Điểm đến hấp dẫn
Đến với TX. Cửa Lò, khách du lịch có thể tuỳ ý lựa chọn phương tiện: đường thuỷ, đường sắt, đường bộ, đường hàng không đều rất nhanh, thuận lợi. Hiện tại, thị xã có 265 cơ sở lưu trú với 7.496 phòng nghỉ và 15.028 giường, có khả năng phục vụ 18.000 lượt khách lưu trú/ngày đêm; 25 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 1 – 4 sao đáp ứng hoạt động và tổ chức được các sự kiện mang tầm quốc tế. Tổng lao động trong lĩnh vực du lịch là 7.300 người. Hằng năm, riêng đầu tư cho các công trình du lịch đã lên tới hàng tỷ đồng, trong đó có nhiều công trình trở thành “điểm nhấn” cho du lịch Cửa Lò như: Quảng trường Bình Minh, Nhà thi đấu thị xã, Dự án Song Ngư Sơn, Dự án sân Golf 18 lỗ gắn với khách sạn nhà nghỉ cao cấp của Công ty cổ phần Golf biển, đặc biệt mùa du lịch 2015 này khách sạn Mường Thanh Cửa Lò 4 sao đầu tiên sẽ đưa vào sử dụng phục vụ khách du lịch… Cùng với đó là hệ thống thảm cỏ xanh mát, hệ thống ki ốt được quy hoạch sạch đẹp phía Đông đường Bình Minh… tạo nên vẻ đẹp riêng cho TX. Cửa Lò.
Để phục vụ du khách, TX. Cửa Lò đã hình thành nhiều tour du lịch hấp dẫn như: Cửa Lò – quê Bác; Cửa Lò – sông Lam – đền Củi; Cửa Lò – Vinh – Khu di tích Kim Liên – Rừng nguyên sinh Pù Mát; Du thuyền vãn cảnh đảo Lan Châu – động Rùa – Đảo Tiên; Cửa Lò – đảo Ngư – đảo Mắt – sông Lam … và một số tuyến ngoại tỉnh như Cửa Lò – Cửa khẩu Cầu treo – Lạc Xao… Khách đến với Cửa Lò ngoài thưởng thức đặc sản biển, tắm biển còn có thể tham gia các hoạt động thể thao như bơi, lặn, lướt sóng, bóng chuyền bãi biển, mô tô nước… hay tham quan các khu chợ đêm chuyên bán hàng hải sản tươi, khô đảm bảo chất lượng hoặc ghé thăm các làng nghề đóng tàu thuyền Nghi Thiết, nghề đan Nghi Xuân, nghề chế biến hải sản Nghi Hải… bằng các phương tiện thuận tiện, giá cả phải chăng như xe ô tô điện, xích lô du lịch, xe đạp đôi…
Lễ hội Đền Vạn Lộc (TX. Cửa Lò). Ảnh: Xuân Nhường |
Mảnh đất này là nơi “Nhân sơn quần tụ”: Núi Lò (Lô Sơn) trông ra biển; dưới chân núi có chùa Lô Sơn là danh thắng cũng là nơi gửi gắm tâm linh của du khách. Núi Cờ, núi Voi, núi Mão, núi Áo (ở Nghi Quang, Nghi Hợp), núi Kiếm, hòn Thỏi Mực (ở Nghi Tân), núi Bảng (bảng Nhãn Sơn – Nghi Thiết)… đã phát thịnh cho các vị thần linh, tướng tài có công lao với đất nước và văn hiến của vùng đất này. Núi Cờ (còn gọi là động Đình) ở phía Tây Bắc núi Lò, dưới chân núi có khu mộ Nguyễn Hội do hổ táng. Nguyễn Hội là thân sinh của Cương Quốc công Nguyễn Xí – công thần khai quốc triều Lê…
Xác định những di tích này góp phần lớn trong thu hút khách du lịch khi tới TX. Cửa Lò nên những năm gần đây, ngoài ngân sách của địa phương, nhân dân đã huy động lòng hảo tâm, tiền công đức trùng tu, tôn tạo để phục vụ nhu cầu văn hoá tâm linh cho người dân địa phương và du khách gần xa. Đặc biệt, hằng năm, vào vụ cá nam, ngư dân làm lễ cầu yên: cầu cho trời yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang. Dần dần từ một lễ cầu yên theo thông lệ đã phát triển thành Lễ hội sông nước quy mô lớn. Khi du lịch phát triển, Lễ hội sông nước Cửa Lò còn kết hợp khai trương mùa hè du lịch, lễ hội được tổ chức định kỳ hàng năm trong 2 ngày (30/4 và 1/5) với nhiều hoạt động phong phú mang đậm bản sắc vùng biển miền Trung, thu hút hàng vạn nhân dân và du khách tham gia.
