Cửa Lò là đô thị loại III từ năm 2009. Dự thảo phát triển đô thị Nghệ An đặt mục tiêu nâng Cửa Lò lên đô thị loại II vào năm 2030. Nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu này hơi ‘chậm’.
Lộ trình đô thị hoá Nghệ An đến năm 2030
Đô thị hoá là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, phân bố dân cư giữa các khu vực đô thị và nông thôn. Ngày 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An nghe và cho ý kiến tờ trình dự thảo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Chương trình phát triển đô thị chia thành 3 giai đoạn: từ nay đến 2020, 2020 – 2025 và 2025 – 2030. Lộ trình đặt ra đến năm 2030 Nghệ An sẽ có 111 đô thị. Cửa Lò được nâng lên đô thị loại II. Thái Hoà, Hoàng Mai, Con Cuông lên đô thị loại III. Tỷ lệ đô thị hoá toàn tỉnh đạt 60%.Hiện nay, Nghệ An có 21 đô thị. Cửa Lò là đô thị loại III. Thái Hoà, Hoàng Mai là đô thị loại IV. Thị trấn Con Cuông là đô thị loại V.
Tổng vốn đầu tư được dự toán là 400.000 tỷ đồng. Trong đó gần 200.000 tỷ đồng sẽ được dành cho phát triển dịch vụ hạ tầng. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước khoảng 40.000 tỷ đồng, còn lại đến từ tín dụng đầu tư, đầu tư doanh nghiệp, đầu tư của dân cư và tư nhân và vốn ngoài tỉnh.
Xung quanh việc phát triển đô thị Cửa Lò
Mục tiêu đưa Cửa Lò lên đô thị loại II vào năm 2030 được nhiều thành viên cuộc họp cho rằng “hơi chậm”. Thêm vào đó, Cửa Lò nằm trong quy hoạch phát triển đô thị Vinh từ trước nên có ý kiến cho rằng cần lưu ý việc xem Cửa Lò phát triển như một đô thị độc lập.
Đồng chí Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng không nên đặt mục tiêu phát triển một cách “chín ép”. “Khi phát triển các đô thị lớn, chúng ta vẫn thường nợ một số chỉ tiêu rồi bổ sung sau. Ngay như TP Vinh là đô thị loại I cũng phải mất một thời gian để hoàn thiện các chỉ tiêu, và đến nay vẫn chưa trở thành trung tâm của vùng. Tôi cho rằng nếu đưa Cửa Lò lên thành phố trong nhiệm kỳ này thì là lên ép. Cứ để Cửa Lò phát triển như một đô thị độc lập trước rồi lúc nào cần và hợp lý thì sáp nhập với TP Vinh sau”.
Đồng chí Huỳnh Thanh Điền cho rằng không nên khiên cưỡng thúc đẩy việc lên hạng đô thị của Cửa Lò. Ảnh: Thục Anh |
Đồng chí Hoàng Trọng Kim – Giám đốc Sở Xây dựng thì cho rằng đô thị hoá đang diễn ra rất nhanh. Nếu để cho các thị tứ, thị trấn phát triển tự phát thì quá trình đô thị hoá sẽ không bền vững mà phải có quy hoạch.
“Tốc độ kết nối của Vinh và Cửa Lò sẽ tăng lên nhanh chóng theo 4 tuyến: đường 46 nối Vinh – Cửa Lò, đại lộ Vinh – Cửa Lò, đường Vinh – Cửa Hội và đường ven đê. Rất nhanh, vấn đề về quản lý hành chính 2 đô thị có sự liên kết này sẽ đặt ra. Đó là điều tất yếu bởi vốn dĩ chúng ta quy hoạch Vinh thành cụm đô thị đa cực với Vinh, Cửa Lò, Quán Hành và Nghi Lộc.
Tuy nhiên cũng không cần khiên cưỡng sáp nhập sớm các đô thị. Tôi cho rằng cứ để Cửa Lò phát triển độc lập đến năm 2025. Sau 2025 có thể sáp nhập”.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đắc Vinh đồng tình với việc không khiên cưỡng việc sáp nhập Cửa Lò và Tp Vinh nhưng cần lưu ý xu hướng kết nối giữa 2 chủ thể này trong tầm nhìn phát triển.
“Chúng ta không cần băn khoăn về động tác hành chính hay tác động phi tự nhiên. Việc sát nhập Vinh và Cửa Lò đang diễn ra một cách tự nhiên nhưng không tự phát, mà theo dự đoán và quy hoạch của chúng ta”.
Quy hoạch phát triển đô thị theo mạng lưới và tính chất
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho rằng không nên nhìn nhận Cửa Lò như một đô thị phát triển độc lập mà nên tính đến các yếu tố môi trường để có đánh giá, dự đoán chính xác. “Khi các khu đô thị VSIP, Hemaraj được lấp đầy, khi cụm cảng nước sâu Cửa Lò đi vào hoạt động, điều kiện phát triển của Vinh hay Cửa Lò sẽ khác. Thậm chí lúc đó, Nghi Thiết cũng hoàn toàn có thể phát triển thành một đô thị hậu cần”.
Bí thư Tỉnh uỷ cho rằng lộ trình phát triển đô thị cần đề cập cụ thể hơn đến tính chất phát triển của đô thị cũng như sự kết nối giữa các đô thị trong mạng lưới toàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đắc Vinh: “Không cần có vùng đệm nông thôn giữa Vinh và Cửa Lò nhưng nhất thiết phải có vùng đệm sinh thái”. Ảnh: Thục Anh |
“Khu vực Nam Thanh Bắc Nghệ với Hoàng Mai, Cầu Giát đang thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp. Ngoài ra sẽ có sự giao thoa kết nối với Nghi Sơn. Nghĩa Đàn, Thái Hoà, Quỳ Hợp, Tân Kỳ thì có lợi thế đất rộng gắn với vùng nguyên liệu. Vùng Tây Nam Nghệ An thì sắp có đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn, chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến Thanh Chương và Nam Đàn. Quỳ Châu, Quế Phong thì có thể gắn với du lịch để phát triển.
Điều đó có nghĩa là chúng ta phải gắn phát triển đô thị với 2 vấn đề: phát triển kinh tế và phát triển hạ tầng. Không cần quá quan tâm đến việc đặt mục tiêu đô thị loại bao nhiêu”.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cũng lưu ý trong quy hoạch phát triển Vinh – Cửa Lò không cần có vùng đệm mang tính chất nông thông nhưng nhất định phải có một vùng đệm sinh thái.
Thục Anh