Tạo cơ hội cho người mù được tiếp cận và tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động xã hội, để họ được hoà nhập với cộng đồng, được học nghề, có việc làm phù hợp, hỗ trợ kịp thời về vốn để phát triển kinh doanh có hiệu quả. Đó là sự nổ lực, cố gắng của cán bộ, hội viên hội người mù thị xã Cửa Lò trong thời gian qua.
Nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập hội người mù Việt Nam (17/4/1969 – 17/4/2024), 25 năm thành lập hội người mù thị xã Cửa Lò (17/4/1999 – 17/4/2024), đi qua một chặng đường, hội đã đồng hành vượt qua khó khăn, thách thức, tích cực phát huy truyền thống, tham gia xây dựng thị xã biển ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đối với người khiếm thị, họ cảm nhận cuộc sống qua những giác quan còn lại, trong đó có sự quan tâm, yêu thương và trợ giúp từ cộng đồng để họ tự tin, mạnh mẽ vượt qua bóng tối, tìm thấy ánh sáng từ cuộc sống.
Đoàn kết, bình đẳng, chủ động vươn lên hoà nhập với cộng đồng đó là thông điệp mà hội người mù thị xã gửi cho các hội viên, tạo động lực để họ bứt phá, tìm ra giới hạn của bản thân. Với sứ mệnh kết nối cộng đồng cùng vượt qua giới hạn cho người khiếm thị, sau 25 năm đồng hành, hội người mù thị xã đã tập hợp, đoàn kết, giúp người mù trên địa bàn vươn lên, hoà nhịp với sự phát triển chung của xã hội.
Những năm qua, hội đã làm tốt công tác nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, tạo thuận lợi giúp đỡ hội viên hoà nhập cộng đồng, chú trọng công tác dạy nghề, hỗ trợ việc làm, tạo sinh kế bền vững cho hội viên. Hội trở thành ngôi nhà chung và là chỗ dựa tin cậy cho 70 hội viên, tạo việc làm cho hàng chúc người lao động. Hội đã đi vào hoạt động có hiệu quả các phong trào thi đua “Tàn nhưng không phế” gắn với cuộc vận động, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các tổ nhóm sản xuất tăm tre, chổi đót, xoa bóp bấm huyệt, xoá đói thông tin (học chữ nổi), thành lập các tổ nhóm sản xuất thủ công với hàng chục lao động, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/tháng; Hội đã tạo điều kiện cho 7 hội viên tham gia học xoa bóp, bấm huyệt tại bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Nghệ An, sau đó mở các cơ sở tư nhân với thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Hội đã tiếp cận từ nguồn quỹ hỗ trợ quốc gia 100 triệu đồng cho 5 hội viên vay làm kinh tế như mở các xưởng tẩm quất, chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp phát triển kinh tế hộ gia đình.
Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh toàn diện, quan tâm tạo việc làm phù hợp với từng đối tượng, nhờ đó, đời sống hội viên từng bước được nâng lên.
Bên cạnh đó, hàng năm hội còn tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức xoá đói thông tin cho hội viên; Tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ không sinh con thứ 3; Kết nối tặng quà cho hội viên, đặc biệt từ năm 2022 – 2023 kết nối với các đơn vị, đoàn từ thiện từ Toà Giám mục giáo phận Vinh, Chùa Đức Hậu, Chùa Phật Tích và các đơn vị khác trao tặng 4000kg gạo, 300 lít dầu ăn, 500 thùng mì tôm cho hội viên. Đặc biệt, các ban, ngành, nhà trường trên địa bàn đã giúp đỡ, kêu gọi học sinh mua tăm tre ủng hộ người mù. Trong 25 năm đã sản xuất được 20 vạn gói tăm tre, 5000 chổi đót với doanh thu 1,2 tỷ đồng.
Ngoài chăm lo đời sống cho hội viên, hội còn tổ chức các buổi gặp mặt nhân ngày 1/6, 8/3, 20/10, 27/7… tạo điều kiện để hội viên giao lưu, chia sẻ, nâng cao đời sống tinh thần.
Nhờ những nỗ lực đó, năm 2015 hội được UBND tỉnh tặng bằng khen; 2022 được Uỷ ban MTTQ thị xã tặng bằng khen, năm 2014 được UBND thị xã tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác hội. Đặc biệt, vào năm 2017, hội được UBND thị xã hỗ trợ sửa chữa văn phòng làm việc, tạo môi trường sinh hoạt cho hội viên.
Có rất nhiều người khiếm thị họ ngày đêm vẫn mệt mài quyết tâm vượt khó, chiến thắng chính mình, cảm nhận cuộc sống tươi đẹp qua nghị lực và ánh sáng tâm hồn của họ. Chặng đường phía trước tuy còn khó khăn nhưng vẫn luôn có sự đồng hành, sát cánh của cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, hội viên hội người mù thị xã để những người khiếm thị là những gương sáng vượt qua bóng tối, truyền lửa cho những người may mắn hơn.
Nguyễn Hương