Đưa thương hiệu nước mắm Cửa Lò phát triển cùng du lịch làng nghề (Kỳ II)

Đăng ngày 04/07/2024

Về Cửa Lò khám phá nét đẹp làng nghề nước mắm truyền thống – Nơi gìn giữ tinh túy của biển khơi

Để sản phẩm truyền thống có chỗ đứng trên thương trường là điều không hề dễ dàng, thế nhưng nước mắm truyền thống Hải Giang 1 qua bàn tay khéo léo và sự tảo tần, chịu thương chịu khó của những người nghệ nhân cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã tạo dấu ấn không nhỏ trong lòng khách hàng gần xa. Song song với đó, việc tận dụng, khai thác những giá trị của làng nghề truyền thống gắn liền với du lịch là hướng đi đúng đắn, lâu dài, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa, vùng đất, con người miền biển Cửa Lò mến thương.

Nước mắm truyền thống nâng tầm thương hiệu Việt

Trước đây, người dân làng Hải Giang 1 (TX Cửa Lò) tự chế biến nước mắm và tiêu thụ ở quy mô nhỏ, chủ yếu là gia đình, bạn bè và địa phương. Trải qua thời gian nghiên cứu, cải thiện và nâng cao chất lượng, đặc biệt cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch thị xã, làng nghề ngày càng lớn mạnh, dần xây dựng và định hình thương hiệu của mình. Từ những hộ kinh doanh nhỏ lẻ và sản phẩm đơn điệu không nhãn mác, các hộ gia đình ở làng nghề đã được liên kết với nhau, sản phẩm ngày càng đa dạng về mẫu mã và có chỗ đứng về chất lượng trên thị trường.

z5394929932298-417336e14fd5c1c35a3b721d0a379f0e-1716804466.jpg
Sản phẩm nước mắm truyền thống Hải Giang 1 không chỉ nổi bật về chất lượng mà còn chú trọng về mẫu mã. Ảnh: Như Yến

Năm 2013, nước mắm Hải Giang 1 đã được Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền sau 3 năm thành lập làng nghề. Các cơ sở sản xuất nước mắm của làng nghề đều sử dụng nhãn hiệu chung, kèm theo tên và địa chỉ của từng cơ sở nhằm gắn trách nhiệm xây dựng thương hiệu làng nghề đối với từng hộ thành viên. Điều đặc biệt, trên nhãn mác sản phẩm, người dân nơi đây vẫn giữ lấy chữ Hải Giang của quê hương như một cách để những người con xa quê, dù có đi đâu xa, mỗi khi thưởng thức giọt nước mắm lại nhớ đến quê nhà.

Bằng mô hình sản xuất truyền thống, quy trình chế biến cũng như lựa chọn nguyên liệu chặt chẽ, không chất bảo quản, không chất tạo mùi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã giúp nước mắm Hải Giang 1 nức tiếng gần xa, được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi.

77244750-154537129246628-1613542307422797824-n-1716804509.jpg
Sản phẩm nước mắm làng nghề với bao bì đóng gói bài bản, đẹp mắt. Ảnh: NVCC

Từ chất lượng và sự uy tín, nước mắm Hải Giang 1 đã được chứng nhận OCOP 3 sao vào tháng 1 năm 2021, là sản phẩm tiêu biểu Nông nghiệp Nông thôn Bắc Trung Bộ năm 2018, sản phẩm Nông nghiệp Nông thôn tiêu biểu của tỉnh Nghệ An từ 2014 đến nay. Ngoài ra Hợp tác xã làng nghề còn nhận được nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Nhằm phát huy lợi thế của vùng kinh tế, trong những năm qua các cấp chính quyền của thị xã Cửa Lò đã dành sự quan tâm thỏa đáng, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển như chính sách hỗ trợ vay vốn cho các hộ dân, tập huấn kỹ thuật nâng cao trình độ, hướng dẫn quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo nghề… Nhờ vậy, sản phẩm của làng nghề ngày càng chất lượng, phong phú và đa dạng về mẫu mã, gây ấn tượng sâu sắc đối với khách hàng trên mọi miền đất nước.

z5477142043919-0f353786ff3549fa5469bca99950595c-1716804540.jpg
Các bằng chứng nhận, bằng khen của làng nghề nước mắm Hải Giang 1. Ảnh: Như Yến

Sản phẩm nước mắm của làng nghề thường xuyên được Phòng Kinh tế của thị xã Cửa Lò hỗ trợ liên kết với các nhà hàng, khách sạn và doanh nghiệp lữ hành sử dụng cũng như giới thiệu đến du khách. Từ đó, vừa tạo nguồn tiêu thụ đáng kể, vừa góp phần quảng bá đặc sản của địa phương.