Du lịch bốn mùa
Làm thế nào để khai thác hết tiềm năng du lịch Cửa Lò không chỉ 3 tháng hè mà kéo dài suốt trong năm là trăn trở của chính quyền địa phương cũng như các nhà đầu tư. Để thực hiện được điều này, chính quyền thị xã cần có những kế hoạch, cách làm cụ thể. Về mùa Xuân, thị xã cần lấy du lịch tâm linh làm điểm nhấn và Lễ hội Đền Vạn Lộc (phường Nghi Tân) diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng sẽ là lễ hội chính để TX. Cửa Lò thu hút khách du lịch. Đền Vạn Lộc là nơi thờ Thái úy quận công Nguyễn Sư Hồi – người có công chiêu dân khai hoang lấn biển lập ra các làng xã Vạn Lộc, Tân Lộc… Hàng năm, Lễ hội du lịch sông nước Cửa Lò được tổ chức đều có rước long ngai, bài vị Thần Nguyễn Sư Hồi ra bãi tắm Cửa Lò để mở đầu lễ khai mạc.
Với ý nghĩa đó nên Lễ hội Đền Vạn Lộc được nhân dân vùng biển Cửa Lò tổ chức rất ấn tượng mang đậm bản sắc vùng biển xứ Nghệ: cùng với việc tế thần, nhân dân làng Vạn Lộc còn tổ chức mở hội rước sắc và tổ chức đua thuyền truyền thống, giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng tâm linh của nhân dân vùng biển Cửa Lò và du khách thập phương, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc đây còn là dịp để Thị xã Cửa Lò tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch. Ông Hoàng Minh Sơn, Phó bí thư Đảng ủy phường Nghi Tân cho rằng: Thật ra Lễ hội Đền Vạn Lộc mới chỉ thu hút được nhân dân vùng Nghi Lộc, TX. Cửa Lò, TP. Vinh tham gia. Để thu hút khách du lịch trong tỉnh, trong nước về với lễ hội và để Lễ hội Đền Vạn Lộc trở thành điểm nhấn mùa du lịch tâm linh thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ như Lễ hội Vua Mai, Lễ hội Đền Cờn, Lễ hội Đền Cuông…
Sau Lễ hội Đền Vạn Lộc là Lễ hội Nguyễn Xí vào 29 tháng Giêng. Như vậy cùng lúc trên địa bàn Thị xã có 2 lễ hội tâm linh để thu hút khách du lịch về với Cửa Lò vào dịp này. Cùng với đó là hệ thống các di tích trên địa bàn như chùa Lô Sơn (Nghi Tân), đền Bàu Lối (Nghi Thu), đền Mai Bảng, đền Yên Lương (Nghi Thủy), đền Diên Nhất (Nghi Hương)… Đặc biệt, mỗi lần về với TX. Cửa Lò du khách không thể không ghé thăm đó là chùa Đảo Ngư – nơi thờ thần Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn. Thời Trần, nơi đây là vị trí chiến lược của tướng quân Hoàng Tá Thốn chống giặc Nguyên – Mông. Năm 2004, chùa Đảo Ngư đã được trùng tu, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và du khách gần xa. Cùng với việc trùng tu chùa, bến cảng ở đảo Song Ngư và ở đảo Lan Châu cũng đã được xây dựng, thuận tiện cho du khách hành hương và viếng thăm chùa. Du khách có thể tham quan đảo Song Ngư bằng ca nô cao tốc, viếng thăm chùa Đảo Ngư, tham quan phong cảnh của đảo, thưởng thức cá giò 7 món cùng Song Ngư tửu – thứ rượu được chưng cất từ nguồn nước giếng Thần ở đảo.
