nước và người dân Cửa Lò.
Nguyễn Trọng Đạt là con trai thứ 10 của Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Ông vốn là bậc kỳ tài trong thiên hạ, văn võ song toàn có công với dân, với nước được triều Lê sơ phong nhiều tước, hàm: “Tín đạt đại phu xuất thân, tán trị công thần, Bắc quân đô đốc lịch trung dinh thượng tướng quân Linh Quận Công Nguyễn Trọng Đạt”.
Với dòng dõi trâm anh thế phiệt, vốn có tài năng bẩm sinh hơn người, được rèn luyện từ nhỏ, theo cha tham gia nhiều trận mạc và lập nhiều chiến tích hiển hách. Năm Bính Dần 1446, Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi nước ta ở phía Nam, ông theo cha đi đánh Chiêm Thành. Trận chiến thắng lợi, ông được triều đình giao thêm trọng trách cải tạo tù binh ở Đồng Xô – Bàu Ố. Ở nơi cải tạo nhiều nắng gió, thiếu thốn, khó khăn nhưng hai cha con ông đã thành công trong việc thu phục tù binh, lập nên 2 trang Đồng Xô – Bàu Ố.
Năm Canh Thìn 1460 với chức vụ là Thượng tướng quân Bắc Quân Đô đốc theo lệnh cha cùng các anh trai, với vai trò nòng cốt ông đã có công lớn trong việc lật đổ Lê Nghi Dân đem Lê Tư Thành lên ngôi báu Đại Thống. Năm 1471, ông cùng các anh trai theo vua Lê Thánh Tông đi đánh quân Chiêm Thành, cuộc chiến thắng lợi nhưng do bị thương nặng nên trên đường trở về ông đã mất. Đó là vào ngày 17 tháng 5 năm Tân Mão 1471. Ông được an táng tại Bàu Sen – Kim Ổ, (nay thuộc phường Nghi Hương, Thị xã Cửa Lò) và được người dân nơi đây suy tôn là Thành hoàng làng.
Gia đình ông định cư tại Thượng xá làng Yên Lương. Ông có ba bà phu nhân, chính thất được phong là Dương Thị Thục Nhân (Nguyễn Thị Thu) và hai bà kế thất đều phong là quận phu nhân. Ông có hai người con trai, trưởng nam là Yên Nghĩa Hầu Nguyễn Đình Đệ. Con trai thứ là Dương Võ Bá Nguyễn Đình Thủy là người có công xây dựng và tôn tạo nhà thờ Linh Quận Công ở khối 8, phường Nghi Thủy.
Mộ và Đền thờ Nguyễn Trọng Đạt nằm ở khối 10 phường Nghi Hương bên Bàu Sen thanh tịnh, được nhân dân chăm lo hương khói chu đáo. Còn nhà thờ tại Khối 8, phường Nghi Thủy tọa lạc trên diện tích 500m2 được con cháu góp công góp của tôn tạo trùng tu.
Trước đó vào ngày 23/3 (tức ngày 18/2 âm lịch) đã diễn ra lễ rước, lễ khai quang, yết cáo, lễ yên vị tại mộ, đền và nhà thờ. Các trò chơi dân gian như kéo co, cờ thẻ, giao lưu bóng chuyền, văn nghệ thu hút đông đảo con cháu và nhân dân tham gia.
Trong suốt dòng chảy lịch sử của dân tộc, thời nào dòng họ Nguyễn Đình cũng xuất hiện nhiều bậc hiền tài có công với quê hương, đất nước. Công lao to lớn của các bậc tiền nhân vẫn đang được những thế hệ con cháu hôm nay tôn vinh và tiếp nối.
“ Thần tích thần sắc của một vĩ nhân Bậc tiên hiền Linh Quận Công Nguyễn Trọng Đạt âu cũng là việc ôn cố tri tân nên làm”. Đây là câu lược ghi gói gọn đầy đủ những thành kính, mong mỏi của toàn thể con cháu họ Nguyễn Đình tới bậc tổ tiên mình trong dịp nhân kỷ niệm 548 năm ngày mà đức tổ đại chi 10 về cõi vĩnh hằng (1471 – 2019) và vinh dự đón nhận bằng di tích lịch sử cấp quốc gia./.
Nguyễn Hương – Ngọc Ánh