Bên cạnh là kế sinh nhai, người dân Hải Giang 1 luôn tâm niệm duy trì làm nghề nhằm giữ gìn và phát huy tinh hoa nghề nghiệp, giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi giọt nước mắm của quê hương. Chính vì vậy, trước “cơn lốc” phát triển của các loại nước mắm công nghiệp thì nước mắm truyền thống của địa phương vẫn đứng vững trên thị trường với giá bán ổn định. Mỗi chai nước mắm nguyên chất có giá 140.000 đồng/lít loại đặc biệt, còn loại 1 và 2 có giá từ 70.000 – 80.000 đồng/lít.

Với hương vị mặn mòi, đặc trưng của biển cả, đi cùng với thời gian, nước mắm Hải Giang 1  đã đến với khách hàng ở khắp mọi miền Tổ quốc, ngược xuôi Bắc – Nam, thậm chí còn có mặt tại nước ngoài.

Đánh thức tiềm năng du lịch từ làng nghề 

Ngoài lợi thế về cảnh quan thiên nhiên lý tưởng, làng nghề truyền thống nước mắm Hải Giang 1 còn có vị trí địa lý thuận lợi, rất phù hợp để liên kết phát triển du lịch tại địa phương. Từ ngôi làng nhỏ, chỉ mất tầm 5-10 phút để du khách di chuyển đến bãi tắm, quảng trường, khu vui chơi giải trí hoặc tham quan những di tích lịch sử văn hóa tâm linh trong chuyến hành trình về với Cửa Lò.

z5481096518470-b376c4a30c8020763c8076dab6872a95-1716804584.jpg
Làng nghề truyền thống là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch. Ảnh: Như Yến

Sản phẩm nước mắm của Cửa Lò được tiêu thụ mạnh nhất là vào thời điểm mùa du lịch và dịp Tết nguyên đán. Chính vì vậy, sau mỗi chuyến ghé thăm đô thị biển của xứ Nghệ thân yêu, những chai nước mắm Hải Giang 1 sóng sánh, thơm nức là món quà không thể thiếu mà du khách mang về cho gia đình, bạn bè. Tuy vậy, có một điều mà không phải ai cũng biết đó là sẽ rất thú vị nếu bạn dành ít thời gian để tận mắt chứng kiến những chum sành nước mắm trải dài giữa nắng, được quan sát, nghe lý giải về quy trình làm nước mắm và đương nhiên là nếm “tận gốc” thứ “tinh hoa” của biển cả.

Để góp phần cùng quê hương đẹp lên, truyền tải giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông đến với du khách và bạn bè, một số đơn vị du lịch đã tổ chức tour kết hợp đưa du khách khu du lịch biển Cửa Lò đến tham quan và trải nghiệm tại làng nghề nước mắm truyền thống Hải Giang 1.

z5394930718266-e2d77b4854b076159afb074a57f3346c-1716804607.jpg
Làng nghề nước mắm truyền thống Hải Giang 1 luôn sẵn sàng chào đón du khách về tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Như Yến

Là một trong số các hộ gia đình nhiều lần được các đoàn khách đến tham quan, chị Lê Thị Kim (Chủ cơ sở sản xuất nước mắm Võ Kim) cho biết: “Du khách tới đây thường tỏ ra thích thú khi được tận mắt chứng kiến và tự tay thực hiện một vài công đoạn chế biến nước mắm, hào hứng khi được tìm hiểu về về lịch sử hình thành của làng nghề truyền thống. Chúng tôi cũng rất vui vì sản phẩm của làng nghề được nhiều người biết tới, nên luôn sẵn lòng tiếp đón.”