Lễ hội sông nước Cửa Lò và khai trương mùa du lịch được tổ chức vào dịp 30/4, 1/5 là điểm nhấn của mùa Hè khi về với phố biển xinh đẹp này. Cùng với đó là một chuỗi các sự kiện kéo dài hết cả mùa Thu: đó là Hội chợ xúc tiến thương mại, Lễ hội ẩm thực du lịch các tỉnh Bắc miền Trung; Liên hoan nghệ thuật quần chúng giữa các đài phát thanh truyền hình toàn quốc “Nối vòng tay biển”; Giải Goft biển Cửa Lò mở rộng, Giải bóng đá Thiếu niên – Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An vòng cụm… Đặc biệt, trong mùa Hè 2015 này, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh phối hợp với UBND thị xã tổ chức đêm đại nhạc hội tại bãi biển Cửa Lò lần thứ nhất vào đầu tháng 6 và sẽ trở thành hoạt động thường niên của tập đoàn. Trong tháng 7, tập đoàn cũng chính thức ra mắt Quỹ “Vì biển đảo” và tổ chức các hoạt động như giải việt dã bãi biển Cửa Lò thu hút khách du lịch cùng tham gia, sử dụng nguồn quỹ vào mua sắm các thùng rác lưu động, hỗ trợ xây dựng, chỉnh trang khuôn viên bãi biển, hỗ trợ xây kè chắn sóng cho các vùng biển xứ Nghệ như Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu…
Mùa Đông không phải là mùa tắm biển nhưng Cửa Lò có thể mời gọi du khách về với biển qua các hội nghị, hội thảo, mùa cưới … Tuy nhiên, để hấp dẫn du khách, thị xã cần tổ chức được các hoạt động phù hợp. Chẳng hạn như Lễ hội đặc sản biển. Với tiềm năng khai thác và chế biến thủy, hải sản của mình, TX. Cửa Lò “thừa sức” để tổ chức lễ hội này. Hiện 4 làng nghề truyền thống chuyên sản xuất nước mắm, ruốc, hải sản tươi sống, hải sản khô như cá, mực, tôm khô, tôm nõn… mỗi năm tổng giá trị sản xuất từ các làng nghề đem lại cho thị xã 163 tỷ đồng/năm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho 980 lao động trên địa bàn.
Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Thủy – một trong những làng nghề chế biến thủy hải sản của thị xã, chủ cửa hàng nước mắm gia truyền cho rằng: “Đúng là Cửa Lò nên có một lễ hội đặc sản biển vào mùa Đông, dịp cuối năm. Qua đó, du khách có thể tham quan, mua sắm các gian hàng, các cửa hàng chế biến hải sản tại chỗ như đầu đuôi cá thu nướng, tôm nướng, mực nướng… và chính du khách cũng có thể trở thành đầu bếp nếu muốn tự tay chế biến các món ăn theo ý thích của mình. Đến với lễ hội đặc sản biển, du khách còn được nghe các ngư dân vùng biển giới thiệu về quy trình làm nước mắm, cách bảo quản nước mắm, cách chế biến các đồ hải sản như thế nào cho tươi ngon… Như thế thì TX. Cửa Lò sẽ không còn cảnh vắng lặng khi Đông về nữa”.
Thực tế, hiện TX. Cửa Lò cũng đã có những gian hàng giới thiệu sản phẩm thủy, hải sản ở các làng nghề, có cả chợ hải sản, có cả những cơ sở nướng cá thu ở Nghi Hải… nhưng tất cả còn dàn trải, manh mún, chưa trở thành điểm nhấn. Cái cốt lõi của TX. Cửa Lò hiện nay là cách làm, chính quyền địa phương và nhất là những cán bộ làm trong ngành Du lịch, văn hóa của TX. Cửa Lò phải thật sự trăn trở, phải tham mưu được cho lãnh đạo thị xã những cách làm hay, nhưng phải phù hợp với tình hình địa phương và tạo được hiệu ứng tốt.
Ông Doãn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND Thị xã Cửa Lò khẳng định: Để TX. Cửa Lò trở thành điểm du lịch 4 mùa, vấn đề đặt ra hiện nay của thị xã là cần có một quy hoạch thật sự khoa học, những chính sách đồng bộ để phát triển và sự đồng thuận cao để biến tiềm năng, nhân lực, vật lực thành sản phẩm du lịch.
Thanh Thủy