Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc – Nam kết nối các trung tâm kinh tế từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh qua 20 tỉnh, thành,…nhằm phát triển kinh tế xã hội các khu vực có đường cao tốc chạy qua đang được Bộ GTVT gấp rút triển khai.
Theo tính toán, diện tích GPMB qua tỉnh Nghệ An khoảng 540ha. Chi phí công tác GPMB qua tỉnh Nghệ An dự kiến khoảng 1.932 tỷ đồng.
Nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước sẽ chủ yếu dành cho giải phóng mặt bằng và một phần cho đầu tư, phần còn lại khoảng 70% tổng mức đầu tư sẽ huy động từ nguồn xã hội hóa.
Dự kiến đường cao tốc qua địa phận tỉnh Nghệ An được đầu tư giai đoạn 1 quy mô 04 làn xe, đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trong đó đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu dài 50km, tổng mức đầu tư 7.975 tỷ đồng; đoạn Diễn Châu – Vinh dài 30km, tổng mức đầu tư 7.234,3 tỷ đồng và đoạn Vinh – Hàm Nghi (Hà Tĩnh) dài 54km, tổng mức đầu tư 12.285,9 tỷ đồng.
Ảnh minh hoạ. |
Hiện nay, Tổng công ty TVTK GTVT – CTCP (TEDI) đang xây dựng đề xuất các phương án đầu tư với quy mô bốn làn xe cao tốc. Cụ thể:
Phương án 1, nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỷ đồng: Đầu tư với chiều dài khoảng 467km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) – Vinh (Nghệ An); đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) – Túy Loan (Thừa Thiên Huế) theo hình thức BT; đoạn Phan Thiết (Bình Thuận) – Dầu Giây (Đồng Nai).
Phương án 2, nhà nước hỗ trợ khoảng 63.000 tỷ đồng: Đầu tư với chiều dài khoảng 916km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) – Vạn Ninh (Quảng Bình) đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) – Túy Loan (Thừa Thiên Huế) theo hình thức BT; đoạn Nha Trang – Dầu Giây (Đồng Nai).
Phương án 3, nhà nước hỗ trợ khoảng 70.000 tỷ đồng: Đầu tư với chiều dài khoảng 1.015km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) – Vạn Ninh (Quảng Bình); đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) – Túy Loan (Thừa Thiên Huế) theo hình thức BT; đoạn Tuy Hòa (Phú Yên) – Dầu Giây (Đồng Nai).
Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Bắc Nam đoạn qua Nghệ An (nét đứt màu hồng). Ảnh: Thu Huyền |
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc – Nam kết nối các trung tâm kinh tế từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh qua 20 tỉnh, thành, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển…nhằm phát triển kinh tế xã hội các khu vực có đường cao tốc chạy qua. Tuyến cao tốc được triển khai cũng nhằm mục đích giảm thiểu áp lực và khai thác có hiệu quả hơn Quốc lộ 1.
Trao đổi với PV Báo Nghệ An, ông Phạm Hữu Sơn – Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT – CTCP (TEDI) cho biết: Đây là dự án quan trọng quốc gia nên cần thực hiện đúng quy định, trình các cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Bộ GTVT đang chỉ đạo Tư vấn chủ động lập các phương án đầu tư thành phần để triển khai xây dựng ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước hoàn thiện cơ chế đặc thù, trong đó có cơ chế huy động vốn đầu tư xã hội hoá, trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt theo thẩm quyền./.
Thu Huyền