Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn TX Cửa Lò được các cấp chính quyền quan tâm đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Đây cũng là một yếu tố để thu hút du khách về với đô thị biển Cửa Lò.
Hiện nay tại đền Làng Hiếu- phường Nghi Hải còn lưu giữ 6 đạo sắc phong. Dựa vào nội dung của 6 đạo sắc phong đó ta có thể khẳng định đền làng Hiếu phụng thờ một vị đại thần đã từng có công giúp nước. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề bởi 2 cuộc chiến tranh, đền làng Hiếu vẫn còn nhưng chỉ là nền đất cũ và 1 số hạng mục đã bị thời gian làm cho phai mờ, hư hỏng. Để văn hóa tâm linh và các di sản được trường tồn, năm 2012 nhân dân Nghi Hải đã tâm nguyện đóng góp 100% xây dựng phục chế tôn tạo lại ngôi đền làng Hiếu với nguồn kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng.
Trong quá trình làm và huy động sức, phường Nghi Hải đã rút ra bài học là không gì bằng dân, khi mà nguyện vọng của nhân dân được đáp ứng và đặc biệt là các công trình văn hóa tâm linh được đáp ứng thì Chính quyền đưa ra họ ủng hộ rất cao và rất đồng tình. Và việc xây dựng phục chế tôn tạo đã làm được thì họ rất thỏa mãn. Từ đó nhân dân tập trung cho phát triển sản xuất, ổn định đời sống, xây dựng đời sống văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo số liệu kiểm kê của Ban quản lý Di tích Danh thắng tỉnh Nghệ An, trên địa bàn TX Cửa Lò có 35 di tích lịch sử, văn hóa, nhà thờ họ được phân cấp quản lý. Trong đó có 3 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia gồm: Đền Vạn Lộc, đền Mai Bảng, Nhà thờ Họ Hoàng Văn và 8 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là: Chùa lô Sơn, Chùa Song Ngư, Đền Diên Nhất, Đền Yên Lương, Đền Bàu Lối, Đền Làng Hiếu, Nhà thờ họ Hoàng Thế, Nhà thờ phùng Phúc Kiều. Trải qua bao biến cố của thời gian, nhiều di tích đã và đang xuống cấp.
Trước thực trạng đó, những năm qua, TX Cửa Lò luôn quan tâm đến công tác tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn và bố trí ngân sách hàng năm cho công tác này. Từ năm 2002 đến nay, kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hoá và của nhà nước là hơn 12,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp chiếm phần lớn, đầu tư cho khoảng 14 công trình tu bổ, tôn tạo và trùng tu di tích.
Đền Mai Bảng thờ tướng Lê Khôi, Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Thủy tinh Phu Nhân và 6 vị khai cơ lập làng
Trong điều kiện nguồn lực Nhà nước có hạn, những năm qua, TX luôn quan tâm đẩy mạnh công tác XXH với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm huy động nguồn lực từ mọi tầng lớp nhân dân cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức, công tác XHH tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trên địa bàn TX trong những năm gần đây được đẩy mạnh, nhận được sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân, sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp, tổ chức xã hội…
Cùng với tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ việc trùng tu, tôn tạo di tích, nhân dân các địa phương còn tích cực tham gia công tác quản lý, bảo tồn và gìn giữ các di tích trên địa bàn. Tại các di tích đã xếp hạng trên địa bàn TX đều có 1 Tiểu ban quản lý được thành lập để trực tiếp quản lý di tích. Phối hợp với UBND các phường tổ chức tốt các hoạt động tại Di tích như: tổ chức ngày sóc, vọng; ngày giỗ của các nhân vật được thờ; xây dựng hồ sơ đón bằng công nhận di tích đã được xếp hạng và tổ chức lễ hội. Ông Phùng Bá Điểm, Trưởng ban quản lý di tích đền Vạn Lộc cho biết: “Hiện nay tại đền Vạn Lộc, 12 sắc phong của Nguyễn Sư Hồi người đã có công khai cơ lập ấp ra làng Vạn Lộc. Trải qua quá trình gần 400 trăm năm nhưng được chúng tôi gìn giữ bảo vệ. Ngoài ra các hiện vật khác có giá trị, được ban di tích bảo quản, duy trì cho con cháu muôn đời sau”
Từ thực tế cho thấy, để làm tốt công tác xã hội hoá bảo tồn các di tích lịch sử- văn hóa, ngành văn hóa và du lịch, cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, thu hút, huy động các nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị. Qua đó góp phần khơi dậy, phát huy nguồn nội lực trong việc gìn giữ và phát huy các di sản, bản sắc văn hoá truyền thống của quê hương./.
Thanh Bình