Những năm qua, nhờ có chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhân dân trên địa bàn Thị xã Cửa Lò đã được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Những đồng vốn này thực sự là đòn bẩy giúp nhiều gia đình có điều kiện vươn lên xóa đói giảm nghèo, và từng bước làm giàu.
Đây là mô hình nuôi cá lồng trên biển của gia đình chị Nguyễn Thị Đức ở khối 8 phường Nghi Tân – Thị xã Cửa Lò. Năm 2015, nhận thấy nhu cầu nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi đã mạnh dạn đầu tư làm 5 lồng để nuôi cá vược và cá hồng mỹ. Được chính quyền địa phương hỗ trợ về địa điểm, đồng thời được bình xét thông qua tổ vay vốn và tiết kiệm của hội phụ nữ chị đã vay 50 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội Thị xã Cửa Lò. Nguồn vốn vay này đã góp phần đảm bảo chi phí đầu tư thêm dụng cụ và mua cá giống. Sau khi trừ chi phí năm đầu tiên gia đình chị đã thu về trên 70 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Đức- Khối 8 phường Nghi Tân – Thị xã Cửa Lò cho biết:“Nhờ vô Ngân hàng chính sách họ cho vay thì mình lấy cái đó thứ nhất mình mua giống, còn dư nựa mình đóng bè, còn dư nựa thì mình mua thức ăn cho cá ăn, chưa đến hạn mình gửi vô ngân hàng rồi đến hạn mình gửi cho ngân hàng thôi.”
Nghi Tân là địa phương có tỷ lệ hội nghèo chiếm cao nhất trên địa bàn Thị xã Cửa Lò, đặc biệt trong những năm gần đây nhờ tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh. Hiện nay, thông qua 38 tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức hội như: CCB, phụ nữ, nông dân tổng dư nợ toàn phường chiếm trên 55 tỷ đồng. Đặc biệt, là nhờ vai trò của các tổ tiết kiệm và vay vốn, cũng như chính quyền địa phương nên việc sử dụng, giám sát nguồn vốn đã phát huy hiệu quả trong các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Võ Minh Vỹ- Chủ tịch UBND phường Nghi Tân-TX Cửa Lò cho biết:“Hàng năm thì chính quyền giao cho các hội tổ chức hội nghị đánh giá lại hiệu quả trong mô hình vay vốn. Đặc biệt, chúng tôi xác định việc bình xét cũng như đánh giá ưu điểm trong vấn đề vay vốn cũng như sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong các mô hình kinh tế. ”
Không chỉ phường Nghi Tân, mà hiện nay tất cả 7/7 phường trên địa bàn Thị xã Cửa Lò đều đã thực hiện tốt việc ủy thác cho vay thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Với 8 chương trình tín dụng, tổng dư nợ của các chương trình được thực hiện theo phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội đạt 124 tỷ đồng, trong đó hội phụ nữ chiếm 40,3%, nông dân 47,9%, CCB 11,8%. Hiện toàn Thị xã có 124 tổ tiết kiệm và vay vốn, thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn, các hộ nghèo, hộ chính sách không chỉ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhanh hơn, mà còn được trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn vay có hiệu quả. Từ vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, sử dụng vốn hiệu qủa trong phát triển chăn nuôi, sản xuất – kinh doanh.Ngoài ra, các tổ còn tích cực tuyên truyền các thành viên gửi tiết kiệm, góp phần tạo nguồn vốn, hình thành thói quen tiết kiệm, giảm bớt khó khăn khi trả nợ.
Ông Đậu Văn Lưu – Tổ trưởng tổ vay vốn Hội CCB Hải Giang I – Nghi Hải – Cửa Lò cho biết:“Tổ của tôi có 22 người, thành viên CCB của Hải Giang I, nói chung là đã phát huy được sở trường về việc làm, nói chung là 70% làm nước mắm, 30% nữa là làm các ngành nghề khác trong đó có dược và buôn bán ngành nghề hải sản. Nói chung là làm ăn hàng tháng nạp lãi đầy đủ và hai nữa là gửi tiền tiết kiệm cũng làm tốt. Nói chung là quá trình vẫn phát huy được đồng vốn và làm tốt kế hoạch của ngân hàng.”
Ông Lê Quang Trung – Giám đốc Ngân hàng chính sách Thị xã Cửa Lò cho biết:“Trong thời gian qua thì đã tăng cường công tác tập huấn kết hợp với các chính sách hỗ trợ như hoạt động khuyến lâm, khuyến ngư và các tổ chức chính trị xã hội. Trong thời gian qua việc sử dụng vốn vay của các tổ chức chính trị xã hội đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó thì tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với Ngân hàng CSXH, giám sát vốn vay.”
Có thế thấy rằng, thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi Ngân hàng chính sách xã hội Thị xã Cửa Lò thời gian qua đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn Thị xã xuống còn 3,62%, và tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đô thị du lịch văn minh, hiện đại trên địa bàn./.
Mỹ Hạnh – Ngọc Ánh