Hàng năm có khá nhiều đoàn khách du lịch đến thăm làng nghề, nhất là các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Hòa Bình… Qua trải nghiệm thực tế, du khách có thể phân biệt và lựa chọn sản phẩm nước mắm chuẩn ngon, cách pha chế nước mắm truyền thống trong các món ăn và làm thế nào để tối ưu hóa trong sử dụng,… Tất cả những trải nghiệm này sẽ giúp người tiêu dùng thêm hiểu và tin dùng các sản phẩm “quốc hồn quốc túy” của cha ông, đồng thời gia tăng giá trị cho du lịch địa phương và du lịch cộng đồng.

z5477102769901-eef533c718c4993ff3dc2a11b498ba6f-1716804633.jpg
Gian trưng bày sản phẩm nước mắm làng nghề Hải Giang 1 – Điểm dừng chân cho du khách khi du lịch Cửa Lò. Ảnh: Như Yến

Chị Phạm Thị Thái (Thị trấn Hưng Nguyên) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thường dùng nước mắm công nghiệp, thế nhưng có lần xuống Cửa Lò du lịch cùng người thân, tình cờ tôi được biết và ghé tham quan một hộ sản xuất nước mắm ở làng nghề Hải Giang 1, được chứng kiến tận mắt quy trình sản xuất theo cách truyền thống, lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mùi vị đặc trưng nên tôi mua vài chai đem về ăn thử. Không chỉ tôi mà các thành viên trong gia đình sau khi được thưởng thức loại nước mắm truyền thống thì đều tấm tắc khen hương vị đậm đà, thơm dịu, chỉ cần bỏ vào vài lát ớt, tỏi băm, vắt chút nước cốt chanh là đã có bát nước chấm ngon, hấp dẫn. Từ đó tôi quyết định chuyển hẳn sang dùng nước mắm truyền thống và còn giới thiệu cho bạn bè, hàng xóm biết đến, tới nay cũng đã hơn 10 năm.”

Ông Hoàng Đức Thương (Giám đốc HTX – Trưởng làng nghề Hải Giang) cho biết, với vai trò là người đứng đầu của làng nghề, ông rất mong muốn ngày càng có nhiều sự hỗ trợ của các cấp, chính quyền địa phương để quảng bá rộng rãi thương hiệu nước mắm làng nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng.

z5394930119105-e469fb6c12516bd64c051fc2534f759c-1716804667.jpg
Ông Hoàng Đức Thương – Nghệ nhân làng nghề nước mắm Hải Giang 1. Ảnh: Như Yến

Làng nghề Hải Giang 1 không đơn thuần chỉ là nơi sản xuất ra sản phẩm nước mắm thủ công truyền thống mà còn là môi trường văn hóa lưu giữ phong tục tập quán, bản sắc và tinh hoa nghệ thuật của một nhóm cộng đồng. Vì vậy, nếu khéo léo kết hợp và phát triển thì du lịch làng nghề sẽ mang lại hiệu quả cao, “đánh thức” được các tiềm năng nội tại; vừa đem lại lợi nhuận về kinh tế, giúp người dân giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Với giá trị này, khách du lịch trong và ngoài nước không chỉ đến làng nghề để mua sắm sản phẩm đặc trưng của làng mà còn để cảm nhận lối sinh hoạt văn hóa cộng đồng, sự bền bỉ, sáng tạo, tài hoa của bao thế hệ được hun đúc trong lao động sản xuất với bàn tay và khối óc.

Do đó, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, tăng cường phối hợp với các đơn vị lữ hành xây dựng các tuyến du lịch kết nối với làng nghề để thu hút du khách. Ngoài ra, chú trọng hỗ mở rộng thị trường cung – cầu thông qua các hội chợ; triển lãm, trưng bày, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề gắn với phát triển du lịch, hướng tới “kinh tế xanh”.

Làng nghề nước mắm truyền thống Hải Giang 1 xứng đáng là điểm dừng chân cho du khách khi có dịp về với đô thị biển Cửa Lò, để hiểu được quy trình làm ra một hương vị nước mắm nồng đượm, để trân quý công sức của những người dân chất phác tận tụy sáng hôm. Hi vọng trong tương lai gần, sản phẩm nước mắm truyền thống đặc trưng của vùng biển xứ Nghệ sẽ “chễm chệ” trên khắp các gian hàng ở nhiều siêu thị lớn, nhỏ trong nước và quốc tế.

 Nguồn: Như Yến – Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.